Giá cả tăng cao nhưng nhiều trường bán trú tại TPHCM vẫn giữ nguyên mức thu tiền ăn. Điều đó làm phụ huynh lo lắng bữa ăn ở trường cho con sẽ không đủ chất.

Cả tháng nay, mỗi sáng đưa cu Bin tới trường, kèm theo ba lô đồ cá nhân của con, chị Như (Q.11) còn chuẩn bị một ít quà bánh, sữa, phô mai… gửi cô giáo cho con mình ăn thêm trong ngày. Chị Như cho hay, giá cả tăng cao nhưng tại trường mầm non con chị theo học vẫn giữ mức giá tiền ăn 15.000 đồng/ngày nên rất nhiều phụ huynh lo lắng bữa ăn ở trường không đủ chất.

“Giá cả cao thế này, 15.000 đồng chỉ mua được hơn lạng thịt thì ăn uống suy dinh dưỡng mất thôi. Nhiều phụ huynh có đề nghị tăng mức thu tiền ăn nhưng chưa được chấp nhận vì trường còn phải xét điều kiện nhiều gia đình khác, hơn nữa đã cuối năm học”, chị Như nói. Để khắc phục, chị Như và không ít phụ huynh nghĩ ra cách “gửi quà” cho cô giáo để bồi bổ thêm cho con.

Bên cạnh đó, có phụ huynh lại tăng cường các bữa ăn cho trẻ ở nhà như bữa sáng, bữa tối, hoặc cho con thêm tiền ăn quà như để “bù đắp” phần ăn mà họ lo lắng thiếu hụt ở trường khi giá cả tăng.

Chị Lê Anh, ngụ ở P.6, Q. Bình Thạnh, có con học lớp 1, cho hay: “Trước đây bữa sáng tôi cho cháu ăn nhẹ lắm nhưng giờ thì phải ép con ăn thêm. Bữa tối cũng vậy, cho cháu ăn nhiều hơn. Mà có vẻ như cháu cũng ăn được nhiều hơn thật, chứ trước đây nó kén lắm”.

Chính điều này làm chị Anh thêm lo rằng ở trường có thể cháu bị đói, không đủ chất. “Mình bổ sung vậy thôi nhưng như vậy tôi lại lo bữa ăn của cháu có được cân đối hay không?”.

Tại không ít trường học mầm non, tiểu học chưa tăng giá bữa ăn, nhiều phụ huynh cũng buộc lòng gửi quà bánh nhờ cô giáo bổ sung thêm trong bữa ăn cho con mình. Còn các trẻ lớn hơn thì trong cặp sách giờ có thêm bánh, sữa và được cha mẹ nhắc nhở ăn. Có những giáo viên mầm non, sáng đón trẻ phải lỉnh kỉnh rất nhiều quà bánh từ phụ huynh gửi.

Một giáo viên mầm non ở Q. Gò Vấp cho hay có hôm cô phải đánh dấu phần quà bánh của mỗi cháu vì sợ bị nhầm lẫn. “Trước đây phụ huynh cũng có gửi quà bánh nhưng ít hơn, chỉ để con ăn vặt thì giờ họ gửi đồ ăn vì sợ con thiếu chất. Trưa nhiều mẹ còn gọi “nhắc” nhớ cho con họ ăn thêm. Như mình cũng vậy thôi, giá tiền ăn ở trường tiểu học con học chưa tăng nên sáng nào tôi cũng mua bánh bỏ vào cặp cho con”, giáo viên này chia sẻ.

Hiện nay, tuy giá thực phẩm, hàng hóa đã tăng cao nhưng nhiều trường tại TPHCM vẫn chưa có quyết định tăng giá bữa ăn. Thay vào đó, các trường cố gắng xoay xở bữa ăn cho trẻ với khoản tiền dường như đang trở nên "teo tóp" với giá.

Nhiều phụ huynh sốt sắng đề nghị tăng mức thu tiền ăn nhưng không phải trường nào cũng có thể thực hiện vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như xem xét điều kiện kinh tế của từng trường. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện, đồng tình với việc “leo theo giá” ngay. Hoặc thậm chí có trường thương lượng được với phụ huynh đồng ý tăng giá thì chưa chắc chưa chắc đã được quận cho phép.

Hiệu trưởng nhiều trường mầm non cho rằng, quy định bữa ăn của trẻ tại trường phải đạt 55 - 60% calo trong ngày nhưng trong điều kiện hiện nay, giá tăng nhưng tiền ăn chưa tăng thì dù các trường có cố gắng đến mấy cũng chỉ đạt được khoảng trên 50% calo trong ngày cho trẻ. Vì thế các trường cũng lưu ý phụ huynh hỗ trợ trong việc tăng cường việc ăn uống cho trẻ.

Bà Trịnh Kiều Trang, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (Q.12) cho hay với mức giá bữa ăn 15.000 đồng/học sinh/ngày tại trường như hiện nay không thấm tháp vào đâu so với giá cả. Tuy nhiên trường vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo bữa ăn cho trẻ một cách tốt nhất bằng linh hoạt trong thực đơn, cách chế biến sao cho tiết kiệm, hiệu quả nhất.

“Bên cạnh đó chúng tôi khuyến khích phụ huynh bổ sung sữa bánh, tăng khẩu phần bữa ăn ở nhà cho các cháu. Đó là những cách nhà trường và gia đình cùng vượt qua khó khăn”, bà Trang nhấn mạnh.

(Theo Dân trí)