Ngân hàng Thế giới vừa công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2015 xếp thứ 78 trong tổng số 189 nền kinh tế, tụt tới 6 bậc với năm 2014. Các nỗ lực cải cách gần đây vẫn chưa được ghi nhận.

Báo cáo về môi trường kinh doanh thế giới năm 2015 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 29/10 vẫn cho một kết quả không mấy tích cực về Việt Nam. 

Đây cũng là năm đầu tiên WB nghiên cứu đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh các nước theo phương pháp mới. Theo đó, năm 2014, thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam là 72. Năm 2015, chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam là 78, nghĩa là tụt tới 6 bậc. 

Theo phương pháp cũ, năm 2014, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được công bố rộng rãi là xếp thứ 99, tụt 1 bậc so với năm 2013.

{keywords}
Thủ tục nộp thuế vẫn còn nhiều phiền hà

Báo cáo cũng cho biết, tổng thu nhập quốc dân bình quân trên đầu nước GNI của Việt Nam năm 2015 là 1.730 USD/người. 

10 chỉ số đánh giá của báo cáo này đều tương ứng với các hoạt động quan trọng của đời sống doanh nghiệp. So với năm trước, Việt Nam có 5 lĩnh vực thụt lùi, 3 lĩnh vực không chuyển biến và 2 lĩnh vực có thăng bậc không đáng kể. 

Cụ thể, 5 lĩnh vực giảm hạng là khởi sự kinh doanh đứng thứ 125, giảm 5 bậc so; vay vốn đứng thứ 36, giảm 6 bậc; bảo vệ các nhà đầu tư đứng thứ 117, giảm 2 bậc; nộp thuế đứng thứ 173, cũng tụt 2 bậc; giao thương, thương mại qua biên giới đứng thứ 75, tụt 1 bậc so với năm ngoái. 

3 lĩnh vực không có chuyển biến gì là kết nối điện đứng thứ 135,  giải quyết tình trạng phá sản đứng thứ 104 và thực thi hợp đồng đứng thứ 47.

2 lĩnh vực được ghi nhận có thăng hạng nhưng chỉ tăng 1 bậc so với báo cáo xếp  hạng năm trước. Đó là đăng ký tài sản đứng thứ 33 và xin cấp phép xây dựng đứng thứ 22. 

Nếu như so với con số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ được nghiên cứu thì Việt Nam có đến một nửa lĩnh vực bị xếp hạng ở cuối bảng, áp chót, đứng sau hơn 100 quốc gia. Lĩnh vực có thứ hạng cao nhất của Việt Nam là cấp phép xây dựng. 

Nộp thuế vẫn mất 872 giờ

Đáng chú ý nhất là các lĩnh vực đang phải cải cách nhiều nhất hiện nay vẫn bị xếp hạng tệ nhất của "bảng". Đó là nộp thuế, giao thương và tiếp cận điện năng. 

DN ở Việt Nam vẫn phải tốn mất 872 giờ/năm và 32 lần để thực hiện các thủ tục thuế. Con số này vẫn tương đương như báo cáo xếp hạng năm ngoái đã khiến Việt Nam gần như đội sổ, chỉ đứng trên 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về vấn đề nộp thuế. 

Đặc biệt, việc nộp thuế ở Việt Nam tốn thời gian nhất so với 5 quốc gia lân cận, trong khi, đây chính là đối thủ cạnh tranh về thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay. 

{keywords}
Môi trường kinh doanh đang nỗ lực cải thiện

Báo cáo cho hay, Lào chỉ mất 362 giờ, Campuchia mất 173 giờ, Trung Quốc mất 261 giờ, Thái Lan mất 264 giờ và Singapore chỉ mất có 82 giờ cho việc nộp thuế.

Nói về độ tốn kém, so với 5 nước trên, Việt Nam cũng chi tốn nhiều hơn cho việc nộp thuế. Nếu như doanh nghiệp ở Việt Nam phải chi mất hơn 40,8% lợi nhuận để cho thuế thì ở Lào chỉ là 25,8%, ở Campuchia là 21%, ở Thái Lan là 26,9% và ở Singapore là 18,4%.

Các doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ ít tốn kém hơn cho việc nộp thuế so với Trung Quốc khi quốc gia này có tỷ lệ là chi 64,6% lợi nhuận. 

Trong lĩnh vực giao thương, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn phải tốn mất 21 ngày cho thủ tục xuất khẩu và cũng 21 ngày cho thủ tục nhập khẩu. Chi phí thông quan cho một container ghi nhận là 600 USD. Các con số đo lương này vẫn như năm ngoái. 

Để bắt đầu thành lập công ty ở Việt Nam, doanh nghiệp sẽ mất 34 ngày và tốn kém khoảng 5,3% tổng thu nhập bình quân theo đầu người. Trong quá trình đó, việc đấu nối điện gây lãng phí nhất khi các doanh nghiệp mất tới 115 ngày và hơn 1.425% thu nhập theo đầu người, nghĩa là tốn kém gấp 14 lần. 

Đến khi kinh doanh khó khăn, vỡ nỡ, phải phá sản thì các doanh nghiêp ở Việt Nam mất tới 5 năm và chi khoảng 15% giá trị tài sản để hoàn tất thủ tục này. 

Phạm Huyền