Người tiêu dùng đang phải “tặc lưỡi” khi lựa chọn hàng thủy sản bởi không thể phân biệt được hàng nhập lậu và hàng nội địa. Nghi vấn thủy sản được “bơm thuốc” lại càng khiến người tiêu dùng lo lắng. Liệu chúng ta có ăn phải chất độc khi sử dụng thủy sản?

Trước thông tin về ếch, cá quả... “lờ đờ”, đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản nhìn nhận, hiện cá quả được nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, bao gồm cả nhập chính ngạch và nhập lậu. Ngoài nhập khẩu chính ngạch được kiểm dịch qua cửa khẩu, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục bắt giữ nhiều vụ nhập lậu cá quả từ Trung Quốc đang trên đường vận chuyển vào Việt Nam để tiêu thụ.

Cụ thể, tìm hiểu tại Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tầu Dân Tiến (Quảng Ninh), trong thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển cá quả nhập lậu số lượng lớn từ Trung Quốc. Chỉ trong 2 ngày 24 và 26/8, đơn vị này đã bắt gần 600 kg. Trong tháng 7 là hơn 800 kg. Tất cả các lô hàng đều được lái xe khai nhận thu gom từ Trung Quốc để chở sâu vào các tỉnh nội địa Việt Nam tiêu thụ. Đại diện Trạm Kiểm soát liên hợp này cho biết, hầu như tháng nào cũng phát hiện, bắt giữ vài ba vụ liên quan đến việc vận chuyển cá quả, ếch nhập lậu từ Trung Quốc.

{keywords}

Cá tầm được nuôi trong một trang trại tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một vấn đề đáng lưu tâm là hầu hết các lô hàng cá quả Trung Quốc khi bị phát hiện thì cá đều trong tình trạng “lờ đờ ngủ đông”. Theo lý giải từ một số lái xe, cá đã được tiêm thuốc mê để rơi vào trạng thái “ngủ”. “Như vậy cá sẽ sống được lâu hơn, khi vận chuyển từ biên giới về đến các tỉnh tiêu thụ không bị chết”.

Ông Trần Văn Lĩnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: Gây mê là phương pháp phổ biến được sử dụng trong quá trình vận chuyển hàng thủy sản tươi sống. Hiện nay, nhiều mặt hàng thủy sản tươi sống khi nhập vào Việt Nam cũng được đối tác công khai sử dụng phương pháp gây mê như: tôm hùm từ Bắc Mỹ, ốc vòi voi từ châu Úc...

“Phương pháp này vẫn được gọi là cho cá “ngủ đông” để đảm bảo chất lượng hàng thủy sản, không bị giảm chất dinh dưỡng trong quá trình vận chuyển đường dài. Tuy nhiên, vấn đề là người ta sử dụng thuốc gì trong quá trình vận chuyển”, ông Lĩnh lo ngại.

Đồng tình, ông Lê Văn Khoa, Trung tâm Chuẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) phân tích, dù là hình thức nhập khẩu như thế nào thì với một quãng đường xa, khi vận chuyển cũng yêu cầu cần phải có phương pháp bảo quản để đảm bảo thủy sản được tươi sống. Trong các phương pháp bảo quản thì gây mê là một phương pháp được sử dụng khá phổ biến.

“Trong quá trình vận chuyển, để thủy sản không thải ra chất thải gây ngộ độc cho chúng, người ta áp dụng rất nhiều biện pháp như gây sốc nhiệt (giảm nhiệt độ), dùng thuốc gây mê... Do đó, gây mê không phải là phương pháp độc hại, mà phụ thuộc vào thuốc người ta dùng để gây mê là loại thuốc gì?”.

Theo quy định với những lô hàng thủy sản nhập khẩu vào trong nước, nhà nhập khẩu phải khai báo việc tiêm thuốc “ngủ đông”, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra có đảm bảo tiêu chuẩn cho phép hay không. Tuy nhiên, với những lô hàng nhập lậu trái phép thì việc kiểm tra, kiểm soát là không có. Vì vậy, cá được tiêm thuốc gì, tồn dư kháng sinh cấm, độc hại hay không là điều chưa thể kết luận được. Trước sự lo lắng của người tiêu dùng, Phó Chủ tịch VASEP Trần Văn Lĩnh kiến nghị, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, xác minh làm rõ và có câu trả lời cho người tiêu dung

(Theo CAND)