Sau khi áp dụng nhiều biện pháp quản lý mà sữa không giảm giá như mong đợi. Bộ Tài chính đã phải gửi văn bản tới các DN kinh doanh sữa đề nghị cần kịp thời giảm giá bán sữa khi các khoản chi phí trong cơ cấu giá như nguyên liệu, chi phí nhập khẩu giảm.

Theo công văn này, Bộ Tài chính cũng đề nghị các DN sữa cần tiết giảm các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi, Bộ Tài chính yêu cầu kê khai giá bán buôn và bán lẻ theo quy định nhưng không cao hơn mức giá trần đã đăng ký.

{keywords}
Đã dùng đủ mọi công cụ, sữa không giảm giá. Bộ Tài chính lại gửi văn bản đề nghị DN giảm giá sữa.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các Sở Tài chính rà soát, kiểm tra hồ sơ kê khai giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện giá bán lẻ, đăng ký giá và niêm yết giá. Nếu phát hiện vi phạm, các đơn vị cần xử lý nghiêm minh và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính gần đây, đại diện Cục quản lý giá đã xác nhận, vẫn chưa có một doanh nghiệp nào gửi văn bản đăng ký điều chỉnh giảm giá tới Cục. Trong khi đó, 2 tháng qua, giá sữa bột nguyên liệu trên thị trường thế giới đã liên tục giảm. Hiện, so với trước, giá sữa nguyên liệu đã giảm đến 52%.

Tính riêng tháng 10, nguồn thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, giá sữa trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm. Giá sữa bột gầy tại thị trường Châu Âu giảm 3,3% so với tháng 9/2014, xuống còn 2,135 EUR/tấn – đây là mức giảm thấp nhất, sau khi giá đạt ở mức cao hồi tháng 2/2014 (3,650 EUR/tấn). Tại thị trường Úc, sữa bột gầy giảm 3,6%, xuống 2.462 USD/tấn, bơ sữa bột giảm 3,8%, còn 2.685 USD/tấn.

Trong nước, kể từ khi áp giá trần hôm 21/6, giá sữa trên thị trường đã giảm trung bình từ 14-22% tuỳ loại và đứng yên suốt 5 tháng qua. Khoảng 80% thị trường sữa Việt Nam đang phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Phạm Huyền