- Hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng rất ít khi phải chịu lỗ, các ông chủ dường như không chịu rủi ro mất hay hao hụt vốn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hệ thống đang tốt đẹp trong cả ngắn và dài hạn.

Đều đều báo lãi

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo lợi nhuận quý II/2014. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý này của riêng BIDV đạt gần 506 tỷ đồng và hợp nhất đạt 427 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, BIDV vẫn đảm bảo lợi nhuận sau thuế tương đương kết quả cùng kỳ 2013 và đạt trên 40% kế hoạch.

Theo giải thích của ngân hàng này, lợi nhuận quý II giảm là do tăng chi phí hoạt động và BIDV đã chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, BIDV đang khẩn trương và nỗ lực tập trung nâng cao năng lực quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II, thực hiện tái cơ cấu và đáp ứng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) trong khi đó cho biết lợi nhuận sau thuế trong quý II tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm trước lên 185 tỷ đồng. Tính chung trong 6 tháng, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 32% lên trên 400 tỷ đồng.

{keywords}

Hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng rất ít khi phải chịu lỗ, các ông chủ dường như không chịu rủi ro mất hay hao hụt vốn

Ngân hàng Quân đội (MBB) ghi nhận gần 1.340 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm trước cho dù phải tăng mạnh dự phòng rủi ro.

Ngân hàng VietinBank (CTG) dù gặp khó khăn với tăng trưởng tín dụng nhưng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm chỉ giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ xuống hơn 3.000 tỷ đồng.

Báo cáo hợp nhất của Vietcombank (VCB) cũng cho thấy trong quý II/2012 lợi nhuận tăng 22,3% lên gần 1.060 tỷ đồng và 6 tháng tăng 12,5% lên trên 2.220 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung trong quý II và 6 tháng đầu năm 2014, hàng loạt các ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận ở mức cao gần bằng, thậm chí hơn so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ngân hàng gặp nhiều xáo trộn thời gian vừa qua vẫn có kết quả không tệ như: Techcombank 6 tháng đạt 80% kế hoạch năm; Sacombank quý II tăng 34% so với cùng kỳ; Ngân hàng ACB bị ảnh hưởng bởi vụ bầu Kiên và Huyền Như nhưng lợi nhuận trong 6 tháng chỉ giảm 20% và vẫn đạt hơn 570 tỷ đồng...

Xử lý nợ xấu: Chặng đường còn dài

Cũng như trong cả năm ngoái, 6 tháng đầu năm 2014 là giai đoạn mà hầu hết các ngân hàng thương mại nội thực hiện quyết liệt các biện pháp để giảm nợ xấu. Hàng loạt các biện pháp đã được đề ra như tăng cường trích lập dự phòng, bán cho công ty mua bán nợ VAMC, hạn chế cho vay... Tuy nhiên, xử lý nợ xấu xem ra là một chặng đường dài, trước mặt nợ xấu dường như không suy giảm mà gần đây có dấu hiệu tiếp tục gia tăng.

{keywords}

Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất của hệ thống ngân hàng trong thời kỳ này có lẽ là hiện tượng gia tăng bất thường của nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng

Báo của VietinBank cho thấy, trong vòng 6 tháng qua, nợ xấu tại ngân hàng này tăng khoảng 150% từ khoảng 3.770 tỷ đồng cuối 2013 lên gần 9.600 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2014. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 40% lên gần 3.200 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng vốn có truyền thống duy trì được tỷ lệ nợ xấu thấp trong các năm gần đây đều đã chứng kiến nợ xấu vượt tỷ lệ vốn được coi là tương an toàn 3% của NHNN khi tính tới cuối quý II vừa qua như: Vietcombank (3,09%); Quân Đội (3,1%); ACB (3,6%)...Riêng Vietcombank, nợ xấu tổng cộng là hơn 9.030 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng gần 71% trong 6 tháng lên gần 4.770 tỷ đồng.

Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước thì đối với Cho vay, tài khoản Dư nợ chỉ được phân thành hai loại là Nợ trong hạn và Nợ quá hạn, trong đó Nợ quá hạn bao gồm Nợ cần chú ý, Nợ dưới tiêu chuẩn, Nợ nghi ngờ và Nợ có khả năng mất vốn.

Tổng Dư nợ của SHB đến hết 30/6/2014 theo Báo cáo tài chính Hợp nhất là 91.479.453.964.042 đồng. Trong đó, tỷ lệ Nợ quá hạn Quý II/2014 là 8.17%. Tỷ lệ nợ xấu Quý II/2014 là 4%.

Ttrong khi đó, một số ngân hàng thậm chí còn chứng kiến nợ xấu vượt trên 5% so với con số dưới 4% vào cuối năm.

Có thể thấy, trong 6 tháng đầu năm 2014, trừ PGBank lỗ nhẹ trong quý II, các ngân hàng khác đều duy trì được lợi nhuận khá tốt cho dù nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số ngân hàng thậm chí còn chứng kiến lợi nhuận tăng 30-40% so với cùng kỳ. Có ngân hàng đã đạt được 2/3 kế hoạch đề ra...

Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất của hệ thống ngân hàng trong thời kỳ này có lẽ là hiện tượng gia tăng bất thường của nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng mạnh dường như không chừa một ngân hàng loại nào, từ nhóm 1 cho tới nhóm 4, từ tốt cho tới yếu kém phải tái cơ cấu...

Như vậy, có thể thấy, nợ xấu của hệ thống vẫn đang nằm trong xu hướng tăng lên theo chính sách quản lý chặt chẽ sát sao hơn của NHNN.

Các ngân hàng vẫn tạo ra lợi nhuận nhờ chênh lệch giữa lãi huy động và lãi cho vay khá cao, khoảng 3-4%, thu từ dịch vụ cũng đang gia tăng lên. Tuy nhiên, bài toán khó giải nợ xấu có lẽ là câu chuyện dài kỳ, phải từ từ tìm cách, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Hiện tượng chuyển nợ vòng quanh hay cắt một phần lợi nhuận nhỏ nhoi để bù đắp cho nợ xấu xem ra có thể khiến quá trình cơ cấu kéo dài.

Tất cả có thể thay đổi, có thể ra đi nhưng nợ xấu luôn là cái còn lại ở đó, không thể biến hình thành cái khác được.

Mạnh Hà