- Nhiều nghiên cứu của các học giả nước ngoài, chuyên gia của IMF cho rằng, trong thời kỳ kinh tế suy giảm thì hầu như cầu tín dụng không nhạy cảm với lãi suất. Khảo sát gần đây nhiều DN Việt Nam trả lời khi chưa thấy được đầu ra thì vay vốn chỉ cộng thêm chi phí.
Bên lề Hội thảo "Vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú về một số vấn đề đang được quan tâm của hệ thống ngân hàng.
NHNN đang điều hành lãi suất theo phương pháp nào? có ý kiến cho rằng cơ quan này đang thận trọng (hàm ý về lãi suất), chưa hướng về nền kinh tế?
Cần phải trở về những gốc gác lý thuyết căn bản về lãi suất (LS) là giá cả quyền sử dụng vốn. Khi nói điều hành LS của ngân hàng trung ương (ở Việt Nam là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) là việc sử dụng công cụ này của chính sách tiền tệ để điều tiết và kiểm soát lạm phát, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà chủ yếu là thông qua kênh tín dụng.
LS được điều chỉnh xuất phát từ kỳ vọng về mức lạm phát mà biểu hiện ra là CPI. Ví dụ, kỳ vọng lạm phát của Chính phủ và NHNN năm nay là 6% thì LS tiền gửi của dân cư và hệ thống NH khoảng 7%/năm (lãi suất thực dương). Để kích thích dòng vốn vào khu vực kinh tế thực, những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ thì NHNN sử dụng LS tái cấp vốn, LS tái chiết khấu qua đó hỗ trợ vốn LS thấp để các NHTM có thể cho vay vào những lĩnh vực mà Chính phủ và NHNN định hướng. Ví dụ, LS tái cấp vốn hiện nay là 6,5%/năm thì NHNN có thể tái cấp vốn đối với những khoản cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên giảm xuống 0,5% đến 1%.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú |
Cần phải hiểu rõ là NHNN đang điều hành LS theo hai phương pháp: thứ nhất là phương pháp gián tiếp, thông qua việc điều LS tái cấp vốn, LS chiết khấu, NHNN sẽ hướng tới tác động lên mặt bằng LS của thị trường tùy theo từng thời kỳ kinh tế nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ thị trường. Thứ hai là phương pháp trực tiếp, cụ thể là quy định trần LS tiền gửi VND và USD, trần LS cho vay bằng VND vào 5 lĩnh vực ưu tiên. Việc sử dụng phương pháp thứ hai này là để hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực kinh tế mà Việt Nam có lợi thế so sánh. Còn về trần LS tiền gửi VND và USD là để khuyến khích công chúng nắm giữ VND phục vụ chiến lược chống đô la hóa.Việc duy trì khoảng cách đáng kể giữa LS VND cao hơn LS USD khoảng từ 4-5% cũng là để hướng tới mục tiêu này, bảo đảm ổn định về tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Bạn nên biết rằng, Nhật Bản phải mất 18 năm, Mỹ mất gần 20 năm trong lộ trình tự do hóa lãi suất.
Như vậy có thể thấy, điều hành LS của NHNN cần phải thận trọng, cân đối với nhiều mục tiêu , trong đó quan trọng là hướng tới kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá cao và ghi nhận thành công về điều hành lãi suất của NHNN trong thời gian qua.
Chúng ta phải đặt vấn đề ngược lại, nếu hạ LS VND thật sâu thì bài toán chống đô la hóa, điều hành tỷ giá, kể cả bài toán thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ ra sao khi người gửi tiền không muốn nắm giữ VND nữa?
Nhưng người đi vay như một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn kêu LS còn cao?
Từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã liên tục giảm LS đến 9 lần cùng với việc kết nối, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã góp phần đưa tín dụng chảy vào các khu vực kinh tế thực, mang lại những khởi sắc nhất định cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên từ phía doanh nghiệp (người vay vốn) có thể có những ý kiến khác. Nếu anh có 1 đồng vốn tự có, đi vay 1 đồng tức sử dụng đòn cân nợ là 50-50. Với đòn cân nợ này LS vay ngân hàng có thể cao nhưng chắc cũng không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu chỉ có 1 đồng mà anh đi lại đi vay ngân hàng 2-3 đồng thì bài toán chi phí tài chính lại rất khác. Ở nước ta theo thống kê của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao, bình quân của DNNN là trên 1,8 lần, DN dân doanh là trên 2 lần, thậm chí có DN vay gấp 7 đến 8 lần so với vốn tự có. Vì thế có thể có những ý kiến kêu vay vốn LS còn cao cũng là điều dễ hiểu.
Những nghiên cứu của các chuyên gia tài chính thế giới như: Clair và Tucker, Bernanke và Lawn, Frisedman, chuyên gia của IMF cho rằng trong thời kỳ kinh tế suy giảm thì hầu như cầu tín dụng không nhạy cảm với LS. Bên cạnh đó ở góc độ quản trị rủi ro tín dụng họ còn khuyên rằng các NHTM chỉ nên tăng trưởng tín dụng tương đương mức tăng GDP.Tất nhiên ở Việt Nam do thị trường tài chính chưa phát triển, nền kinh tế chủ yếu dựa vào hệ thống NH (93% tổng tài sản tài chính nằm trong hệ thống NH), người ta gọi mô hình này là Bank based economy, vì vậy mức tăng trưởng tín dụng có thể bằng 2 đến 2,5 lần mức tăng trưởng GDP. Đó chính là mục tiêu định hướng của NHNN.Nếu mức tăng tín dụng quá cao có thể gây hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế. Điều này chúng ta thấy rất rõ tăng trưởng tín dụng nóng trong thời gian trước đã đẩy lạm phát lên cao, hậu quả của một giai đoạn"bong bóng" bất động sản và hệ quả nợ xấu bây giờ đang cần phải xử lý.
