Ít ai biết cùng với các nghề biển trứ danh như săn cá mập, săn cá bò gù (cá ngừ đại dương), tại Nha Trang - thủ phủ của xứ trầm hương (Khánh Hòa) còn có những đội quân hùng hậu chuyên hành nghề… săn đỉa biển. Các bậc cao niên ở đây cho biết “đỉa biển” là sản vật quý mà đất trời ban tặng cho người dân địa phương bởi không chỉ có giá trị cao về kinh tế, loài này còn có giá trị về dinh dưỡng.
Đỉa biển thực chất là loài đồn đột hay còn gọi hải sâm.
Để săn được đỉa biển và nhiều sản vật khác, ngư dân địa phương phải mạo hiểm, đánh bạc với thủy thần dưới đáy đại dương.
Thiên đường của các loài đỉa biển
Mới hơn 5 giờ sáng mà không gian vùng biển Bãi Tiên ở phía bắc thành phố Nha Trang sáng bừng. Lúc này ghe tàu chuyên săn sản vật đại dương cập khu vực Bãi Tiên đông nghẹt. Khung cảnh trên bến dưới thuyền với những trao đổi, mặc cả, khiêng vác…
Phóng tầm mắt về phía biển, chúng tôi thật ấn tượng trước nhiều ghe lặn phía trước mui ăm ắp những con nhum mà nhiều người quen gọi "con cầu gai" với niềm tin được lưu truyền trong dân gian rằng, đó từng là món khoái khẩu của Vua Minh Mạng, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn, người có đến 142 người con. Cạnh những đống cầu gai ấy, có những thùng chứa các giống đỉa biển khổng lồ con nào con nấy to cỡ cùm tay người lớn.
Tỉnh, 27 tuổi, cao lớn, vạm vỡ, da đen nhẻm, chủ một ghe lặn tiết lộ về giá cả, tiếng là từng được vua ngự nhưng cầu gai chỉ là "em út" so với những con đỉa dưới đáy đại dương: "Sau khi được chế biến bằng cách lộn ruột cho sạch bùn đất, mỗi ký đỉa biển giá lên đến hàng triệu đồng. Nghe nói người ta mua về ăn để tăng cường sinh lực, tăng khả năng có con..." - Tỉnh trò chuyện trong tiếng sóng gió dào dạt.
Cận cảnh một ghe lặn săn hải sâm. |
"Các loài đỉa biển ở vịnh nhiều lắm, nhưng có 2 loài được người ta thu mua ầm ĩ là đồn đột mít (hải sâm mít) và đồn đột vú (hải sâm vú). Đồn đột mít thì cơ thể giống quả dưa chuột, dài đến 30cm, còn đồn đột vú dài đến 40cm, thân hình trụ. Dạo gần đây còn có hải sâm trắng với hải sâm đen cũng được người ta dòm ngó" - anh chàng ngư dân tên Vương, trò chuyện.
Ông Mười Sang, một ngư dân cao niên ở khu Ba Làng (cách Bãi Tiên gần 2km) thì có chia sẻ khác về nghề lặn biển - chủ yếu là lặn săn con nhum và hải sâm. Theo ông Mười, nhiều năm trước, ngư dân ở khu vực Bãi Tiên và tại nhiều địa phương khác thuộc phạm vi tỉnh Khánh Hòa như Ninh Vân (Ninh Hòa), Đầm Bấy (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang), Hòn Rớ (xã Phước Đồng, Nha Trang), Cù Lao (Nha Trang) chỉ đánh bắt, hụp lặn ven bờ.
Khoảng năm 1990, theo thời gian, bà con ngày càng tiến ra khơi xa, ngày càng lặn sâu, lặn bắt bất kỳ loài gì tìm thấy được. Vừa nói, ông Mười vừa khoát tay về phía biển cho biết lúc bấy giờ, mái nhà đại dương ở thành phố biển đúng nghĩa là khu rừng thiên thai với hàng trăm loài ốc quý có giá trị về mặt kinh tế và khoa học như ốc xà cừ, trai tai tượng, ốc tù và, ốc bản đồ, ốc bút... Ngoài ra, còn có các loại san hô đẹp như san hô cánh quạt, san hô não và đặc biệt là san hô đỏ.
