Nhiều tháng qua, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh nhưng giá sữa trong nước vẫn ở mức cao, trong khi cơ quan chức năng gần như bất lực trước sự bất hợp lý này. Theo chuyên gia kinh tế, đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp sữa “phớt lờ” việc giá nguyên liệu giảm.

Lãi lớn

Theo thông tin của Globaldairytrade (nhà đấu giá quốc tế các sản phẩm sữa), từ cuối quý I/2014 đến nay, thị trường sữa thế giới dư cung. Giá sữa nguyên liệu, sữa bột nguyên kem và sữa bột gày đều giảm mạnh 46% so với mức đỉnh vào tháng 2/2012 và xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tại buổi họp báo của Bộ Tài chính mới đây, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá xác nhận, tính từ tháng 6, giá sữa nguyên liệu thế giới giảm khoảng 15%. Nhưng đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp nào gửi đăng ký điều chỉnh giảm giá sữa.

Ông Truyền lý giải, nguyên liệu sữa chỉ là một trong những thành phần cấu tạo nên sản phẩm sữa. Hơn nữa, từ lúc doanh nghiệp ký hợp đồng nguyên liệu cho đến khi được cung ứng mất khoảng ba tháng, nên tác động từ việc giá sữa nguyên liệu giảm sẽ có độ trễ nhất định.

{keywords}

Giá sữa nguyên liệu thế giới giảm nhưng giá bán các loại sữa bột, sữa nước của người lớn, trẻ em vẫn giữ nguyên từ 6 tháng nay

"Việc neo giá cao trong khi giá sữa nguyên liệu giảm sâu đã giúp các doanh nghiệp có thể trục lợi hàng trăm tỷ đồng từ túi tiền của người tiêu dùng”. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Khảo sát trên thị trường, PV dễ dàng nhận thấy giá bán các loại sữa bột, sữa nước của người lớn, trẻ em vẫn giữ nguyên từ tháng 6 đến nay. Theo anh Hải, chủ đại lý Hải Hường ở phố Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), hiện chưa có hãng sữa nào thông báo giảm giá bán. “Các đợt tăng giá sữa, hãng đều thông báo với đại lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng chưa từng thấy họ giảm giá vì nguyên liệu giảm bao giờ”, anh Hải nói.

Cán bộ kinh doanh của một thương hiệu sữa cho biết, hãng không có kế hoạch giảm giá bán, bởi sau khi áp trần giá sữa, doanh nghiệp đã hụt thu nhiều tỷ đồng nên giá nguyên liệu vừa qua giảm giúp hãng cân bằng lại doanh thu. Hơn nữa, sau khi áp giá trần, việc tăng giá sữa khó khăn hơn, do đó doanh nghiệp không thể dễ dàng giảm giá sữa.

{keywords}

Giá sữa vẫn cao dù nhiều tháng qua giá nguyên liệu đầu vào đã giảm

Quản lý giá ngồi chờ doanh nghiệp

Cũng theo đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, giá sữa thuộc thẩm quyền quyết định của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp điều chỉnh tăng hoặc giảm sẽ gửi kê khai, đăng ký cho cơ quan quản lý. Thời gian tới Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục theo dõi, trong trường hợp cần thiết, sẽ tiến hành kiểm tra yếu tố hình thành giá, nếu phát hiện mức độ giảm giá sữa nguyên liệu tác động lớn đến mức giảm giá thành sản phẩm, sẽ yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp sữa “phớt lờ” việc giá nguyên liệu giảm, do đó, các cơ quan chức năng cần phải “mạnh tay” hơn với các doanh nghiệp sữa, chứ không chỉ ngồi đợi doanh nghiệp tự đăng ký giảm giá. Cơ quan chức năng phải theo diễn biến chặt chẽ thị trường sữa trong nước và giá nguyên liệu sữa nhập khẩu, có số liệu thật chuẩn xác, trên cơ sở đó sẽ làm việc với các doanh nghiệp sữa, buộc họ phải điều chỉnh.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng cho rằng, thực tế từ bài học áp trần giá sữa gần đây cho thấy, nếu quyết liệt triển khai các biện pháp quản lý giá, dù vẫn còn những “chiêu” lách luật, thì rõ ràng thị trường sữa vẫn có chuyển biến rõ rệt khi mức giá đã giảm từ 0,3 - 26%.

(Theo Giao thông vận tải)