Ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã bị bắt giam để điều tra về những hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo thông tin trên các báo TT, Tin nhanh CK, trong năm 2009, thực hiện chủ trương di chuyển nhà máy in ngân hàng I ra khỏi nội thành, ông Ngọc đã ký quyết định của Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank phê duyệt đầu tư Dự án nhà máy in ngân hàng tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Từ đó, Công ty In dịch vụ ngân hàng thuộc Agribank đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty INED để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm tại khu vực Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội, hơn 20.300 m2 đất, trị giá hơn 93 tỉ đồng.

Đến nay dự án xây dựng nhà máy in vẫn chưa triển khai. Trong khi đó, Agribank đã chuyển hơn 90 tỉ đồng cho Công ty INED, hiện không có khả năng thu hồi cho Nhà nước.

Như vậy, đây là vị nguyên lãnh đạo cao nhất của Agribank bị bắt, sau hàng loạt cựu lãnh đạo của ngân hàng này dính vòng lao lý.

{keywords}

Trong đó có cả nguyên Tổng giám đốc Phan Thanh Tân bị bắt vào năm ngoái với tội danh “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”, sau đó ông Kiều Trọng Tuyến, nguyên Phó Tổng giám đốc Agribank cũng bị bắt vào đầu năm nay.

Mới đây nhất cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Phạm Ngọc Ngoạn (58 tuổi, trú tại phố Hàng Bài, Hà Nội), nguyên thành viên Hội đồng thành viên Agribank; nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank (nay là công ty TNHH một thành viên dịch vụ Agribank, về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong vòng hai năm qua, số cán bộ của Agribank bị bắt liên quan đến hoạt động ngân hàng được thống kê nhiều nhất trong các ngân hàng, rải đều ở các chi nhánh, điểm giao dịch từ Bắc xuống Nam, gần như tháng nào cũng có các vụ bắt giữ cán bộ của Agribank đăng trên báo chí.

Như Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã đưa tin trước đó, theo Báo cáo kiểm toán năm 2013 do Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn ký công bố ngày 29 tháng 4 năm 2014, Agribank còn là ngân hàng tồn tại nhiều vấn đề cần được khắc phục thông qua một chương trình tái cơ cấu sâu rộng.

Báo cáo kiểm toán cho biết, năm 2012 Agribank thường xuyên vi phạm tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, tỷ lệ khả năng chi trả ngay và tỷ lệ khả năng chi trả 7 ngày đối với tiền đồng.

Agribank cũng là một trong những tổ chức tín dụng có nợ xấu cao. Theo Báo cáo kiểm toán nói trên, tỷ lệ nợ xấu bình quân vào thời điểm 31-12-2012 của 125 tổ chức tín dụng trong cả nước là 4,08% (đến 30-6-2013 là 4,46%), tuy nhiên kết quả thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với 59 tổ chức tín dụng thì tỷ lệ nợ xấu đến 31-12-2012 là 7,8%. Còn kết quả kiểm toán tại Agribank là 8,16%, tăng 34,43% so cùng kỳ.

Nợ có khả năng mất vốn của 2-3 ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ lớn trên tổng nợ xấu, Vietinbank là 2.132 tỉ đồng (chiếm 42,8% dư nợ xấu); Agribank là 23.652 tỉ đồng (chiếm tới 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ).

Báo cáo cũng cho biết, nếu tính cả nợ được cơ cấu lại theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23-4-2012 của NHNN về phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ thì nợ xấu của Agribank lên đến 15,68%, vượt quá mức an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Vào đầu tháng 6 năm nay, để tái cơ cấu ngân hàng thương mại nhà nước này, Ngân hàng Nhà nước đã bổ nhiệm một loạt nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Trịnh Ngọc Khánh chính thức được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, còn Phó Tổng Giám đốc Tiết Văn Thành được bổ nhiệm Quyền Tổng giám đốc ngân hàng này.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng bổ nhiệm 5 Thành viên Hội đồng Thành viên Agribank gồm ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN; Ông Phạm Hoàng Đức, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, NHNN; Ông Nguyễn Đăng Hồng, Phó Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN; Ông Nguyễn Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, NHNN; Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp.

Một nguồn tin đáng tin cậy cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn hay, với thực trạng còn nhiều khó khăn, Agribank cần rất nhiều thời gian để tái cơ cấu, ít nhất là 3 đến 5 năm nữa. Việc Agribank cần làm sớm là tổ chức lại hoạt động của các chi nhánh yếu kém, các công ty con có các lãnh đạo bị bắt. Vì thực chất, hoạt động của toàn bộ ngân hàng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các chi nhánh, công ty con đã gặp khó trong thời gian qua.

Trong thời gian gần đây, sau khi có sự thay đổi trong bộ máy, Agribank đã quay lại thực hiện đúng nhiệm vụ cho vay nông nghiệp, nông thôn của mình. Tuy thế, đó chỉ là bước đầu để tái cơ cấu một ngân hàng có tổng tài sản tính đến hết quí 1 là trên 729.000 tỉ đồng, vốn điều lệ lên đến hơn 28.700 tỉ đồng, bằng hơn 9 ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ.

(Theo TBKTSG)