Ông Mười còn cho biết, ngày trước, vùng biển Nha Trang, nhum và đỉa biển nhiều vô kể, nhưng chẳng mấy ai ngó ngàng vì lúc bấy giờ, biển rất giàu, tôm cá nhiều vô kể, chỉ cần chèo thúng ra cách mép biển vài trăm sải tay, thả vài tay lưới đã có cá ăn mệt nghỉ, nên chẳng mấy ai đụng đến cá giống nhum gai tua tủa nếu chẳng may bị nó chích vào thì đau nhức đến thấu xương: "Đỉa biển cũng vậy thôi, nhiều không kể siết. Đến khi có người đặt mua, bà con mới tiến hành thu bắt, bắt gần hết sạch thì tiến ra xa. Ngày trước chỉ cần rảo quanh bờ hay dầm mình xuống nước tha hồ bắt nhặt thì nay phải đi càng xa, lặn càng sâu mới có được".
Bán mạng săn biệt dược đại dương
Tìm hiểu về loài đỉa biển được ngư dân ở vùng Bãi Tiên nói riêng, toàn tỉnh Khánh Hòa lặn bắt, chúng tôi thu hoạch khá nhiều công dụng ấn tượng của loài này được ghi trong các y văn cổ. “Từ điển Động vật và khoáng vật làm thuốc” ghi: Đỉa biển bổ dưỡng không kém gì sâm nên mới gọi hải sâm: "Hải sâm được chế biến bằng cách bỏ ruột, cạo mặt ngoài thật trắng, đem phơi khô.
Giá trị của vị thuốc này nằm ở da, nướng ăn thơm ngon như mực khô”. Sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” ghi: “Hải sâm chủ yếu dùng làm thực phẩm cao cấp bồi dưỡng, còn dùng chữa viêm phế quản, thần kinh suy nhược. Hải sâm bổ ích cho thận, ích được tinh tủy".
Những thông tin trên gợi cho chúng tôi nhớ đến cảnh mua bán đỉa biển này dưới dạng khô tại chợ Đầm - trung tâm thương mại kinh doanh sản vật từ biển lớn nhất không chỉ ở khu vực các tỉnh miền Trung mà còn trong cả nước. Khách đến chợ Đầm thường mua khô cá tẩm ướp các loại, vi cá mập, hải mã, hải long… và hẳn nhiên, không thể thiếu loài đỉa biển được nhiều người râm ran bổ dưỡng đủ đường, nhưng cái chính là giúp cho người ẩm thực có được sức khỏe ngời ngời, dẻo dai… như đỉa.
"Cá ngựa thì bổ dương, vi cá mập ảnh hưởng tốt đến người bị suy nhược hay có khối u trong người. Còn đỉa biển giúp hồi phục sinh lực sau bệnh hay sau giai đoạn hóa trị, xạ trị" - chị Minh, ngoài 40 tuổi, tiểu thương có quầy kinh doanh ở giữa khu hải sản, chào khách với những ngôn từ ấn tượng có phần đơm đặt thái quá ấy!
Cầu gai vừa đánh bắt được của một nhóm thợ lặn. |
“Hải sâm phân bố ở biển Đông châu Phi, Đông Ấn Độ, Tây và Nam Thái Bình Dương. Ở nước ta, có khá nhiều ở vùng biển Khánh Hòa (hòn Khói, hòn Đôi, hòn Tai, hòn Rùa, hòn Tre, hòn Miễu…), đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu… Ở loài hải sâm, người ta chiết xuất chất holothurin có tác dụng làm ngưng thần kinh - cơ…” - trích “Từ điển Động vật và khoáng vật làm thuốc”.
Nghe các ngư dân kể chuyện lặn biển nhiều hiểm nguy một cách rất đỗi bình thường như thế, tôi mường tượng những mối nguy chết người nếu chẳng may họ lặn sâu quá, hoặc máy bơm hơi bị tắt máy giữa chừng. Nếu chuyện ấy xảy ra thì...
