Tập đoàn xe hơi hàng đầu của Nhật Toyota Motor Corp. có thể phải tăng cường hoạt động sản xuất của hãng ở nước ngoài thay vì sản xuất tới 45% trong nước như hiện tại do ảnh hưởng của đồng Yen cao kỷ lục và hậu quả của động đất.



“Chúng tôi sẽ kéo dài sản xuất tại Nhật trong bao lâu nữa?”, giám đốc tài chính Satoshi Ozawa, người ngồi cạnh chủ tịch Toyota Akio Toyoda trong cuộc họp báo hôm 10/5 nói với báo giới. “Tôi cảm nhận một cách rõ ràng rằng những nỗ lực của chúng tôi đã vượt qua giới hạn trong việc đối mặt với tác động của đồng Yen tăng giá”.

Trong khi chủ tịch Toyoda cho biết ông muốn giữ việc làm trong nước và văn hóa sản xuất của Nhật, thì tình hình kinh doanh của công ty đang gặp nhiều khó khăn do đồng Yen leo lên sát mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới II.

Trong khi đó, các đối thủ của Toyota tại Đức và Hàn Quốc đang được hưởng lợi do đồng tiền nội địa yếu đi và hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn.

Đồng Yen tăng mạnh và động đất kỷ lục đã góp phần khiến lợi nhuận quý IV của Toyota giảm 77% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng Yên mạnh khiến lợi nhuận ròng của công ty giảm 290 tỷ Yen (3,58 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào 31/3. Bên cạnh đó còn có 110 tỷ Yen thiệt hại sau động đất 9 độ richter và sóng thần do Toyota phải dừng sản xuất ở tất cả các nhà máy trong 2 tuần.

“Bạn sẽ thấy Toyota đầu tư nhiều hơn ở Đông Nam Á, ở Trung Quốc mặc dù họ phải khéo léo hơn ở đó do họ phải làm việc với hai đối tác địa phương. Họ cũng có thể mở rộng sản xuất ở châu Âu nữa, với trọng tâm là ở Đông Âu”, Jim Hall, một chuyên gia của công ty tư vấn 2953 Analytics ở Birmingham, Michigan.


Hiện tại, tỷ lệ sản xuất trong nước của Toyota cao hơn các đối thủ khác tại Nhật.

Nissan Motor Co. - hãng sản xuất xe hơi lớn thứ hai tại Nhật, trong năm 2010 sản xuất 25% trong nước. Hãng xe lớn thứ 3 Honda Motor Co. sản xuất 26% trong nước.

“Tôi nhận thấy rằng chúng tôi không thể chỉ làm việc mãi với mong muốn bảo vệ sản xuất trong nước”, chủ tịch 55 tuổi Toyoda nói.

Đồng Yen của Nhật Bản tăng lên mức cao kỷ lục sau chiến tranh là 76,25 Yen đổi 1 USD vào ngày 17/3 vừa qua. Trong phiên giao dịch 10/5, đồng Yen được giao dịch ở mức 80,96 nhưng có thể tăng trở lại lên mức cao kỷ lục nói trên do nguy cơ tác động ngược của tình trạng các nhà đầu tư Nhật cố kìm chế đầu tư ra nước ngoài sau động đất.

Đồng Yen cũng có thể tiếp tục tăng do nhu cầu đầu tư vào đồng USD ngày càng suy yếu.

Hà Linh (Theo BLB)