Tiếp bước Công ty CP Thủy sản Bình An (Cần Thơ) và Công ty Thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng), nhiều doanh nghiệp thủy sản hùng mạnh một thời ở ĐBSCL cũng đang tiến sát bờ vực phá sản.

Vùng tôm nguyên liệu lớn nhất nước là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau - nơi đặt hàng chục nhà máy chế biến thủy sản nằm dọc Quốc lộ 1 - hiện không còn cảnh công nhân (CN) nhộn nhịp sau giờ tan ca. Ngay trong một số khu công nghiệp (KCN) có nhiều nhà máy chế biến thủy sản như Trà Nóc (Cần Thơ), Hòa Trung (Cà Mau)… cũng đang trong cảnh đìu hiu.

Sống dở chết dở

Nằm trong KCN Trà Nóc, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Khang, một trong những đại gia thủy sản vỡ nợ đầu tiên ở ĐBSCL, vẫn còn mở cửa nhưng chỉ đón vài chục CN vào làm việc. Một nhân viên phụ trách kinh doanh cho biết từ khi phó giám đốc công ty là bà Nguyễn Thị Thu Sương vướng vòng lao lý, An Khang chỉ hoạt động cầm chừng do đang gánh khoản nợ trên 370 tỉ đồng. Để nhà xưởng không bị hư hỏng, doanh nghiệp (DN) này nhận gia công chả cá cho Công ty TNHH Nam Mỹ nên bảng hiệu của công ty phải gỡ bỏ 3 chữ “xuất nhập khẩu”.

Gần đó, nhà máy của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã cũng hoạt động cầm chừng, gia công cá tra cho DN khác để lấy tiền nuôi CN, chờ tái cơ cấu với khoản nợ 700 tỉ đồng.

Tại KCN Hòa Trung, sản xuất của các DN chế biến thủy sản xuất khẩu cũng khá ảm đạm. Công ty CP Thực phẩm Đại Dương sau nhiều lần đóng cửa, mới rục rịch hoạt động trở lại gần tháng nay. Trong khi đó, Công ty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Hải (Công ty Việt Hải) vẫn trong cảnh “vườn không, nhà trống”.

{keywords}

Xí nghiệp Kinh doanh Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngọc Sinh hiện đã đóng cửa, để lại món nợ hàng trăm tỉ đồng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau (CASEP), tính đến cuối tháng 6-2014, trong số 26 DN là thành viên của CASEP thì chỉ có 30% hoạt động hiệu quả, số còn lại hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Đáng chú ý là tình cảnh của 2 đại gia: Công ty CP Thủy sản Phú Cường Jostoco và Công ty CP Chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Hải (Jostoco), từng là những DN góp phần làm nên thương hiệu thủy sản Cà Mau, nay đang rớt dần xuống nhóm “đèn đỏ”. Hiện phần lớn nhà xưởng của 2 DN này dùng cho thuê hoặc gia công sản phẩm cho các DN khác nhằm tạo công ăn việc làm cho CN. Ngoài ra, các DN thủy sản lớn là thành viên của CASEP đến thời điểm này đã đóng cửa là Công ty Việt Hải, Công ty TNHH Nhật Đức, Xí nghiệp Kinh doanh Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngọc Sinh và hàng loạt DN vừa và nhỏ khác.

“Chết” vì đầu tư ngoài ngành

Cuối năm 2011, giới kinh doanh thủy sản Cà Mau bất ngờ trước sự xuất hiện của một đại gia tên Phạm Tiến Dũng (SN 1978) đến từ Hải Phòng, bỏ ra hàng trăm tỉ đồng mua lại hàng loạt công ty thủy sản đang “hấp hối” là Công ty Việt Hải, Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Châu (Công ty Minh Châu), Công ty CP Thực phẩm Đại Dương và Công ty TNHH Chế biến thủy sản Ngọc Châu.