"Thì sầu lẻ bóng chớ sao" - ngư dân trẻ tên Vinh, ngoài 20 tuổi, nói tiếp: "Nhẹ thì bị sức ép của dòng chảy làm cho đứt mạch máu dẫn đến tai biến, hoặc liệt nửa người, hoặc liệt toàn thân. Nặng thì… đứt bóng".
"Đứt bóng" theo nghĩa của dân lặn là chết. Câu nói ấy làm chúng tôi nhớ đến lần ghé thăm xã đảo Ninh Vân tìm hiểu về nghề lặn ở vùng đất này, chuyện ngư dân sinh nghề tử nghiệp không phải là hiện tượng cá biệt. Điều này đồng nghĩa với việc trên quê hương của cây "thuốc" từng được Viện Dược liệu - Bộ Y tế công nhận tiêu diệt được 5 dòng tế bào ung thư xảy ra nhiều tai nạn thương tâm do lặn biển với nhiều người chết và bị liệt nửa người, liệt toàn thân. Tai nạn nhiều đến độ nói như ông Trọng, một cán bộ xã ở Ninh Vân là… nhớ không xuể.
Những thông điệp đong đầy nỗi niềm
7 giờ, khu vực Bãi Tiên chộn rộn lên đến đỉnh điểm. Sau khi thu mua từ ngư dân, bà chủ hàng cho đổ đỉa biển vào những phuy nhựa khổng lồ mà theo bà này, sau khi sơ chế, phần thượng hạng sẽ xuất sang Trung Quốc, hàng dạt thì bỏ cho mối lái trong tỉnh và tại khu đông dược Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5, TP HCM. Mỗi ký hải sâm bà chủ vựa mua giá chưa đến 50.000 đồng, có khi rẻ hơn nhưng khi đến tay người tiêu dùng thì cái giá ấy tăng gấp hàng chục lần.
Chúng tôi hỏi anh Mười rằng, có hay không chuyện bị o ép, anh trầm giọng mà rằng có ép gì cũng phải chịu, bởi không bán cho bà này thì chẳng biết bán cho ai. "Các đầu nậu, chủ vựa giờ làm ăn đều có liên minh liên kết, thống nhất giá mua. Nếu biết mình có ý làm ăn riêng, họ hè nhau nghỉ chơi, là chết" - anh nói.
Khu vực thu mua hải sản của đầu nậu ở Bãi Tiên. |
Nghe những con người kiếm sống bằng cái nghề "hồn treo cột buồm" đầy tai ương kể chuyện họ phải bán mạng với canh bạc biển để rồi chỉ bán được sản phẩm với giá rẻ mạt, chợt thấy chạnh lòng. Càng buồn lòng hơn khi biết được không riêng gì Bãi Tiên, cũng không riêng gì loài đỉa biển nhiều dưỡng chất, mà tại nhiều địa phương ở Khánh Hòa, ví như khi chúng tôi ghé cảng Vĩnh Trường, cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang) tìm hiểu nghề đi lộng cũng như nghề săn cá cá ngừ đại dương của nhiều chủ tàu, khi được nghe những con người ăn đầu sóng nói đầu gió nói rằng sự sống của dân đi biển và các bạn biển không phải phụ thuộc vào chuyện sóng gió nơi trùng khơi, mà là ở những đầu nậu thu mua: "Nghề biển thì cũng như nghề nông, được mùa mất giá, được giá mất mùa, đó là cái vòng luẩn quẩn".
Trưa, nắng gắt, việc thu mua sản vật đại dương với điểm nhấn là đỉa biển của cánh đầu nậu dần khép lại. Không nói ra hẳn ai cũng biết cứ mỗi một ngày trôi qua như thế này, các ông bà chủ sẽ lại tăng nguồn thu đến chóng mặt từ việc mua rẻ bán mắc, còn những ngư dân chuyên lặn biển săn đỉa mà chúng tôi gặp thì hôm nay vẫn như ngày mai và những ngày sắp tới, bán mạng cho biển với nỗi niềm đỉa biển ngày một khan hiếm, giá bán trên thị trường liên tục leo thang nhưng giá thu vào của các đầu nậu vẫn như lâu nay, bất di bất dịch
(Theo CAND)