Ngôi nhà được dựng lên từ năm 1686 hoàn toàn bằng gỗ lim. Ngôi nhà cổ sử dụng hệ cột gỗ đỡ mái xây, gây kinh ngạc với các kiến trúc sư Nhật Bản khi phục chế ngôi nhà. Theo ước tính ngôi nhà này có thể chịu được động đất 8 độ Richter.
Căn nhà này trước đây là nhà thờ tự, còn nơi ở và tiếp khách là một nhà 7 gian khác phía sân trước mặt, năm 1958 gia đình đã dỡ gian này để bán cho một đại gia ở Đồng Kỵ. Ông Nguyễn Thạc Sủng, đời thứ 10 sống trong căn nhà cổ này cho biết: Năm 1686, cụ Diệu Đình Hầu Nguyễn Thạc Lượng và vợ là bà Nguyễn Thị Nguyện mang theo 8 bè gỗ lim từ Thanh Hóa về Đình Bảng tỉnh Bắc Ninh để dựng nhà.
Trải qua hơn 3 thế kỷ thăng trầm của lịch sử , sự tàn phá của chiến tranh nhưng ngôi nhà vẫn còn đó như một minh chứng cho lịch sử dân tộc. Năm 1996, Đại học nữ Chiêu Hòa Nhật Bản đã đầu tư khoảng một tỷ đồng để trùng tu lại căn nhà này. Ngôi nhà này nằm trong số 10 căn nhà có niên đại 300 năm ở Việt Nam.