Khi máy bay Airbus 320 chở 180 hành khách hạ cánh, nữ phi công Nguyễn Phương Anh, một trong 5 nữ phi công của VietJet Air thở phào nhẹ nhõm, mỉm cười: “Mình làm được rồi!”.
Tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, cô gái 29 tuổi với mái tóc xoăn xinh đẹp, Nguyễn Phương Anh, là một trong 5 nữ phi công của hãng hàng không VietJet Air và là nữ cơ phó duy nhất của Việt Nam.
Trước khi trở thành một phi công, cô gái với chiều cao 1m62, mang dáng vẻ gần như một người mẫu chuẩn này đã có quá trình gần 7 năm làm tiếp viên cho hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Trong thời gian làm việc trên các chuyến bay, hình ảnh mơ ước của Phương Anh những người phi công mạnh mẽ trong bộ đồng phục nghiêm trang, điều khiển những chú "chim sắt" bay lượn trên bầu trời.
Sau rất nhiều những đắn đo nhất là việc phải bỏ ngoài tai không ít lời khuyên ngăn của gia đình cũng như bạn bè về cường độ làm việc, sức khỏe khi làm công việc này, Phương Anh đã thi đỗ rồi theo học khóa học phi công cơ bản tại Mỹ gần hai năm để thực hiện khát khao chinh phục bầu trời.
Nữ phi công Nguyễn Phương Anh, cơ phó máy bay A320 của hãng hàng không VietJet Air. |
Vượt qua kì thi tuyển chọn phi công của hãng hàng không VietJet Air, Phương Anh là một trong bốn học viên xuất sắc khi vượt qua kì thi chuyển loại máy bay A320 tại trung tâm huấn luyện bay Airbus tại Toulouse (Pháp). Đây là khóa học dành riêng cho máy bay mà hãng hàng không VietJet Air đang khai thác tại Việt Nam.
Nhắc lại những kỷ niệm về thời kỳ tham gia khóa học, Phương Anh chia sẻ, điều khiển “con chim sắt khổng lồ” trên bầu trời bao la, những kỹ năng đòi hỏi tính chính xác cực kỳ cao cũng như những tháng ngày luyện tập gian khổ đòi hỏi mỗi phi công phải tôi luyện được “tinh thần thép”.
“Tim như nhảy ra khỏi lồng ngực” chính là cảm giác mà cô phi công xinh đẹp này nhớ nhất khi lần đầu tiên được thực tập bay đơn.
Nữ phi công Nguyễn Phương Anh (bên trái) và đồng nghiệp trên một chuyến bay. |
Khi đó, giáo viên hướng dẫn cùng bay đã mở cửa nhảy ra khỏi buồng lái để lại cho cô một khoang lái trống không với động cơ vẫn chạy.
"Trước đây, khi có giáo viên hướng dẫn bên cạnh, tôi vẫn cảm thấy yên tâm và tự tin hơn với những cú cất cánh và hạ cánh. Nhưng bay đơn cũng đồng nghĩa là phải tự thực hiện các thao tác điều khiển máy bay một mình, không có người hướng dẫn" - Phương Anh kể.
Lúc đó, đầu óc Phương Anh chỉ có duy nhất một câu hỏi: “Mình có làm được không?”. Cô vẫn nhớ câu đầu tiên giao tiếp với đài kiểm soát không lưu: “Phi công thực tập. Lần đầu tiên bay đơn”.
Thời gian có vẻ như ngưng đọng lại. Hít thở sâu và kiểm tra lần cuối, kéo cần điều khiển, một chút chòng chành, rồi máy bay tăng tốc và cất cánh.
"Cảm giác lần đầu tiên tự mình lái máy bay cất cánh, hạ cánh, thời điểm mỗi phi công biết mình không được phép mắc bất cứ lỗi nào… là cảm giác khó quên trong đời của Phương Anh" - nữ phi công xinh đẹp chia sẻ.
Sau bao thời gian luyện tập, rồi thực tập cùng với giáo viên bay, lần đầu tiên lái máy bay thương mại Airbus 320, Phương Anh không khỏi hồi hộp khi cùng cơ trưởng đưa 180 hành khách đến nơi an toàn. Chỉ đến khi máy bay hạ cánh, cô thở phào nhẹ nhõm, mỉm cười nghĩ: “Mình làm được rồi!”.
Chia sẻ về những sở thích sau những giờ làm việc cường độ cao, nữ phi công 29 tuổi xinh đẹp với nụ cười duyên dáng cho hay, cô thích được đi du lịch, di chuyển tới nhiều nơi xa, đôi khi thích yên tĩnh để câu cá hoặc đọc sách.
Khi được hỏi chuyện riêng tư, nữ phi công với thời lượng bay đạt gần 100 giờ/ tháng cho biết, cô chưa có bạn trai và trong thời gian này cô đang tiếp tục tập trung để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm cho công việc chuyên môn.
Cũng như các nữ phi công khác của VietJet Air, khi được hỏi, nữ cơ phó Phương Anh cũng bày tỏ, mỗi khi máy bay hạ cánh, cùng phi hành đoàn tiễn khách ở cửa ra máy bay, nụ cười hài lòng, vui vẻ của hành khách chính là phần thưởng vô giá đối với cô và các đồng nghiệp.
(Theo Đại Lộ)