Nhiều nghiên cứu cho rằng, trong thời kỳ kinh tế suy giảm thì hầu như cầu tín dụng không nhạy cảm với lãi suất |
Cần phải nói một nguyên nhân rất quan trọng, tín dụng không ra được là do tổng cầu của nền kinh tế yếu. Khảo sát gần đây nhiều DN trả lời khi chưa thấy được đầu ra thì vay vốn chỉ cộng thêm chi phí.
Có thể nói chính sách LS thời gian qua là hướng đi đúng. Việc xác định mức LS trong từng thời kỳ cho thấy NHNN đã giải bài toán có nhiều biến số khá thành công. Đây là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong điều hành các chính sách vĩ mô mà chúng ta đã đạt được những mục tiêu quan trọng của nó
Một vấn đề của ngân hàng như nợ xấu đến hình như ở Việt Nam vẫn còn những quan niệm khác nhau?
Chúng ta cần hình dung hệ thống ngân hàng giống như một cái phễu chứa đựng những kết quả hoặc dồn tích khó khăn, yếu kém, suy thoái của nền kinh tế, mà biểu hiện ra rõ nhất là nợ xấu tăng cao. Khủng hoàng tài chính ở Đông Nam á năm 1997, khi đó nợ xấu của hệ thống NH các nước ASEAN có nước từ 17% đến 23%/tổng dư nợ. Có nước từ 27% đến 30% và họ quan niệm rất rõ nợ xấu là của nền kinh tế. Người dân Hàn Quốc đã gom vàng cho Chính phủ vay để xử lý nợ xấu như chúng ta đã từng chứng kiến vì người dân hiểu rằng xử lý nợ xấu, ổn định hệ thống tài chính là để ổn định phát triển kinh tế mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Ở nước ta nợ xấu đã dồn tích lại từ nhiều năm trước và bộc lộ ra vào cuối năm 2011 và năm 2012, thời gian đó có thời điểm tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ đã lên tới 17%. Từ cuối năm 2011 đến nay hệ thống NH đã tập trung xử lý quyết liệt nợ xấu và tái cơ cấu lại hệ thống NH. Kết quả về số tuyệt đối đã giảm được trên 50% nợ xấu. Cơ cấu lại 8 NH yếu kém, hệ thống NH không bị mất thanh khoản, đó là kết quả bước đầu nhưng là tiền đề rất quan trọng mà bất cứ quốc gia nào cũng phải có lộ trình và bước đi như vậy.
Giải pháp để chữa trị căn bệnh nợ xấu phải là tổng thể của nền kinh tế: Từ cơ cấu lại nền kinh tế; cơ cấu lại DN; giải quyết nợ đọng trong XDCB của Ngân sách Nhà nước; tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, đặc biệt là những vướng mắc của chính sách pháp luật về đất đai, về định giá tài sản, về thi hành án...Đương nhiên, trong đó hệ thống NH phải tự xử lý là chính. Với quan điểm không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, trong điều kiện nguồn lực tài chính của quốc gia hạn hẹp, thời gian qua NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro, kiểm soát chặt chẽ việc trích lập các quỹ và chia cổ tức, những giải pháp đó đều hướng tới mục tiêu giảm nhanh nợ xấu, cụ thể thời gian qua nợ xấu đã xu hướng giảm tích cực. Cuối tháng 6/2014 là 4,17%, cuối tháng 7/2014 là 4,11%, cuối tháng 9/2014 là 3,9%.
Việc NHNN đề xuất Chính phủ xử lý nợ xấu qua VAMC có mục tiêu dài hạn gì, hay chỉ là 'lập kho' tạm giam nợ xấu trong ngắn hạn?
Tôi không đồng tình với quan niệm như vậy. Khi kinh tế khủng hoảng nợ xấu tăng cao, kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước trên thế giới đều phải có một công ty chuyên nghiệp để xử lý. Việc thành lập VAMC là một trong những giải pháp hướng tới việc xử lý nợ xấu của hệ thống NH một cách bài bản, chuyên nghiệp và là tiền đề để tạo dựng thị trường mua bán nợ của Việt Nam.
Trao đổi về xử lý nợ xấu ở Indonesia, phó Chủ tịch của Ủy ban xử lý nợ xấu của Indonesia đã đưa ra một kinh nghiệm rất hay là Ủy ban xử lý nợ xấu đôi khi cần phải có những quyết định mà luật lệ của Indonesia chưa có. Vì vậy, với Việt Nam chúng tôi cho rằng cần có khung pháp lý trao quyền mạnh mẽ hơn nữa cho VAMC. Trên thực tế chúng tôi cũng đang trình Chính phủ để sửa đổi Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Trong nền kinh tế thị trường, dưới con mắt của các nhà đầu tư thì nợ xấu là một trong những món rất hời để kinh doanh. Vì vậy, xử lý nợ xấu qua VAMC để từng bước hình thành thị trường mua bán nợ là cách tốt nhất xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Xin cảm ơn Phó Thống đốc
Hà Minh