Sức khỏe DN ngày càng yếu đi. 84% doanh nghiệp đang rất khó khăn, “thấm mệt” do ngấm đòn khủng hoảng.

Đó là kết quả cuộc điều tra lần thứ 5 về doanh nghiệp nhỏ và vừa, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, Viện Khoa học lao động và các vấn đề xã hội phối hợp với Đại học Copenhagen (Đan Mạch) thực hiện.

Ảnh hưởng kéo dài

Giới thiệu kết quả nghiên cứu, giáo sư Finn Tarp, Đại học Copenhage, cho biết, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu tới doanh nghiệp (DN) Việt còn trầm trọng hơn so với năm 2009 và 2011.

Trong khoảng 2.000 DN được khảo sát, có tới gần 70% khẳng định sản xuất kinh doanh của họ vẫn chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng. Để xoay xở được, 58% DN đã phải cắt giảm chi phí sản xuất và khoảng 49% nỗ lực tìm kiếm thị trường mới. Trong đó, gần 1/5 DN cố gắng thử thay đổi các hoạt động của mình; 13% ứng phó với khủng hoảng bằng việc cắt giảm lao động và 9% đành phải giảm quy mô sản xuất.

{keywords}

"Theo quan điểm của các DN, các đặc điểm của môi trường kinh doanh trở nên xấu đi!", báo cáo này đúc kết (ảnh P.H)

Cuộc điều tra cũng ghi nhận, có khoảng hơn 430 DN đã từng tham gia cuộc điều tra năm 2011 thì đến nay, đã không còn tồn tại. Con số này tương đương tỷ lệ 9,3% DN đã biến mất khỏi thị trường. Ngoài ra, 17% DN trong cuộc điều tra trước đây hiện đang phải đóng cửa tạm thời.

Đáng chú ý, số DN gặp khó khăn tăng lên rất nhiều với tỷ lệ 84%. Nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất vẫn là thiếu vốn, kế đến là sự suy giảm về thị trường đầu ra, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn hơn, thiếu máy móc hiện đại và thiếu cơ sở sản xuất.

Đáng buồn hơn, dù khó khăn đã bủa vây, báo cáo phát hiện, số lượng các doanh nghiệp chi hối lộ đã tăng lên đáng kể từ năm 2007. Các khoản phí không chính thức này lại là một khoản chi thường xuyên trong hoạt động của DN. Có đến 1.108 DN trong diện điều tra đã thừa nhận việc này. Trong đó, 19% là chi cho các khoản không chính thức để đối phó với cơ quan thuế và 29% các khoản chi liên quan đến dịch vụ công. Ngoài ra, chi phí bôi trơn còn nhằm xin các loại giấy phép hoặc để có hợp đồng và để đối phó với khách hàng.

Không thể lớn được

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, nhận xét, tình hình DN nhỏ và vừa Việt Nam thực sự ảm đảm, suy giảm cả về số lượng, chất lượng, giảm cả quy mô và cả năng suất.

"Nhưng lo nhất là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không lớn được, vì họ gặp phải những vấn đề nền tảng lớn chưa thể tháo gỡ. Các cuộc điều tra, nghiên cứu... đều đưa ra giải pháp, nhưng vì thiếu nền tảng vững chắc, căn cơ nên giải pháp đó không có hiệu lực", TS. Cung nói.

{keywords}

Các cuộc điều tra gần đây đề cho thấy, số những DN có cải tiến công nghệ, đưa ra sản phẩm mới ít đi so với trước. Trong khi đó, kỳ vọng có thể gia nhập cuộc chơi toàn cầu của các ông chủ như Samsung, Canon... vẫn đang rất mong manh. Lý do, các mắt xích của chuỗi sản xuất lớn luôn tương thích với nhau như một cơ thể sống và hoạt động rất phức tạp, không dễ để DN Việt còn thiếu nền tảng có thể chen nổi một chân vào.

TS. Lê Đăng Doanh đề nghị phải tách bạch, làm rõ đâu là khó khăn do tác động từ cuộc khủng hoảng bên ngoài và đâu là do vấn đề nội bộ bất ổn vĩ mô của Việt Nam. Khi mới vào WTO, thay vì đầu tư cho khoa học, công nghệ, cải cách thể chế, chúng ta lại đầu tư cho bất động sản, chứng khoán. Tất cả những vấn đề đó cần phải được xem xét lại. Đến nay, tổng số DN phá sản, ngừng hoạt động đã lên tới 200.000 DN.

Trong khi đó, hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh là mục tiêu sống còn mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết 19 hồi đầu năm.

Ông Cung nói, có nhiều cải cách sửa đổi trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, luật về thuế được đề ra, như DN sẽ không phải đăng ký ngành nghề kinh doanh, được làm những gì pháp luật không cấm, sẽ được làm nhiều con dấu, thậm chí, sẽ không còn bị khống chế mức 15% trần chi phí quảng cáo...

Chưa kể, Bộ Tài chính còn dự định sẽ xoá hết nợ thuế cho hàng chục ngàn DN đã từng chịu lãi suất trên 20%, gặp rủi ro khủng hoảng do đối tác phá sản... Tổng cục Thuế đã công bố gỡ bỏ hàng chục loại thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu để giảm hơn 200 giờ nộp thuế cho DN...

Nhưng theo bà Phạm Chi Lan, nghịch lý lớn nhất là nhiều ưu đãi đã chảy vào các DN lớn, khi đến DN nhỏ thì nguồn lực đã cạn kiệt rồi. Những ưu đãi ban hành ra rốt cục biến thành nước chảy chỗ trũng.

"Các nhà quản lý phải làm sao thay đổi tư duy, thay vì chỉ dùng từ quản, kiểm thì phải dùng nhiều từ như thúc đẩy, hỗ trợ, làm sao để doanh nghiệp phát triển tốt nhất", ông Cung nói.

"Hội nhập quốc tế đã ập đến trước cửa. Thử hỏi, những cơ hội kinh doanh mà ta có được từ các hiệp định thương mại có đến được những DN tư nhân đó không hay là chỉ dành cho nhà đầu tư FDI?. Nếu Việt Nam chỉ mở cửa như thế thì chưa thể gọi là thành công", TS Nguyễn Đình Cung e ngại.

Phạm Huyền