Với lý do nhân viên của hãng tàu thông đồng với công ty mua gạo để ăn cắp 80 container (tương đương 2.000 tấn gạo) nên Công ty cổ phần Hưng Lâm (An Giang) đã phát đơn kiện đòi hãng tàu vận chuyển số gạo nói trên bồi thường 1,3 triệu đô la Mỹ (27,4 tỉ đồng).
Lý do để ông Hoàng Lâm, Giám đốc công ty cổ phần Hưng Lâm, An Giang, làm đơn kiện hãng vận tải Hanjin Shipping Co., Ltd (Hàn Quốc) là do một nhân viên của Hanjin ở Ghana (châu Phi) cùng với bên mua là công ty Yuletech, Ghana làm giả giấy tờ để chiếm đoạt 80 container gạo. Tuy nhiên, khi những người này mới vận chuyển ra ngoài được 11 container gạo thì đã bị cảnh sát Ghana phát hiện.
Theo thông lệ buôn bán quốc tế, bên bán và bên mua phải mở thư tín dụng (L/C) tại một ngân hàng, trường hợp của Hưng Lâm là mở L/C ở ngân hàng Standard Chartered (SCB); sau đó bên mua là Yuletech phải nộp tiền vào ngân hàng SCB thì mới được nhận 80 container gạo. Tuy nhiên, Yuletech đã không nộp tiền cho ngân hàng SCB mà câu kết với một nhân viên của hãng tàu Hanjiin, làm giả giấy tờ để lấy 80 container gạo của Hưng Lâm. Vụ việc đã bị cảnh sát Ghana phát hiện và bắt giữ khi kẻ gian mới vận chuyển được 11 container gạo, còn lại 69 container gạo bị niêm phong tại cảng.
Một nông dân ở Đồng Tháp đang đóng bao lúa sau khi phơi xong |
Sau đó, nhờ sự can thiệp của Bộ Công thương Việt Nam nên phía Ghana cho Hưng Lâm lấy số container gạo còn lại bán ra thị trường để thu hồi vốn. Phía Hưng Lâm đã phải đóng phí lưu cảng, thuế quan…gần 700.000 đô la Mỹ mới được lấy gạo, trong khi theo hợp đồng, bên mua hàng phải thanh toán và Hưng Lâm hết trách nhiệm khi hàng đến cảng Teme, Ghana.
Ông Hoàng Lâm cho biết, với những chi phí trong suốt thời gian đi lại từ Việt Nam đến Ghana và những chi phí như tiền vay ngân hàng…., công ty Hưng Lâm đã bị thiệt hại rất lớn. Hiện công ty Hưng Lâm đã nộp đơn lên Tòa án kinh tế TPHCM yêu cầu hãng tàu Hanjin - hãng đã vận chuyển số container gạo nói trên đến Ghana - bồi thường tổng số tiền 1,3 triệu đô la Mỹ
Trước vấn đề này, phía Hanjin cho biết, hãng tàu đã làm đúng và đối tượng mà công ty Hưng Lâm phải kiện là công ty TNHH Cát Tường Giang, TPHCM, công ty mà Hưng Lâm đã thuê vận chuyển 80 container gạo từ cảng TPHCM đến cảng Tema, Ghana. Sau khi ký hợp đồng vận chuyển với Hưng Lâm, phía Cát Tường Giang đã thuê lại hãng tàu Hanjin vận chuyển theo lộ trình trên.
Tuy nhiên, khi đến cảng Tema, nhân viên của Hanjin và bên mua là công ty Yuletech đã làm giấy tờ giả (chưa có lệnh xuất hàng của ngân hàng SCB do Yaletech chưa nộp 1 triệu đô la Mỹ tiền mua hàng) để chiếm đoạt số hàng trên một cách phi pháp. Đó chính là lý do để công ty Hưng Lâm kiện Hanjin mà không kiện công ty Cát Tường Giang.
Ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, phía Hưng Lâm không báo cho Hiệp hội trường hợp của công ty nên Hiệp hội chưa có những sự hỗ trợ cần thiết. “Theo tôi để giải quyết vấn đề này, hai bên cần đến trọng tài kinh tế, trước tiên là hòa giải và nếu không hòa giải được thì nhờ toà phân xử theo quy định của luật pháp hiện hành”, ông Linh nói.
(Theo TBKTSG Online)