- Bộ Y tế cho hay sẽ có văn bản đề nghị các bệnh viện không thu tiền vệ sinh và tiền đi thang máy, thay vào đó phải tính toán đề xuất chi phí trong giá dịch vụ y tế, làm cơ sở để BHYT thanh toán.

Sau khi VietNamNet phản ánh tình trạng một số bệnh viện thu tiền dịch vụ thang máy, tiền đi vệ sinh trong bài Bệnh viện công tận thu cả tiền điều hòa, toilet, Bộ Y tế vừa có văn bản trả lời báo.

Cụ thể, ngày 22/8/2014, Bộ Y tế đã ký công văn gửi một số bệnh viện trực thuộc Bộ và một số Sở Y tế (có các bệnh viện được nêu trong bài), đề nghị khẩn trương kiểm tra, báo cáo sự việc.

Về việc thu tiền đi vệ sinh, theo giải trình với Bộ, thì các bệnh viện không thu tiền tại khu vệ sinh thuộc các buồng bệnh và khu vực khám bệnh.

{keywords}

Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận thu tiền phí đi thang máy với mức giá 2.000 đồng/người/lượt

Tuy nhiên, một vài bệnh viện cho rằng do nằm ở khu vực có nhiều đối tượng là khách vãng lai qua lại (như Bệnh viện Răng hàm Mặt TƯ Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản TƯ), mặc dù không phải bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhưng nhiều trường hợp vẫn vào bệnh viện đi vệ sinh. Do đó, họ buộc phải tổ chức một số buồng vệ sinh có thu phí, mức thu theo quy định của thành phố. Số tiền này bồi dưỡng cho người làm vệ sinh hoặc nộp vào nguồn thu chung của bệnh viện để thuê người quét dọn.

Đối với việc thu tiền đi thang máy, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên thừa nhận có thu của người đến thăm với mức 1.000 đồng/người/lượt để trả tiền điện và hỗ trợ sửa chữa, duy trì hoạt động của thang máy.

Trong khi đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện thu giá dịch vụ theo quy định tại Thông tư 04 thì không được thu tiền đối với người nhà vào thăm nuôi người bệnh dưới các hình thức như tiền áo vàng, tiền quần áo người nhà bệnh nhân và các khoản thu thêm không đúng quy định (Công văn số 2210 ngày 16/4/2012; Công văn số 8026 ngày 22/11/2012... ).

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho hay Bộ sẽ có văn bản đề nghị không thực hiện việc thu tiền vệ sinh và thu tiền thang máy. Các bệnh viện phải tính toán đề xuất chi phí trong giá dịch vụ y tế để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để BHYT (bảo hiểm y tế) thanh toán cho người có thẻ.

Riêng với việc bệnh viện thu tiền điều hòa tại Phòng khám, Bộ Y tế cho biết, hiện có 2 loại phòng khám: phòng có điều hòa và phòng không có điều hòa. Việc trang bị điều hòa ở phòng khám nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời bảo vệ các trang thiết bị của phòng khám.

Khi phê duyệt giá dịch vụ khám bệnh, các bộ và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thống nhất, đối với các phòng khám có trang bị điều hòa thì phải tính thêm chi phí chạy điều hòa, gồm tiền điện, tiền duy tu bảo dưỡng... nên giá khám bệnh tại các phòng khám có điều hòa cao hơn các phòng khám không có điều hòa (cùng trong một bệnh viện), nhưng không nhiều, thông thường từ 1.000-2.000 đồng.

Hiện trên 70% dân số đã có BHYT, nếu không tính chi phí này trong giá dịch vụ thì người có thẻ không được sử dụng phòng khám có điều hòa. Vì thế, nếu phòng khám có điều hòa, thì các chi phí này cũng được BHYT thanh toán, chứ không phải là thu tiền ngồi điều hòa.

N.Hà - C.Quyên