Nhiều người lo ngại khi tất cả các loại cá khô, tép khô, tôm khô được bày bán ngoài chợ không có ruồi, kiến đậu là do có ướp chất diệt ruồi, diệt kiến và hạn chế ăn loại thực phẩm này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia thực phẩm, việc ruồi không đậu cá khô, tép khô, tôm khô chưa thể khẳng định là do các loại thực phẩm khô này có tẩm hóa chất diệt ruồi, diệt kiến.
Lo sợ hóa chất không dám ăn
Chị Trần Thị Tuyến, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội cho hay, cá khô là món chị ưa thích bởi từ bé đã ăn quen, đặc biệt là món cá bống khô dán vàng sốt cà chua và hành lá. Tuy nhiên, hiện giờ khi đi chợ chị rất ít chọn loại thực phẩm này bởi lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chị Tuyến cho hay: “Có lần tôi nghe các bà ngoài chợ kháo nhau không nên mua cá khô vì thấy để quanh năm ngày tháng mà không có con ruồi, con kiến nào đậu, chắc là tẩm nhiều thuốc diệt ruồi, diệt kiến lắm nên chúng mới sợ”.
Không chỉ là sở thích, nhiều người chọn món cá khô bởi giá thành của nó khá rẻ. Như cá bống khô, cá nục khô chỉ 10.000 đồng/lạng, đủ làm món ăn mặn cho bữa ăn của hai người.
Bạn Trương Huy Long, nhân viên gội đầu tại một quán gội đầu trên phố Đội Cấn, Ba Đình cho hay, thu nhập hàng tháng thường không vượt quá 4 triệu đồng nên thường phải chọn các món ăn giá cả bình dân để tiết kiệm chi phí. Bạn Long nói: “Bữa ăn chỉ dám chọn các loại như đậu, cá khô, trứng vì giá thành không đắt. Nếu mua cá khô, đậu, chỉ khoảng 15.000 đồng cả phòng trọ 3 người ăn đủ một bữa nhưng mua thịt, cá tươi ít nhất cũng phải trên 30.000 đồng. Thế nhưng, thấy mọi người bảo nhau cá khô có thuốc diệt ruồi, kiến nên giờ một tuần cũng chỉ dám ăn một bữa để đổi món”.
Cá khô được bày bán ở chợ. |
Nên mua ở những cơ sở uy tín
Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Khoa Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội về lo ngại của người tiêu dùng, PGS.TS Thịnh cho hay, bằng mắt thường không thể khẳng định việc không nhìn thấy ruồi, kiến đậu thì có nghĩa là đã cá khô, tôm, tép khô đã bị ướp hóa chất diệt ruồi, kiến.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay: “Theo quy trình sơ chế các sản phẩm thực phẩm khô như cá khô, mực khô, tôm, tép khô hiện nay, khi phơi, người ta sẽ phun thuốc từ xa để ruồi khỏi bay vào chứ không phun trực tiếp lên sản phẩm”. Ngoài ra, về bản chất, cá khô, mực khô…thường có độ mặn rất cao. Do đó, bản thân nó đã tự bảo quản rất tốt vì nồng độ muối cao, lại rất khô cứng nên kiến không đậu vào để ăn.
Nếu làm đúng quy trình thì không được phép phun trực tiếp hóa chất diệt ruồi, kiến lên cá khô. |
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho hay, thực tế hiện nay, không loại trừ việc có một số người liều lĩnh vẫn phun trực tiếp lên sản phẩm trong quá trình sơ chế hoặc một số người dùng các hóa chất bảo quản với liều lượng không đúng dẫn đến mất an toàn thực phẩm. Do đó, để làm rõ sản phẩm đó có hóa chất diệt ruồi, kiến hay không cũng như có đảm bảo hợp vệ sinh an toàn thực phẩm không cần phải lấy mẫu và làm các xét nghiệm cụ thể mới có thể khẳng định.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe của mình trước khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng vẫn nên lưu ý mua các thực phẩm này ở các cơ sở hoặc cửa hàng bán các sản phẩm có thương hiệu, có uy tín.
(Theo Khám phá)