Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) nổi như cồn bởi chính tên tuổi và cả những câu chuyện thương hiệu mà ông đã gây dựng nên.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (sn 1951) sinh ra tại Nha Trang. Ông là doanh nhân kiều bào định cư tại Philippines trước năm 1975 và sau đó du học Mỹ về chuyên ngành hàng không.

Năm 1984, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nỗ lực đàm phán mở đường bay chính thức giữa Việt Nam với Philippines. Sau đó, ông được cử làm Tổng đại diện của Hãng Hàng không Philippines (Philippines Airlines) tại khu vực Đông Dương.

1986, ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư khi thành lập Công ty Liên Thái Bình Dương-Imexpan Pacific (IPP).

Những năm 1985-1986, lượng khách nước ngoài vào Việt Nam rất ít, do đặc thù của nền kinh tế mới mở cửa với thế giới, thủ tục visa khó khăn, rủi ro của Dự án này lên tới… 90%.

Chia sẻ về giai đoạn khó khăn này, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết: “Tôi thuyết phục đối tác Philippines rằng, đây không phải là việc làm trong 2-3 năm, mà là 10-20 năm sau”.

Ông Hạnh Nguyễn kể lại, ông đã lấy cả uy tín và khoản vốn góp của mình để thuyết phục các nhà đầu tư cho dự án. Thực tế, trong 3 năm đầu đi vào hoạt động, số tiền lỗ lên tới 5 triệu USD, nhưng cho đến nay, đường bay đã phát huy tiềm lực.

{keywords}

Ông trùm hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP).

Năm 1995, khi Mỹ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, ông Hạnh Nguyễn trở thành cầu nối, kêu gọi các dự án đầu tư nước ngoài vào trong nước. Dự án đầu tiên được ông thực hiện tại Nha Trang là sản xuất hàng song mây xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 8.000 lao động địa phương.

Tính đến nay, ông đã kêu gọi hợp tác đầu tư 30 dự án, với tổng trị giá hơn 455 triệu USD, mang lại doanh số hằng năm khoảng 580 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động ở Việt Nam.

Từ năm 2004 đến nay, ông là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP).

Công ty Imex Pan-Pacific (Tập đoàn Liên Thái Bình Dương- IPP) do Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT còn là chủ đầu tư của hàng chục dự án thuộc nhiều lĩnh vực thương mại, cung cấp dịch vụ thực phẩm và giải khát, khách sạn, du lịch, cửa hàng miễn thuế tại các sân bay quốc tế tại Việt Nam và bốn quốc gia ở Đông Nam Á, phân phối độc quyền hơn 70% nhãn hiệu thời trang và mỹ phẩm hàng hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Năm 2013, doanh nhân này cũng được báo chí trong nước nhắc đến nhiều khi tập đoàn của ông trở thành đơn vị quản lý, giúp hồi sinh và biến biểu tượng của thương mại Hà Nội - Tràng Tiền Plaza trở thành một trong những trung tâm mua sắm cao cấp tại thủ đô.

Về dự án này, Johnathan Hạnh Nguyễn đã đầu tư 400 tỷ đồng để tạo nên đẳng cấp 5 sao của Tràng Tiền Plaza. Ngoài ra, phải kể tới 150 triệu USD, tương đương 3.000 tỷ đồng được các nhà đầu tư bỏ ra để hoàn thiện nội thất cho 112 gian hàng siêu sang. Trong số này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn sở hữu 20 gian.

Trong lúc này, giới đầu tư lại tiếp tục bàn tán tới tỷ lệ 95% diện tích của Tràng Tiền Plaza đã được lấp đầy bằng sự hợp tác của hơn 40 thương hiệu hàng đầu thế giới chỉ sau gần 1 tháng mở cửa mà không phải thông qua bất cứ công ty môi giới nào. Thậm chí, nhiều người bình luận rằng, vào thời điểm này, chỉ có ông Jonathan Hạnh Nguyễn mới làm được điều đó. Tràng Tiền Plaza nổi như cồn bởi chính tên tuổi và cả những câu chuyện đằng sau của ông trùm hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn.

Soi lại vào lĩnh vực đầu tư này, có thể thấy tên tuổi của IPP và Johnathan Hạnh Nguyễn khá dày đặc. Đó là các dự án đầu tư tại các khu kinh tế cửa khẩu với các dự án trung tâm mua sắm hàng thời trang cao cấp Rex Arcade tại Khách sạn Rex hợp tác đầu tư cùng Saigon Tourist, các cửa hàng cao cấp tại Vincom – Eden… và cả dự án Tràng Tiền Plaza kết hợp với Công ty Thương mại Tràng Tiền...

Đây được coi là những dự án lớn nhất và đầu tiên ở Việt Nam về kinh doanh thời trang cao cấp.

(Theo Giadinhonline)