- Nếu giảm thời gian thông quan 1 ngày, nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 1,6 tỷ USD. Lợi ích đó đã được đo đếm, nhưng thực tế, ách tắc hàng hoá vẫn thường xảy ra và DN luôn phải chịu sức ép tứ bề vì thủ tục nhiêu khê.

Qua cửa ải hải quan gian nan đủ đường

"Nếu nói những năm trước đây là khủng hoảng về tài chính thì năm nay khủng hoảng về vấn đề hải quan. Có nhiều cái do chính cán bộ hải quan gây ra chứ không phải do văn bản Luật, Nghị định", bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam "tố".

  {keywords}

Bà Dung ví dụ, sản phẩm bông nhập khẩu thì liên quan đến nguồn gốc thực vật, nhưng sản phẩm sợi thì đã qua một quá trình chế biến rồi mà hải quan vẫn yêu cầu kiểm tra nguồn gốc thực vật, rất mất thời gian thông quan của doanh nghiệp.

Thậm chí, bà Dung còn nói: "chỉ cần các cơ quan hải quan giải quyết tất cả các vướng mắc những năm trước đây DN kiến nghị là sướng lắm rồi. Chứ doanh nghiệp cũng không cần đưa thêm những kiến nghị mới nữa".

Với lĩnh vực xuất nhập khẩu hoá chất, thủ tục bị đòi hỏi quá nhiều khiến DN phải bỏ rất nhiều thời gian để chuẩn bị.

Ông Tiến, Công ty cổ phần Tiếp vận và ngoại thương Việt cho biết, có tới 13 loại thủ tục trong hồ sơ kê khai liên quan đến hoá chất như bản giải trình nhu cầu kinh doanh hóa chất, bản kê khai sơ đồ nhà xưởng, bản kê khai phương tiện vận chuyển chuyên dùng, phiếu an toàn hóa chất, chứng chỉ tham gia lớp tập huấn về hóa chất...

Ông Tiến nhấn mạnh, quá nhiều quy định không cần thiết. Chết ở đây là chết doanh nghiệp, vì một ngày lưu kho là rất tốn kém.

Một thống kê khác ở Bộ Công Thương, nơi cấp các chứng nhận C/O về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá trong ASEAN được bà Đặng Bình An, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Hải quan kể, chỉ trong 2 tuần, hồ sơ của doanh nghiệp đã phải đựng trong 51 bao tải chất đầy phòng.

Hải quan cũng kêu khổ, ai giải quyết?

Ông Ngô Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục giám sát hàng hoá sau thông quan thừa nhận, thủ tục hải quan rất phức tạp, được quy định ở 19 Luật, 30 Nghị định và 200 thông tư hướng dẫn. Nhưng nhiều trường hợp phát sinh, như việc đề nghị của doanh nghiệp đưa hàng hoá về bảo quản trong thời gian chưa thông quan, hải quan phải kiến nghị lên cấp trên, rồi lên Bộ Tài chính,Bộ cũng phải báo cáo lên Thủ tướng.

{keywords}

"Những loại hàng hoá cần kiểm dịch, hay máy móc thiết bị cũ, nếu để ngay tại cảng và chờ co quan có chức năng làm việc, lấy mẫu thì đến bao giờ mới xong? Cho nên, chúng tôi cũng đề nghị phải cho doanh nghiệp đưa hàng về kho bảo quan, nhanh chóng giải phóng cảng. Tuy nhiên, hải quan trước tiên vẫn phải làm đúng pháp luật", ông Hải nhấn mạnh.

Ông Hải còn cho rằng, sự phối hợp các Bộ khác có trách nhiệm liên đới làm khó doanh nghiệp. "Tuy nhiên, trong công việc hàng ngày, khi có bất cứ vướng mắc nào của doanh nghiệp, các cơ quan hải quan sẽ ngay lập tức phản ánh tới cấp trên, Bộ Tài chính để tháo gỡ, điều chỉnh.

Nhờ đó mà Thông tư 20 của Bộ KHCN kiểm soát về máy móc cũ nhập vào Việt Nam đáng lẽ áp dụng từ 1/9 năm nay đã được hoãn lại", ông Hải nói.

Với cha sẻ của Tổng cục Hải quan, chuyên gia Nguyễn Văn Dũng lại chỉ ngay ra tình trạng cải cách theo kiểu khiến doanh nghiệp tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. "Thông tư mới hướng dẫn doanh nghiệp muốn xin đưa hàng ở cảng về kho bảo quản trong thời gian chờ kiểm dịch, thông quan thì lại phải có giấy bảo lãnh của các cơ quan kiểm định, đảm bảo rằng lô hàng an toàn và cơ quan này phải chịu trách nhiệm nếu lô hàng có vấn đề rủi ro. Vậy là, doanh nghiệp lại phải chạy chọtđể xin được giấy bảo lãnh."

Bà Đặng Bình An chia sẻ: "Khi làm khảo sát, có nhiều bộ ngành nói với tôi là đã làm đúng hiệp định mà Việt Nam cam kết, không còn gì để sửa. Nhưng tại sao, doanh nghiệp vẫn kêu nhiều?"

Theo bà An kiến nghị, nếu mỗi bộ chịu khó một chút, chắt chiu "thủ tục" một chút thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho doanh nghiệp.

Mặc dù hải quan điện tử được đánh giá cao, nhưng các bộ ngành cần tham gia chung trong chiến dịch cải cách này mới có kết quả thực sự. Các bộ cần chủ động rà soát toàn bộ danh mục hàng hoá quản lý chuyên ngành của mình để giảm tối thiểu danh mục, cùng đó là ban hành các quy chuẩn sản phẩm để làm căn cứ kiểm tra kiểm soát, chỉ định rõ cơ quan nào kiểm tra, phân loại hàng hóa nào cần kiểm tra ở cửa khẩu, loại nào có thể kiểm tra ở tuyến sau...

Đặc biệt, bà An cho rằng, các bộ cần sử dụng thông tin lẫn nhau khi thực hiện lấy mẫu, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, mở rộng công nhận lẫn nhau về chất lượng hàng hoá với các nước để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Lien tục chủ trì các cuộc họp về cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh gần đây, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bày tỏ, các giải pháp đơn giản hoá thủ tục của Bộ Tài chính ban hành mới chỉ mang tính tình thế. Doanh nghiệp đang bị o ép tứ bề, vì có những công chức có thói quen tuỳ tiện trong việc đòi hỏi nhiều loại giấy tờ nằm ngoài quy định đối với doanh nghiệp. Các công chức chỉ muốn làm sao để tạo thuận tiện nhấtcho mình, phòng tránh rủi ro cho mình".

"Tuy nhiên, nếu như người đứng đầu quyết liệt giám sát, phê bình, kỷ luật những công chức làm sai thì mọi thứ sẽ nghiêm trở lại", ông Cung nói.

  • Phạm Huyền