- Đã 7 năm ròng, một DN Mỹ theo đuổi việc đòi lại nhãn hiệu của mình ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự phức tạp, những quyết định trái chiều và những khác biệt pháp luật nên quá trình này kéo dài như vô tận khiến cho DN chán nản và đối mặt với nhiều rủi ro và thiệt hại.

Ngày 18/10/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) có QĐ 3185/QĐ-BKHCN về việc giải quyết khiếu nại lần hai của Công ty Hiệp Tiến Long đối với quyết định của Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT) về việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu(GCNĐKNH) số 72858.

Việc này đã khiến cho tranh chấp nhãn hiệu giữa DN Mỹ là Công ty Malco Products Inc. (Malco) với một DN Việt Nam là Hiệp Tiến Long tiến thêm một bước căng thẳng mới. Theo đó, Malco đã nộp đơn khởi kiện Quyết định số 3185 của Bộ KH&CN ra Tòa án Nhân dân TP.

Vụ tranh chấp bắt đầu từ 2007 liên quan đến hai nhãn hiệu Mỹ và Việt Nam. Cụ thể, nhãn hiệu "U.S. &Hình" thuộc sở hữu của Công ty PPI - sau đó được Công ty Malco Products Inc. (Mỹ) mua lại và nhãn hiệu "P.T. & Hình" của Công ty TNHH Dầu nhờn và Hóa chất Hiệp Tiến Long gắn cho cùng một loại sản phẩm phụ gia dầu nhớt được lưu hành tại thị trường Việt Nam.

Trước đó, Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Hằng (Vĩnh Hằng) là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam các sản phẩm phụ gia dầu nhớt gắn nhãn hiệu "U.S. & Hình" nhập khẩu từ PPI. Tuy nhiên, đến năm 2004, PPI đã chấm dứt mối quan hệ phân phối độc quyền với Vĩnh Hằng. Ngay sau quan hệ hợp đồng đại lý thương mại bị chấm dứt, Giám đốc của Vĩnh Hằng, bà Huỳnh Thị Lan, tiến hành thành lập Công ty Hiệp Tiến Long và tiến hành đăng ký nhãn hiệu riêng. Và trong nhiều quảng bá, quan hệ thương mại, Hiệp Tiến Long luôn tự xưng là người kế thừa Vĩnh Hằng.

{keywords} 

Theo đó, nhãn hiệu của Hiệp Tiến Long giống với "U.S. & Hình" của Malco, chỉ thay chữ "U.S" thành "P.T." còn hình hiệu thì giống nhau. Nhãn hiệu "P.T. & Hình", này đã được Hiệp Tiến Long đi đăng kí và đã được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ số 72858 vào năm 2006.

Sau khi thấy Hiệp Tiến Long đăng ký nhãn hiệu có phần hình giống hoàn toàn với nhãn hiệu của mình có thể gây ra nhẫm lẫn và ảnh hưởng tới thương hiệu của mình, Malco đã có đơn yêu cầu hủy hiệu lực văn bằng 72858.

Sau đó, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã ra Quyết định số 134/QĐ-SHTT ngày 21/1/2009 hủy văn bằng bảo hộ số 72858 của Hiệp Tiến Long.

Bị hủy đăng ký nhãn hiệu, Hiệp Tiến Long cũng đã có đơn khiến kiện lần thứ nhất gửi lên Cục SHTT. Tuy nhiên, Cục SHTT đã có Quyết định số 1178/QĐ-SHTT ngày 8/6/2011 bác đơn khiếu nại của Công ty Hiệp Tiến Long và giữ nguyên Quyết định số 134.

Không dừng ở đó, Hiệp Tiến Long đã khiếu nại lần 2 lên cơ quan chủ quản của Cục SHTT là Bộ KH&CN. Đơn vị xử lý khiếu nại của Bộ Khoa học - Công nghệ đã có quyết định đảo ngược hoàn toàn các quyết định trước đó của Cục SHTT. Cụ thể, Bộ KH- CN đã có Quyết định số 3185 hủy Quyết định 134 và Quyết định 1178 của Cục SHTT.

Với Quyết định 3185 của Bộ KH&CN vô hình trung đã khôi phục lại toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ số 72858 của Hiệp Tiến Long. Điều này đồng nghĩa với việc nhãn hiệu của Malco với "U.S &Hình" dù đã được công nhận ở Mỹ và xuất hiện trước ở thị trường Việt Nam ở vào thế bất lợi khi nhãn hiệu "P.T&Hình" còn phần hình ảnh giống nhau dù ra đời sau ở Việt Nam những lại được công nhân.

Hậu quả là, khi lô sản phẩm dầu nhớt mang nhãn hiệu "U.S. & Hình" của PPI/Malco nhập khẩu về Việt Nam đã bị chặn tại cửa khẩu hải quan TP.HCM hơn 7 tháng nay kể từ ngày 28/3/2014 với lý do xâm phạm sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu "P.T. & Hình" của Hiệp Tiến Long đang được bảo hộ theo Quyết định 3185.

{keywords} 

Trước thực tế nhãn hiệu của mình bị xâm hại và gây ảnh hưởng nghiêm tới hoạt động kinh doanh và uy tín cũng như ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động trên thị trường Việt Nam, Malco đã nộp đơn khởi kiện Quyết định số 3185 của Bộ KH&CN tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, yêu cầu hủy bỏ quyết định, đồng thời yêu cầu bồi thường những thiệt hại mà Quyết định 3185 này mang lại.

Để bảo vệ doanh nghiệp Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng đã có thư đề nghị Tòa án, Bộ KH&CN, Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan giải quyết sự việc một cách công tâm, hợp pháp.

Vụ việc hiện nay đang được Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xử lý nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, việc tranh chấp kéo dài hơn 7 năm qua đã khiến cho việc kinh doanh của DN bị ảnh hưởng và sự kiện này đang được cộng đồng DN theo dõi như một điển hình về tranh chấp nhãn hiệu và SHTT tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dù sự việc có được giải quyết theo hướng nào, cái mất lớn lao nhất khó có thể lượng tính đo đếm được, đấy chính là sự ảnh hưởng niềm tin và tính minh bạch của môi trường đầu tư Việt Nam hội nhập quốc tế.

Thực tế, đây không hẳn là một vụ việc quá phức tạp nhưng những rắc rối kéo dài, các quyết định trái chiều và việc xử lý khác biệt những thông lệ quốc tế và pháp lý Việt Nam đã khiến cho vụ việc ngày càng trầm trọng và ảnh hưởng xấu cho cả hai bên DN cũng như các cơ quan quản lý.

Nguyễn Tú