Đinh lăng lâu năm, bìm bịp, ong đất, tắc kè... một loạt sản vật vốn chỉ trên rừng mới có, nay xuất hiện nhan nhản giữa thủ đô song ít người có thể kiểm chứng được chất lượng.

Những người đàn ông trang bị đầy đủ “hàng rừng” dùng để ngâm rượu trên một chiếc xe máy tiến vào thủ đô kèm theo lời rao bán vang khắp các ngõ hẻm Hà Nội, bất kể ngày hay đêm. “Hàng rừng” ngâm rượu chủ yếu là rễ đinh lăng, tổ ong đất, rắn, tắc kè, côn trùng... Để tăng độ tin cậy là người sống tại vùng rừng núi, những người bán mặt hàng này thường đi xe máy biển số 21 (Yên Bái), 26 (Sơn La), 28 (Hòa Bình)...

Những tổ ong đất to được đặt gọn trong tấm lưới treo bên hông xe, ong vẫn bay xung quanh. Rễ cây đinh lăng bằng cổ tay, trơ trụi buộc gọn sau xe. Trên chiếc xe máy nhỏ chồng chất nào xô, chậu, lưới, giỏ, lồng... treo một cách chắc chắn nhưng vẫn đủ để khách hàng nhìn thấy hết các loại bên trong.

{keywords}

Anh Huy chở “hàng rừng” bán rong tại Hà Nội.

Dáng người nhỏ thó, khuôn mặt rám nắng, anh Huy - một “ông chủ” của những món “hàng rừng” cho biết, năm nay là năm thứ tư anh đi bán mặt hàng này. “Trước thì hay bán tại quê, nhưng gần đây dưới quê người ta bán nhiều quá nên phải mang ra Hà Nội, người ta thấy lạ mới mua cho. Có ngày bán được, có ngày chẳng bán được là bao, vì nhiều người bán mặt hàng này quá, hàng nhái cũng nhiều nên người mua dè chừng”, anh Huy cho biết.

Người bán hàng này cho biết thêm, rễ đinh lăng và ong đất được nhiều người mua nhất. Họ mua về ngâm rượu để chữa bệnh. Giá 1kg rễ đinh lăng là 150.000 đồng, 1kg tổ ong đất (bao gồm cả ong, nhộng, tổ) là 250.000 đồng...

Dọc theo quốc lộ các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ..., những dãy hàng bán rễ đinh lăng rất nhiều. Rễ đinh lăng dài được chặt gọn, bó thành từng bó dựng ven đường. Người mua khó lòng phát hiện được đây là rễ đinh lăng thật hay chỉ là rễ cây rừng, vì không có bất cứ dấu hiệu nào như lá, rễ phụ... để nhận biết.

{keywords}

Rễ đinh lăng chất thành đống ven đường, to như bắp tay người lớn, không có đặc điểm để nhận biết.

Nhiều khách du lịch tới mua vài chục cân mang về làm quà cho người ở nhà ngâm rượu. Rễ đinh lăng thật hay cây rừng lành tính thì không sao, nếu vô tình không phải là rễ đinh lăng thật, rất có nguy cơ người uống rượu ngâm bị nhiễm độc phải nhập viện. Từng có những trường hợp phải nhập viện vì sử dụng rễ đinh lăng giả.

Anh Huy giãi bày: “Hiện giờ việc bắt ong đất, bìm bịp, tắc kè, côn trùng không phải dễ. Nhiều khi bạn bè tôi đi rừng hai, ba ngày vẫn không tìm được tổ ong nào, đành quay về. Cũng vì đồng tiền mà nhiều người làm giả cả tổ ong, xong bắt vài con ong thả vào cho bay xung quanh để tạo lòng tin nơi người mua; đinh lăng cũng bị trộn với rễ cây khác để trục lợi. Người mua mà không tinh mắt, rất dễ bị lừa. Vài mối quen của tôi dưới này thường gọi điện đặt hàng trước, khi nào có tôi sẽ mang xuống cho họ”.

Vì sợ đụng phải hàng nhái, “tiền mất, tật mang” nên “hàng rừng” tại các thành phố “tuy hiếm nhưng không quý”. Cách tốt nhất trước khi mua là nhờ người từng có kinh nghiệm xem, chọn hàng hộ hoặc mua của những người quen để đảm bảo về chất lượng mặt hàng, và nhất là không bị “mất tiền oan”.

(Theo Pháp Luật Việt Nam)