Nếu nhân viên Metropole Hà Nội khẳng định Hermès không có mức giá 1,6 tỷ đồng, thì với đầu mối xách tay giá nào cũng có, chỉ phụ thuộc vào sự "chịu chơi" của khách.
Vì sao túi Hermès có giá 1,6 tỷ đồng?
Khi túi Hermès của những nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam được "bóc giá", nhiều người có thể nhận thấy một mâu thuẫn: Từ mức 300 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng đều không tạo nên một khung giá chuẩn cho các sản phẩm mang thương hiệu Hermès Birkin. Nói như chính những người phân phối món hàng hiệu này tại Việt Nam, không có công thức chung để định giá những chiếc túi Hermès khi chúng được chuyển về. Tất cả đều phụ thuộc vào sự khan hiếm của thị trường và độ chịu "chơi" của người dùng.
Số lượng người sở hữu ít, lượng chấp nhận sang tay càng hiếm hoi khiến túi Hermès không có một khung giá chung nhất định, và người mua mới phải chịu cạnh tranh. |
Theo nhân viên của cửa hàng Hermès Metropole Hà Nội, những chiếc túi này đúng là được cung cấp theo bộ, nhưng không có chuyện vừa về đến Việt Nam là sẽ bán hết cả “dây màu”. Vị này cũng khẳng định, mức giá 1,5-1,6 tỷ đồng cho một chiếc túi Hermès Birkin là không hề có. "Hiện ở cửa hàng có những chiếc túi chỉ có giá 200-300 triệu đồng, nhưng Hermès tại Việt Nam từng bán những sản phẩm có giá 1,3 tỷ đồng hoặc trên 2 tỷ đồng, còn mức giá lưng chừng kiểu 1,5 tỷ đồng hay 1,6 tỷ đồng là không có", người này cho biết.
Vậy mức giá này ở đâu ra?
Chị Hương Nguyễn, một đầu mối chuyên nhập túi hàng hiệu xách tay ở Hà Nội, cho rằng, những mức giá "không có ở Hermès" như 1,6 tỷ đồng lại thường xuất hiện ở các kênh phân phối không chính thức. Vì túi Hermès không giống như một sản phẩm hàng hiệu thông thường, nên không phải chỉ việc trả tiền cho tài khoản đặt chỗ thì khách sẽ chắc chắn có hàng, mà phải kết nối được với những người đã có túi trong tay.
Công thức tính giá cho một chiếc túi Hermès về Việt Nam là giá mua sản phẩm tại cửa hàng, cộng thêm giá chênh trả cho chủ sở hữu, các chi phí vận chuyển và lãi của đầu mối. Cách tính này không hề thay đổi với túi mới hay cũ, bởi giá trị của Hermès được bảo toàn hầu như nguyên vẹn trong quá trình sử dụng.
"Chính sách bán hàng của Hermès khiến lượng người có hàng để sang tay là rất hiếm hoi. Số tiền hàng trăm triệu chênh lệch được xem là phần trả cho tính kiên nhẫn, khoảng thời gian chờ đợi bằng năm, và cả may mắn của những người có được sản phẩm này. Khách hàng thường nói rằng 'sẵn sàng mua chiếc túi ấy với bất cứ giá nào', còn người bán thường chỉ có một sản phẩm. Đó là chưa kể việc chiếc túi mà bạn thích lại chỉ được bán ở một cửa hàng tại Đức, thay vì Việt Nam. Nên việc bạn có tên trong danh sách khách VIP mà vẫn phải tìm đến kênh bán hàng sang tay là chuyện không hiếm. Điều này cũng khiến thị trường hầu như không có cạnh tranh, chỉ đơn giản là chọn được giá thế nào cho hợp lý", chị chia sẻ.
Là đầu mối nhập hàng xách tay ở TP.HCM, chị Vi Thảo cho rằng, giá những chiếc túi xách này đã bao gồm rất nhiều chi phí chìm để đưa được hàng về trong nước, ngoài phần chênh cho chính người sở hữu đầu tiên. "Hóa đơn, thẻ sản phẩm mới chính là cái để bảo đảm mức giá của món hàng hiệu. Khi có đầy đủ những tín hiệu này, đầu mối có thể chấp nhận bỏ mọi chi phí cho người xách, dù chỉ một chiếc túi về Việt Nam. Ngoài ra, với hàng xách tay, giá của sản phẩm còn phụ thuộc vào chính uy tín của đầu mối, nên khách hàng cũng chấp nhận trả thêm cả phần 'chi phí tin tưởng' này".
Người Việt đang mua túi Hermès với giá đắt hay rẻ?
Ghé thăm website của một nhà sản xuất là cách dễ nhất để khách hàng kiểm chứng được cái giá mà mình đã bỏ ra mua một sản phẩm là đắt hay rẻ đến mức nào. Thế nhưng điều đó lại không đúng với Hermès. Thực tế, trên trang web của Hermès, khách hàng có thể tìm thấy đường link giới thiệu những món hàng bán theo hình thức online của hãng, trong đó có cả những chiếc túi, nhưng tuyệt nhiên không có Hermès Birkin hay Kelly danh giá. Trang sản phẩm của Hermès chỉ dừng lại ở những mặt hàng có giá bán dưới 7.800 USD. Điều này được lí giải rất ngắn gọn, là bởi Birkin và Kelly "luôn cháy hàng".
Người ta không thể mua túi Hermès Birkin hay Kelly chính hãng chỉ bằng một cú click chuột, mà phải đến tận cửa hàng. |
Những tín đồ hàng hiệu phải xếp tên trên một danh sách dài để chờ đợi nhận được sản phẩm ưng ý, và chính sách của Hermès không bao giờ chấp nhận bản danh sách ấy thông qua một cú click chuột trên màn hình, dù là của hãng hay của từng cửa hàng. Đó là chưa kể đến việc mỗi chiếc túi là sản phẩm riêng của người thợ, và nó được định giá bằng chính tên tuổi của người chế tác. Điều này cũng có nghĩa là chẳng có khung giá cụ thể nào cho một chiếc túi Hermès Birkin cùng tên, cùng chất liệu, cùng sản xuất tại một xưởng.
Cách làm của hãng khiến giá của những chiếc túi Hermès trở thành một con số bí mật với phần lớn khách hàng, trong đó có cả người Việt Nam, nhưng liệu có khiến doanh thu của cửa hàng sụt giảm? Hoàn toàn không. Hermès đã ra luật lệ yêu cầu mỗi cửa hàng phải chọn ít nhất một sản phẩm trong số 11 sản phẩm thương mại đã được lên danh sách trước đó. Từ đó buộc họ bày những mặt hàng mới lạ bên cạnh những đồ xa xỉ truyền thống như túi xách, khăn, cà vạt, nước hoa… Và hãng làm thế là để tạo điều kiện cho các cửa hàng tự tạo dựng thương hiệu riêng và hút khách đến tận nơi để nhìn thấy những sản phẩm khác.
Cách bán hàng này đúng ngay cả ở Việt Nam, khi những chiếc túi Hermès - dù là dòng sản phẩm được biết đến nhiều nhất, lại không phải là nguồn thu chủ yếu của các cửa hàng. Nhân viên Hermès Metropole Hà Nội chia sẻ rằng, các sản phẩm bán chạy nhất ở Hà Nội và TP.HCM không giống nhau, một phần phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng, phần khác có thể là do sự bày biện tại chính cửa hàng. "Ở Hà Nội, cà vạt, khăn Hermès là sản phẩm bán chạy nhất, nhưng với Sài Gòn, thành công của Hermès lại đến từ những mặt hàng khác".
(Theo Zing)