Là một trong những kênh tiêu thụ hàng hóa lớn nhất miền Bắc nhưng tỷ lệ hàng Việt ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) vẫn còn quá thấp. Tiểu thương rất khó khăn tiếp cận hàng Việt, còn doanh nghiệp sản xuất lại không mấy mặn mà.

Ổ hàng Tàu giữa Thủ đô

Nằm tại vị trí khá đắc địa, là một trong những điểm du lịch của thủ đô, song chợ Đồng Xuân lại trở thành một trong những trung tâm buôn bán hàng TQ. Cách đây 3 năm, các tiểu thương kinh doanh buôn bán tại chợ Đồng Xuân và các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã từng ngồi lại để tìm nguyên nhân, giải pháp thúc đẩy việc đưa hàng hóa Việt nhưng cho tới nay kết quả cũng không mấy khả quan.

Báo cáo của ban quản lý chợ cho biết, tỷ trọng mặt hàng Việt Nam so với hàng ngoại vẫn còn rất thấp. Tiêu biểu nhiều mặt hàng dành cho khách du lịch như đồ lưu niệm bán cho khách du lịch có tới 80% xuất xứ từ TQ, quần áo thời trang cũng chiếm tới 60% hàng TQ. Trong đó có những mặt hàng được coi là rất nhỏ, rất đơn giản nhưng có đến 60% phải nhập từ Trung Quốc là mặt hàng dây nơ, kẹp tóc.

{keywords}
Chợ Đồng Xuân tràn lan hàng Tàu

Đại diện một tiểu thương kinh doanh tại chợ cảm thấy xót xa khi các mặt hàng bán cho Tây, khách du lịch có xuất xứ từ TQ. “Nhiều khi muốn có sản phẩm truyền thống của Việt Nam để bán cho khách cũng không có. Các tiểu thương ở chợ rất mong muốn được bán hàng Việt vì sẽ mua được hàng gốc, không phải qua trung gian ăn phần trăm khiến giá cả đội lên như các mặt hàng nhập khẩu”, một tiểu thương trăn trở.

Theo báo cáo của phòng quản lý chợ những mặt hàng có tỷ trọng hàng ngoại tương đối cao là đồ chơi 80%, vali cặp sách và đồ dùng bằng da chiếm 70%, gốm sứ là 60%. Đáng chú ý mặt hàng quần áo lót không có sản phẩm trong nước. 

Các doanh nghiệp sản xuất nội địa lớn như may Việt Tiến, 10/10, dệt 8/3, giày dép Tiền Phong, Bitis,… đều có cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh thành nên không có tại chợ. Tỷ trọng hàng ngoại còn lại chủ yếu là hàng TQ không có quốc gia khác, 99% nguyên phụ liệu sản xuất đều có nguồn gốc TQ.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ thẳng thắn thừa nhận,  rất khó để kỳ vọng vào con số 90% hàng Việt trong chợ Đồng Xuân. Theo đánh giá của các tiểu thương ở chợ, hàng TQ có mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, chưa kể các thương nhân TQ hiểu được tâm lý kinh doanh của người Việt, họ nhiệt tình chào hàng tới tận tay người bán.

Tiểu thương chê DN Việt

Nỗ lực đưa hàng Việt vào chợ đã được thực hiện trong nhiều năm qua nhưng theo chia sẻ của các tiểu thương kinh doanh ở chợ Đồng Xuân đều cho rằng rất khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Phan, chủ hộ kinh doanh tạp phẩm cho biết, các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt chỉ coi chợ Đồng Xuân là lắt nhắt, không có những cách quảng cáo, giới thiệu sản phẩm đến với tiểu thương.

