- Bất chấp thị trường đóng băng, các đại gia đến từ Nhật, Singapore, Malaysia... vẫn đầu tư vào thị trường địa ốc Việt Nam với kỳ vọng thị trường sẽ sớm phục hồi.

Nhà đầu tư Singapore cắm rễ

Tại Việt Nam, những “đại gia” BĐS của Singapore đã “cắm rễ” vào thị trường Việt Nam khá sớm. Có mặt tại VN từ năm 1996, Keppel Land là công ty có tới 18 dự án bất động sản đang triển khai tại Việt Nam với số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực nhà ở, căn hộ cao cấp. 

Keppel Land cũng tạo dựng danh tiếng trên thị trường địa ốc với hàng loạt dự án bất động sản là nhà ở - khu đô thị tại TP.HCM, như Riviera Point (quận 7), cao ốc phức hợp Saigon Center (quận 1), Khu căn hộ cao cấp Estella (quận 2)... Khu đô thị Hanoi Westgate  là dự án đô thị đầu tiên của Keppel Land ở Hà Nội, sau 3 dự án văn phòng cho thuê.

Tuy đến sau nhưng CapitaLand, một nhà đầu tư khác từ Singapore - cũng khá thành công khi có mặt tại bốn thành phố lớn của Việt Nam là TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, hoạt động trong lĩnh vực căn hộ nhà ở và dịch vụ. 

{keywords}
Phân khúc căn hộ là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư

Tập đoàn đã xây hơn 4.500 căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội, bao gồm bốn dự án căn hộ cao cấp và một dự án căn hộ chất lượng nằm trong khuôn khổ công ty con mới thành lập. Tập đoàn này xác định, Việt Nam là thị trường chính ở châu Á của họ. Việt Nam là thị trường chiến lược đứng thứ tư của Tập đoàn, sau Trung Quốc, Singapore và Úc.

CapitaLand xác định, Việt Nam là thị trường chiến lược ở châu Á của tập đoàn, sau Trung Quốc, Singapore và Úc.

Ngoài ra, phải kể đến Mapletree với Trung tâm Thương mại SC VivoCity khởi công hồi tháng 3/2012, nằm trong Khu phức hợp Saigon South Palace (quận 7, TP.HCM). DN này cam kết đổ 1 tỷ USD vào Việt Nam và lên kế hoạch thành lập quỹ để đầu tư vào các dự án bất động sản tại Việt Nam.

Một đối tác ngoại từng hoạt động tại Việt Nam từ đầu những năm 1990 là Sembcrop vừa nhận giấy phép tăng vốn thêm 120 triệu USD cho dự án tại Hải Phòng.

Trước đó, năm 2013, Sembcorp nhận giấy phép đầu tư Khu đô thị VSIP Sembcorp Gateway tại Bình Dương, với tổng vốn 200 triệu USD. Khi mới bước chân vào thị trường Việt Nam, lĩnh vực đầu tiên mà Sembcrop lựa chọn là hạ tầng khu công nghiệp, điển hình như Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP I), sau đó lần lượt là VSIP II tại TP. Bình Dương, VSIP III tại Bắc Ninh, VSIP IV tại Hải Phòng và sắp tới là VSIP tại Quảng Ngãi.

Malaysia thâu tóm

Không chỉ Singapore, nhà đầu tư Malaysia cũng tỏ tham vọng đầu tư vào thị trường BĐS VN. Tập đoàn Berjaya bắt đầu thăm dò và tìm hiểu từ đầu năm 2006, đến tháng 2/2007 chính thức trở thành tập đoàn Malaysia đầu tiên nhận giấy phép đầu tư và phát triển về bất động sản tại Việt Nam. Hiện tập đoàn có 4/7 dự án được cấp phép (tổng số vốn khoảng 9,98 tỷ USD).

Tại Hà Nội, Berjaya liên doanh với một đối tác trong nước là CTCP Đầu tư và Phát triển nhà số 12 Hà Nội (Handico 12) thực hiện dự án khu đô thị 32ha tại Thạch Bàn, với tổng giá trị dự án sau đầu tư khoảng 500 triệu USD.

{keywords}
Nhiều vốn và kinh nghiệm là một trong những ưu thế của nhà đầu tư ngoại

Gamuda Berhad, tập đoàn đầu tư bất động sản hàng đầu của Malaysia cũng đã có mặt tại VN từ năm 2007. Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam được thành lập để trực tiếp quản lý dự án tái định cư Công viên Yên Sở và phát triển khu đô  thị Gamuda City rộng 500ha với tổng số vốn đầu tư 5 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí đền bù tăng đột biến từ 20 triệu USD cho cả hai dự án Khu A & Khu B lên đến 150 triệu USD chỉ riêng cho Khu B là nguyên nhân khiến chủ đầu tư xin dừng triển khai khu vực tiếp theo của công viên Yên Sở.

Đình đám nhất là thương vụ thâu tóm khu đô thị Parkcity Hà Đông, Công ty Perdana Park City (Malaysia) chấp thuận mua lại 100% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển quốc tế Việt Nam (VIDC). Đây vốn là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Perdana Park City (Singapore) và Công ty Đầu tư phát triển đô thị Vinaconex Hoàng Thành - chủ đầu tư Dự án Park City trước khi chuyển nhượng.

Vụ chuyển nhượng không được hai phía tiết lộ cụ thể, song dù là Perdana Park City Singapore hay Perdana Park City Malaysia cũng đều thuộc Samling - tập đoàn khai thác gỗ lớn nhất Malaysia hiện nay.

Một tập đoàn khác là SP Setia Bhd (Malaysia) cũng đang phát triển 2 dự án tại Bình Dương và chủ trương mở rộng đầu tư ra 2 "đầu tàu" là Hà Nội và TP.HCM...

Đến từ Indonesia dù chỉ có một dự án nhưng Ciputra đã ghi lại dấu ấn của mình trên thị trường. Khu đô thị mới Nam Thăng Long (Ciputra) là một trong những dự án BĐS đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam, với số vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,11 tỷ USD. Thành lập liên danh với UDIC từ năm 1995, Ciputra góp 70% vốn bằng tiền.

Cho đến nay, Ciputra vẫn là niềm ao ước của cộng đồng.Cùng với sự đẳng cấp, giá bán các căn nhà liền kề, biệt thự tại khu đô thị này từng có thời điểm cao nhất xấp xỉ 300 triệu đồng/m2. 

Theo các công ty tư vấn BĐS, so với các nước khác trong khu vực, thị trường BĐS Việt Nam đang có nhiều lợi thế thu hút nguồn vốn nước ngoài. Bất chấp khủng hoảng và cơn lốc thoái vốn của nhiều dự án FDI, các đại gia vẫn tin tưởng vào kịch bản phục hồi.

D.Anh