Đã có rất nhiều đề xuất chính sách mang tính đột phá, đem lại hy vọng cho thị trường đã không thể thành hiện thực bởi vấp phải sự tranh cãi và thận trọng quá mức. Trong những câu chuyện đó, ai cũng cho mình có lý nhưng cuối cùng đều ngậm ngùi nhìn cơ hội quý giá đi qua. Những tranh cãi hiện nay về việc cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam có thể sẽ lặp lại nhiều bài học đã và đang diễn ra.

Những bài học chưa cũ

Cả tháng nay, Dự thảo Nghị định về công nghiệp hỗ trợ được đưa ra lấy ý kiến các bên liên quan. Với nhiều ưu đãi lớn Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho CN hỗ trợ trong bối cảnh nhiều các tập đoàn toàn cầu đang chọn Việt Nam là “đại bản doanh sản xuất” đều kêu trời vì CN phụ trợ Việt Nam quá yếu kém.

Tuy nhiên, Nghị định này chỉ là làm lại hay ‘sửa sai’ một lộ trình bị đứt quãng cánh đây 3 năm.

Bảy năm trước đã có một dự thảo nghị định về CN hỗ trợ với rất nhiều đột phá và ưu đãi. Sau 4 năm tranh cãi không có Nghị định nào được ra đời. Kết quả là chính sách CN hỗ trợ gần như bị phá sản, vẫn dậm chân ở mức tự phát.

{keywords}
Những quan điểm thận trọng và kiểm soát đã có nhiều bài học lỡ tàu.

Đến nay, cả nước không có DN nào đủ sức trở thành nhà cung ứng bậc 1 cho các tập đoàn quốc tế. Nhiều nhà đầu tư cảnh báo khi mức thuế Asean đồng nhất về 0% họ sẵn sàng bỏ sang Thái Lan nếu tình hình này không được cải thiện.

“Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” và “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa ban hành sau nhiều năm đề xuất và chờ đợi.

Tuy vậy, các hãng ô tô lớn đều không còn “mặn mà” bởi chính sách này ra đời đã khá muộn. CN ô tô Việt Nam gần như bị “lỡ tàu” vì chỉ đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ Asean chỉ còn 0%.

Sự chờ đợi mòn mỏi cũng đang diễn ra trên thị trường chứng khoán. Đã gần 2 năm nay, đề xuất nới room cho nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam từ 49% lên mức 60% vẫn còn bị treo.

Chính sách này được đề xuất từ cuối 2012, suốt năm 2013 liên tục được bàn thảo và trông đợi như một giải pháp quan trọng để thu hút vốn ngoại, kích thích TTCK đang khó khăn. Nhưng đến nay, chứng khoán đã vào một chu kỳ mới mà chính sách hỗ trợ thị trường khó khăn vẫn chưa hoàn thiện.

Sự chậm trễ và hay tranh cãi vì những lý do thận trọng quá mức trong xây dựng chính sách đã khiến Việt Nam vuột mất nhiều thời cơ thuận lợi, mà khi “ngộ” ra thì đã hậu quả hẳn đã “thấm”!

Câu chuyện “nới - thắt” thời sự

Mấy tuần nay, toàn bộ nền kinh tế đang hướng sự quan tâm vào cuộc tranh cãi “nới và thắt” các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi với rất nhiều điểm thông thoáng để tháo gỡ những nút thắt, khó khăn cho người nước ngoài mua nhà đã tạo ra kỳ vọng lớn cho cả người có nhu cầu mua và bán BĐS. Thậm chí, nếu những đề xuất đột phá như việc cho người nước ngoài sau khi nhập cảnh được mua nhà thì sẽ tạo nên một động lực mới cho BĐS.

{keywords}

Không chỉ cơ quan soạn thảo là Bộ Xây dựng mà các Bộ ngành khác như KH – ĐT, Tài chính, TN-MT đều bày tỏ sự ủng hộ nới lỏng và tạo thuận lợi tối đa để người cho phép người nước ngoài mua nhà tại VN. Điều này sẽ tạo ra nguồn lực lớn để kích thích phát triển BĐS trong dài hạn, giúp xử lý nợ xấu BĐS hiệu quả. Hơn thế, việc cho người nước ngoài sau khi nhập cảnh được mua nhà cũng sẽ tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút và kích thích phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, có lợi cho cả nền kinh tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, những đề xuất đột phá, được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích này đang vấp phải những ý kiến thận trọng. Nói về điều này, TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích, những quy định thắt chặt quá mức cần thiết như vậy sẽ làm chậm quá trình phát triển của thị trường, không nên vì những lo ngại hay thận trọng quá mức mà bỏ qua nguồn lực rất lớn này.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ cũng sốt ruột “Chúng ta phải làm nhanh, kiên quyết nếu không sẽ lỡ mất cơ hội bởi dự thảo luật sắp trình Quốc hội thông qua. Nếu lần này không sửa được sẽ phải chờ sửa đổi luật lần sau" .

Và những bài học trên chính là cảnh báo đầy tính thời sự.

Giữa lúc những tranh cãi thời sự chưa kết thúc thì diễn biến quanh “Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN về việc nhập máy móc, thiết bị cũ” mở ra hướng đáng suy nghĩ. Một năm trước, thông tư được ban ban hành trước những lo ngại của cộng đồng DN vì cho rằng có thể ảnh hưởng đến việc nhập khẩu máy móc công nghệ và giá cả phù hợp về Việt Nam.

Thực tế, ngay khi thông tư sắp có hiệu lực thì rất nhiều tập đoàn lớn quyết định chọn Việt Nam là điểm đến cho các nhà máy sản xuất toàn cầu của họ. Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển lớn này có thể trở nên tắc nghẽn vì những quy định trên đây.

Một quyết định đầy quyết đoán đã được đưa ra: Chính phủ đồng ý tạm dừng thực thi Thông tư này để nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện thực thi hợp lý hơn. Điều này không chỉ cởi trói cho các DN trong nước, không tạo ra sự tắc nghẽn của một dòng đầu tư lớn mà hơn hết đó là một quyết định kịp thời để tận dụng cơ hội quý giá cho nền kinh tế.

Có lẽ, chính sách về việc mở cho người nước ngoài mua nhà cũng cần cái nhìn thấu suốt và sự quyết đoán như thế?.

Phước Minh