Sau khi bán Công ty Minh Châu cho ông Dũng, chủ DN này là ông Phan Xuân Minh lên TP HCM kinh doanh nhà hàng, để lại khoản nợ hơn 100 tỉ đồng không ai gánh vác. Ông Dũng khi tiếp quản Công ty Minh Châu cũng không có kế hoạch gì rõ ràng để cứu vớt DN đang chìm đắm trong nợ nần như đã hứa. Cái “xác” của Công ty Minh Châu sau đó được cho doanh nhân ngành địa ốc ở TP HCM thuê. Hiện Minh Châu đã hoạt động trở lại dưới sự điều hành của chủ mới với khoảng 400 CN nhưng vẫn đang khó khăn trăm bề.

Sau khi buông Công ty Minh Châu, Công ty Ngọc Châu, ông Dũng tiếp tục làm chủ Việt Hải và Đại Dương với vốn điều lệ của mỗi DN là 120 tỉ đồng. Thế nhưng sau đó, Việt Hải cũng đóng cửa, còn nợ Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Minh Hải (VDB Minh Hải) 118 tỉ đồng. Công ty Đại Dương cũng nhanh chóng sụp đổ nhưng được lãnh đạo tỉnh Cà Mau chủ trương tái cơ cấu nợ và hoạt động trở lại vào đầu tháng 5-2013 nhờ nguồn vốn vay chủ yếu của Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và VDB Minh Hải. Thời điểm sau tái thiết, Đại Dương có khoảng 240 CN làm việc, tiêu thụ 15 tấn tôm nguyên liệu mỗi ngày nhưng chẳng được bao lâu lại ngưng hoạt động vì thua lỗ.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng thủy sản là ngành đem lại lợi nhuận cao nhưng nhiều DN đầu tư trái ngành, đặc biệt là vào bất động sản nên khi thị trường đóng băng, DN thiếu vốn luân chuyển thì ngành thủy sản biến thành ngành “chết”. “Qua khảo sát, hiện có nhiều DN thủy sản muốn chuyển nhượng công ty. Một số đối tác cũng có ý định mua nhưng họ còn nghi ngại vì tuy lợi nhuận của ngành thu về lớn nhưng rủi ro cao” - ông Lam nhận định.

Tuy nhiên theo ông Lam, cũng đừng nên bi quan vì ngành thủy sản không bao giờ “chết”. Hiện một số DN của Singapore và Malaysia có ý định đổ vốn vào ngành thủy sản. Khi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Hiệp hội Cá tra điều tiết tốt ngành cá tra thì dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào, vực dậy ngành thủy sản.

Những khoản nợ khó đòi

Dù làm ăn khá “nhập nhèm” nhưng Xí nghiệp Kinh doanh Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngọc Sinh (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) vẫn được VDB Minh Hải liên tiếp giải ngân đến 20 lần với tổng số tiền lên đến trên 291 tỉ đồng. Đáng chú ý, có những hợp đồng được giải ngân chỉ cách nhau 2 ngày để rồi rơi vào diện nợ khó đòi.

Từ tháng 5-2010 đến tháng 6-2011, Công ty TNHH Nhật Đức cũng được VDB Minh Hải cho vay tổng cộng 21 lần với số tiền trên 176 tỉ đồng nhưng đến nay chưa thu hồi được vốn lẫn lãi. Công ty Việt Hải vay của VDB Minh Hải 118 tỉ đồng từ năm 2009, giờ toàn bộ số nợ đã quá hạn. Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Nam Thành vay gần 40 tỉ đồng, hiện đã ngừng hoạt động nên có nguy cơ VDB Minh Hải không thu hồi được nợ. Công ty Minh Châu cũng nợ quá hạn VDB Minh Hải với số tiền trên 108 tỉ đồng…

“Nhiều DN muốn chứng minh mình mạnh nên đầu tư nhà máy lớn nhưng hoạt động không hết công suất và chủ yếu kinh doanh từ vốn vay khiến giá thành sản phẩm tăng cao, không có lãi. Đây là nguyên nhân khiến 30% DN thủy sản ở Cà Mau “chết mà chưa chôn” được trong khi nợ ngân hàng đầm đìa” - ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký CASEP, lý giải.

(Theo NLĐ)