Dẫn chứng cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Dung, ngành giày dép so sánh: “các vị nên học Trung Quốc vì họ tiếp thị từ giám đốc, cho đến lãnh đạo đến tận nơi, xem tận mắt. Trung Quốc đến thuê hẳn chỗ kinh doanh tiếp thị hàng, người mua chỉ cần mua 2- 3 đôi người ta cũng bán nhưng doanh nghiệp trong nước lại bắt chúng tôi nếu phải mua vài trăm đôi trong khi quầy hàng có hơn 2m2 nên chúng tôi không thể nhập hàng. Cái này là kém người ta”.

{keywords}
DN nội chê chợ Đồng Xuân

Trong khi đó, bà Đặng Thị Yến, ngành kinh doanh hoa quả khô, đưa ra phân tích: Mặc dù là nước nông nghiệp, hoa quả phong phú, nhưng các doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được lợi thế này. Hoa quả tươi vẫn để tư tương TQ ép giá.

“Các ban ngành chức năng có suy nghĩ gì, giải pháp gì để hoa quả tươi được mùa nếu được giá mới bán, không được giá ta quay sang sản xuất, chế biến thành hoa quả khô, đặc sản xuất khẩu để tạo điều kiện cho nông dân Việt Nam”, bà Yến nói.

Từ phía các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự khó khăn khi đưa hàng vào chợ, ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày làng nghề Phú Yên cho biết, làm ăn với tiểu thương ở chợ thường manh mún, đơn hàng của từng hộ không nhiều như siêu thị hoặc các thị trường lớn khác. 

Hơn nữa, hoạt động giao dịch mang tính cá nhân với nhau nhiều nên cũng phải “lựa nhau mà sống” nên nhiều khi chưa được sòng phẳng chuyên nghiệp. Chính vì vậy, việc đưa hàng hóa vào chợ Đồng Xuân thường không phải là ưu tiên số 1 của làng nghề này. Ông Đức cũng công bố thẳng thắn các mẫu mã làng nghề này đưa vào chợ thường đã đi sau thị trường ít nhất là 2 tháng.

Đại diện một doanh nghiệp may mặc cho rằng, sản phẩm của đơn vị này đã tiếp cận kênh phân phối ở chợ tuy nhiên không hiệu quả do sản phẩm có tính đặc thù riêng.

Bà Nguyễn Thị Dung, tiểu thương chợ Đồng Xuân kiến nghị: “Đây là lần thứ ba chúng tôi tham dự hội nghị như thế này. Tôi mong là sẽ không “quá tam ba bận” để doanh nghiệp sản xuất hàng Việt và tiểu thương chợ Đồng Xuân có được ngay những đơn hàng thông qua chương trình này. Chúng tôi cũng mong biết được cụ thể giá cả các chủng loại sản phẩm khác nhau của từng ngành hàng để có thể lựa chọn mẫu mã luôn để đặt hàng”.

Đi hàng chục km mới mua được hàng Việt
Là một trong những hội chợ với mục tiêu mang hàng Việt tới người tiêu dùng, như hội chợ “Tự hào hàng Việt Nam chất lượng cao và sản phẩm truyền thống năm 2014”, do Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức tới đây tại Thiên đường Bảo Sơn, được BTC kỳ vọng sẽ góp phần vào cuộc vận động thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, ưu tiên dùng hàng Việt.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn khó khăn khi tiếp cận hàng Việt. Đơn cử một địa điểm tổ chức cách trung tâm Hà Nội hàng chục km khiến không ít người tiêu dùng lo ngại khó có thể  tới tham quan và mua sắm được.  Một người dân chia sẻ, để đi từ nhà tới địa điểm tổ chức, ông sẽ phải mất tới 200 nghìn đồng tiền taxi, chính vì thế BTC nên hỗ trợ xe bus miễn phí để người dân có thể tới hội chợ nhiều hơn.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong nước còn thiếu kinh nghiệm và bất cập về năng lực, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá cả, chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Nhiều doanh nghiệp Việt chỉ chú trọng đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài mà ít quan tâm đến thị trường nội địa.

Duy Anh