Trước thông tin 2 người ở Quảng Trị bị chết do ăn phải thịt lợn đã gây nhiều hoang mang. Nguyên nhân được xác định là do sử dụng sản phẩm từ lợn nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.

TIN BÀI KHÁC

Tuy nhiên, phớt lờ những cảnh báo của các nhà khoa học, các cơ quan chức năng, nhiều thực khách đang tự mang tính mạng của mình ra đùa giỡn...


Một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương

"Bệnh từ miệng vào"


Theo cảnh báo của các chuyên gia Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn đường phố là "thủ phạm số 1" dẫn đến các vụ ngộ độc chết người. Đặc biệt là thời tiết nắng nóng mùa hè, thức ăn không đảm bảo vệ sinh sẽ là "mầm" nuôi các vi khuẩn phát triển và lây trực tiếp sang người.

Ông Nguyễn Thanh Phong- Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: "Thức ăn đường phố sử dụng sản phẩm từ thịt lợn là rất lớn, bệnh liên cầu lợn cũng là bệnh có nguy cơ cao với người tiêu dùng. Đơn cử, món tiết canh lòng lợn là món khoái khẩu của nhiều người và cũng là thức ăn đường phố đắt khách nhất hiện nay".

"Đã có không ít trường hợp tử vong do ăn phải tiết canh lợn có nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Chúng tôi cũng đã có những cảnh báo, tuy nhiên người dân vẫn đùa giỡn với tính mạng của mình, sử dụng những sản phẩm có nguy cơ cao. Nói như cách nói của chúng tôi thì đó là "bệnh từ...miệng"".

Đã gần 10 ngày nhập viện, bệnh nhân Trần Quang L. vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Anh L. bị hoại tử toàn thân do ăn tiết canh lợn bệnh. Theo như lời kể của gia đình nạn nhân, anh L. mở hàng cháo lòng tiết canh, hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với các sản phẩm từ lợn. Sau khi ăn tiết canh 3 ngày, người anh bỗng nổi ban, sốt cao và tím tái, gia đình chỉ nghĩ anh bị sốt dịch.

Sau đó 2 ngày, anh L. xuất hiện những cơn co thắt, đau vật vã, gia đình đã chuyển ra  Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Sau gần 10 ngày điều trị, cơ thể anh vẫn còn loang lổ những mảng thâm đen do tình trạng xuất huyết hoại tử trên da gây ra. BS. Vũ Minh Điền- Khoa Cấp cứu- Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Bệnh nhân L. là một trong hai bệnh nhân nặng phải thở máy do nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn".

Độc tố vi khuẩn gây hoại tử toàn thân

BS. Vũ Minh Điền- Khoa Cấp cứu - Viện các bệnh nhiệt đới cho biết: "Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, bệnh xảy ra trên lợn là chủ yếu, ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Bệnh liên cầu lợn có thể lây cho người, vì vậy nó được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền từ động vật sang người.


Bệnh nhân tay bị tím tái do vi khuẩn liên cầu lợn tàn phá

Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Nhiều người nhập viện trong tình trạng hoại tử toàn thân. Tỷ lệ chết có thể tới trên 10%. Thông tin từ Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương cho thấy, từ đầu năm đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn trong tình trạng rất nặng.

Cũng theo BS. Điền: “Sau 6 tiếng ăn thịt lợn nhiễm khuẩn, bệnh nhân sẽ phát bệnh. Bệnh liên cầu lợn lây qua hai đường chính là qua đường ăn uống (tiết canh, lòng lợn, thịt chưa được nấu chín...) và lây trực tiếp qua niêm mạc, da bị trầy xước. Khi ăn phải tiết canh, thịt lợn... có vi khuẩn liên cầu lợn, vi khuẩn sẽ xâm nhập qua niêm mạc ruột, máu và dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời".

Cũng theo giải thích của BS. Điền, vi khuẩn liên cầu lợn bình thường vẫn khu trú trong họng của con lợn và chỉ gây bệnh khi lợn bị suy giảm sức đề kháng. Do đó, người tiếp xúc với lợn mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh cũng có thể bị lây nhiễm bệnh. Người mắc bệnh liên cầu lợn xuất hiện nhiều trong thời điểm dịch lợn tai xanh bùng phát là do lợn mắc bệnh tai xanh bị suy giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho vi khuẩn liên cầu tấn công, gây bệnh cho lợn và truyền sang người.

(Theo Nguoiduatin)