“Dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo khuyến mại là một quyết định đúng đắn”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, khẳng định.

Áp trần quảng cáo khiến ngân sách thất thu

Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013 quy định quảng cáo khuyến mại là 15% trên tổng chi phí của doanh nghiệp, tăng hơn so với mức 10% duy trì hàng thập kỷ trước đó. Mức thay đổi nhỏ giọt này khiến nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thất vọng.

Hiện chỉ Việt Nam và Trung Quốc là còn giữ trần chi phí quảng cáo khuyến mại. Tuy nhiên, Trung Quốc có chính sách mềm dẻo hơn Việt Nam là nếu chi phí quảng cáo khuyến mại năm nay không dùng hết có thể chuyển vào năm sau.

Theo bà Loan, lợi ích rõ nhất từ quyết định dỡ bỏ trần quảng cáo và khuyến mại là các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn về chi phí, và hơn hết là phù hợp với quy định về tự do kinh doanh. Ngoài ra, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận nhiều thông tin hơn về hàng hóa, dịch vụ. Nếu doanh nghiệp chi phí cho quảng cáo quá lớn, đẩy chi phí tăng cao có thể dẫn đến thua lỗ. Lúc đó người tiêu dùng sẽ từ bỏ những sản phẩm của doanh nghiệp đó.

{keywords}
Giới hạn chi phí quảng cáo khiến DN gặp nhiều khó khăn

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đồng tình với quan điểm: Bỏ giới hạn mức chi hợp lý vừa khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh và lợi nhuận của DN. Ngân sách cũng không thất thu bởi khoản chi của DN này đồng thời là khoản thu của DN khác mà Nhà nước đã đánh thuế đối với khoản thu này.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết, có đến 80-90% chi phí cho các hoạt động quảng cáo là nằm ở khâu sản xuất chương trình, nên việc áp trần quảng cáo như trên sẽ khiến Nhà nước bị thất thu. 

Theo bà Hà, quảng cáo một sản phẩm có thể tốn tới 1 triệu USD, nhưng vì số tiền quá lớn nên nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài thường thuê làm ở nước ngoài thông qua công ty mẹ và chỉ thuê phương tiện trong nước để quảng cáo. Như vậy, cơ quan chức năng không thể thu thuế được vì thực hiện ở nước ngoài. Trong khi đó, các công cụ truyền thông trong nước cũng chỉ hưởng một phần rất thấp.

Nghiên cứu của hãng Ernst & Young đã chỉ ra rằng việc gỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại không những có ý nghĩa lớn trong tăng trưởng kinh tế, các DN và nhà đầu tư nâng cao khả năng cạnh tranh, cũng như người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm cạnh tranh với giá rẻ.

Khó tăng giá bán

Liên quan tới vấn đề DN lợi dụng để quảng cáo tràn lan, theo đại diện Hiệp hội bán lẻ, điều này không lo ngại. Trong cơ chế thị trường, nếu DN chi phí quá mức, giá hàng cao không tương xứng với chất lượng thì sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Để hạn chế tình trạng các DN gian dối trong quảng cáo sẽ có các công cụ pháp lý khác để quản thúc như cơ quan quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh...

{keywords}
Quảng cáo vỉa hè là một giải pháp để giảm chi phí

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, việc tăng chi phí quảng cáo không đồng nghĩa với việc tăng giá bán, vì nếu doanh nghiệp đạt được doanh thu cao do bán hàng tốt thì doanh nghiệp sẽ tự biết điều chỉnh giá bán hàng hóa sao cho phù hợp.

Đánh giá tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, việc quy định hạn mức quảng cáo đang là một rào cản trong việc xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Ông Phạm Thành Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội, cho rằng, khống chế trần chính là tước đi công cụ để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Như vậy để có một thương hiệu mạnh còn khó chứ chưa nói đến số nhiều.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khẳng định, xây dựng thương hiệu mạnh quốc gia tầm khu vực đang là một trong những mục tiêu mà VCCI đang hướng tới. Việc dỡ bỏ mức khống chế chi phí quảng cáo còn giúp Việt Nam hội nhập, cải thiện môi trường và thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư nước ngoài, cạnh tranh hiệu quả với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới. 

Duy Anh