- Cam Vinh, đặc sản xứ Nghệ tuy chưa vào chính vụ đã bị hàng nhái, hàng giả lấn lướt. Thật giả lẫn lộn, nhiều người muốn thưởng thức cam Vinh chỉ còn cách duy nhất là nhờ người quen tại vùng mua giúp.
Chỉ là giống cam Vinh
Những ngày cuối tháng 10, chị Vũ Thị Nga (đường Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội) vô cùng vui mừng khi lô cam Vinh đầu tiên ông ngoại gửi cho hai đứa trẻ nhà chị ra đến nơi. Ông nhắn, cam giờ vào mùa, hai tuần ông gửi cam ra một lần.
Chưa kịp khoe với đồng nghiệp thì vừa tới cơ quan, chị đã thấy cam túi to túi nhỏ, từ 3 đến 5kg/túi, để đầy phòng làm việc của mình. Hỏi ra mới biết, chị em trong cơ quan mua cam Vinh từ một cửa hàng trên phố Trương Hán Siêu. Tuy nhiên, khi bổ cam để thử thì chất lượng cam hơi khác. Tuy nhiên, cam không ngọt và thơm bằng cam Vinh mà chị Nga mang lên giới thiệu.
Mua tổng cộng 24kg, năm người phòng chị liền ra đại lý hỏi lại thì được biết, đây không phải là cam gốc từ Nghệ An mà giống cam Vinh được trồng từ Hòa Bình đưa xuống.
Với các ưu điểm màu vàng đẹp, mùi thơm, vị ngọt, tươi lâu, không hạt... nên cam Vinh rất đắt khách. |
Đặt mua từ một người bạn ở Quỳ Hợp với giá tận gốc 50.000 đồng/kg cam Vinh, chị Hồng (Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội) lại bất ngờ khi ngay đường gần nhà chị cũng trưng biển bán cam Vinh. Điều làm chị sốc là giá cam chỉ 40.000 đồng/kg. Thấy chênh lệch tới 10.000 đồng/kg, lại không mất cước phí vận chuyển, chị Hồng dò hỏi thì được biết cam Vinh đó là cam đường, lấy từ Hưng Yên và Hải Dương. Về hình dáng, màu sắc, độ ngọt tương tự như cam Vinh nhưng chất lượng không đồng đều. Quả ngọt, nhạt khác nhau. Nhiều quả chưa lên mã (còn xanh) thì vị chua gắt.
Theo khảo sát của PV. VietNamNet, từ cuối tháng 10 này, khi vụ thu hoạch cam vào mùa, mặt hàng này xuất hiện ngày càng rầm rộ. Long Biên, chợ đầu mối hoa quả của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng tràn ngập cam với đủ chủng loại, mẫu mã. Tuy nhiên, bà nội trợ nếu tinh mắt sẽ thấy các loại cam cũng có nhiều điểm khác nhau, dễ dàng phân biệt.
Cô Nguyễn Thị Dũng, một người bán hàng 30 năm tại chợ Long Biên, chia sẻ: Mấy năm lại đây, có một loại cam được người dân ưa chuộng không kém cam đặc sản là cam Cao Phong. Cam này tương đối giống cam Vinh cả về hình thức lẫn ngày thu hoạch. Mới đầu vụ, khách mua cam đã vào tận vườn đặt hàng, với giá từ 18.000-25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ngay tại chợ hoa quả đầu mối Long Biên, cam Cao Phong được bán buôn với giá 170.000 đồng/thùng 10 kg, bán lẻ 40.000 đồng/kg.
“Cam Trung Quốc không có loại nào giống cam Vinh. Cam Vinh da không bóng mà thường bị rám do quá trình phun thuốc trừ nhện. Hơn nữa, cam Vinh mình quả tròn, thau tháu bằng nắm đấm tay, da xanh vàng chứ màu không vàng nguyên”, cô Dũng nói.
Một đại lý bán cam Vinh xịn được nhiều khách hàng tìm mua |
Đại lý đau đầu chứng minh hàng thật
Đặc sản cam Vinh ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, gần đây, nhiều địa phương thậm chí cả một số tỉnh giáp biên của Trung Quốc, cũng trồng giống cam này nhưng chất lượng không ngon bằng cam Vinh chính hiệu. Khi sản phẩm này tràn về Hà Nội, nhiều người tiêu dùng nghi ngờ không biết đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái.
Admin của trang trại Cam Vinh V.G chia sẻ: “Trong khi cha mẹ và các cô chú, bà con nông dân ở quê mình bán cam ngon, sạch do chính mình trồng ra lại bán với mức giá thấp chưa đúng với giá trị của cam Vinh và mồ hôi công sức của người trồng. Trong khi đó người thành phố lại đang rất cần những hoa quả chính gốc chất lượng như vậy”.
Không chỉ quảng cáo về sản phẩm của mình, Nhung (Nghệ An) đã phải cam: “Em xin đảm bảo là bán cam Vinh. Cam này được thu hoạch từ nông trường ở Nghệ An. Cam giao được cam kết là mới thu hoạch trong vòng 24h. Giá cam bán ra là 46.000 đồng/kg, tối thiếu lấy 3kg mới chuyển hàng”.
Anh Cường, chủ một đại lý tại Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội lại phải dùng cách: khách chỉ phải trả hết tiền sau khi nhận hàng. Anh Cường cho biết, khi mua hàng, các thượng đế kí hợp đồng đặt cọc 20% và chỉ phải thanh toán 80% còn lại sau khi nhận hàng.
Một chuyên gia giống cây trồng chia sẻ, đâu đâu cũng ghi chữ bán “cam Vinh”. Nhưng thật giả lẫn lộn, để được thưởng thức cam Vinh chỉ có cách nhờ người quen tại vùng mua giúp hay hi hữu, đợi đến các triển lãm nông nghiệp, thấy giọng người xứ Nghệ bán mới tin mà mua.
Yên Ba