Nhiều khách hàng, chủ yếu là giới trẻ, xếp hàng chờ đến lượt ăn mì tại nhiều nhà hàng Nhật ở Sài Gòn. Nếu như vào giai đoạn 2010-2012, việc đầu tư nhà hàng Nhật Bản tại Việt Nam bị chững lại thì tình hình hiện nay đã khác...
Bất ngờ trước sự ưa chuộng của người Việt
Theo báo cáo năm tài chính 2013 (kết thúc vào cuối tháng 3-2014), tập đoàn Toridoll có khoảng 850 nhà hàng tại Nhật Bản. Nếu tính luôn các nhà hàng ở 10 nước và vùng lãnh thổ, con số nhà hàng của tập đoàn này lên khoảng 900, dự kiến nó sẽ lên tới 1.000 chỉ trong thời gian ngắn tới đây.
Cũng theo báo cáo này, trong khu vực Đông Nam Á, Toridoll đang có 10 nhà hàng tại Thái Lan (qua hình thức liên doanh) và 6 nhà hàng tại Indonesia (qua hình thức nhượng quyền thương mại). Ông Takaya Awata, Chủ tịch tập đoàn, cho biết thương hiệu mì udon Marukame đã có mặt ở hai thị trường này trong hơn một năm qua.
Còn tại thị trường Việt Nam, ông Takaya Awata cho rằng thương hiệu nhà hàng Marukame thậm chí có thể phát triển nhanh hơn với ít nhất 30 nhà hàng trong năm năm tới. Nhận định này khác với trước khi đầu tư vào Việt Nam, khi ấy, Toridoll chưa dám chắc vào sự thành công của thực phẩm Nhật Bản. Nhưng khi mở thử nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam, sự đón nhận của thị trường đã tạo bất ngờ cho nhà đầu tư. Với thực tế đó, ông Takaya Awata tin rằng đây là thị trường có tiềm năng lớn. Ông nói: “Chúng tôi có một chiến lược dài hạn và kế hoạch phát triển nhanh tại Việt Nam. Đây là thị trường trọng điểm của chúng tôi”.
Hiện phương hướng phát triển chuỗi nhà hàng Marukame tại Việt Nam là theo hình thức nhượng quyền thương mại, nhưng dự kiến vào năm 2015, Toridoll sẽ đầu tư trực tiếp qua liên doanh với Lotus Food.
Theo ông Takayuki Yamamoto, phụ trách chương trình xúc tiến kinh doanh ở nước ngoài của Toridoll, khi vào thị trường Việt Nam, bên cạnh việc đảm bảo thống nhất về chất lượng và mô hình kinh doanh, tập đoàn này đã phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu làm ra các món ăn phù hợp khẩu vị của người Việt, như giảm bớt muối. Ngoài ra, thực đơn và giá cũng thay đổi để thu hút đông đảo khách người Việt. Chẳng hạn nếu ở các nước, giá bán một tô mì udon tính ra tiền Việt khoảng 100.000-120.000 đồng, thì ở Việt Nam chỉ có giá chỉ 39.000-49.000 đồng (chưa tính thuế VAT 10% - PV).
Ông Takayuki Yamamoto cho biết Toridoll cũng gặp vấn đề cạnh tranh về giá tại thị trường Việt Nam, nhưng đã khắc phục được bằng cách không nhập toàn bộ nguyên vật liệu từ Nhật Bản mà từ một số nước châu Á khác, kể cả mua từ Việt Nam. Việc này không ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Lotus Food cũng đang cung cấp cho nhà hàng các thực phẩm mà công ty này xuất khẩu sang Nhật.
Tăng trưởng trở lại
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), số nhà hàng Nhật tham gia thị trường ẩm thực Việt Nam đang tăng lên, bao gồm các thương hiệu Marukame Udon, PIZZA 4P’S, Tokyo Town... và gần đây nhất là các cửa hàng gà rán mang phong cách Nhật. Các nhà hàng cũng đã đáp ứng được về giá cả cũng như khẩu vị của người Việt.
JETRO cho biết, thị trường tại Nhật Bản đã trở nên bão hòa, các doanh nghiệp Nhật buộc phải tìm hướng đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam gia tăng, kéo theo số người Nhật sang Việt Nam cũngnhư các dịch vụ đi kèm trong đó có lĩnh vực nhà hàng, cũng tăng.
Nhà hàng Nhật Bản bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam khoảng giữa thập niên 1990 và tăng nhanh về số lượng vào năm 2006-2007, nhưng đến giai đoạn 2010-2012 thì chững lại do số lượng nhà hàng Nhật nhắm đến khách Nhật đã tăng quá mức, dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt.
Hiện ở TPHCM có hơn 300 công ty đầu tư trong lĩnh vực nhà hàng Nhật Bản, trong đó, khoảng 200 công ty là do doanh nghiệp Nhật đầu tư. Gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng theo JETRO, chỉ một số ít trong đó là thành công.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản, hầu hết họ đầu tư dưới hình thức mượn người Việt đứng tên kinh doanh. Các doanh nghiệp lớn thì chọn hình thức kinh doanh nhượng quyền. Theo JETRO, nếu chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng được nới lỏng và minh bạch hơn thì khả năng đầu tư của các doanh nghiệp lớn sẽ gia tăng trong tương lai.
Trên thực tế, theo hiệp định đầu tư Nhật Bản - Việt Nam ký ngày 14-11-2003, Việt Nam đã mở cửa cho doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư nhà hàng mà không bị điều kiện ràng buộc là phải tiến hành song song với đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hoặc mua lại khách sạn như cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tuy nhiên, tại Hà Nội và TPHCM, doanh nghiệp Nhật gặp khó khăn do việc thẩm tra của các cơ quan hữu quan xem có phù hợp với từng khu vực cụ thể hay không. Theo JETRO, việc thẩm tra này kéo dài thời gian, các doanh nghiệp lo ngại về việc vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng mà chưa kinh doanh được vì chờ cấp phép.
Hầu hết nhà đầu tư Nhật không dám đầu tư một cách chính thức mà dưới hình thức thuê mượn người Việt đứng tên là vậy. Ở các tỉnh, thành khác thì không xảy ra vấn đề này nhưng thị trường những nơi đó lại rất nhỏ...
(Theo TBKTSG)