Không cần bặm trợn, lăm lăm vũ khí, cựu quân nhân Mai Đăng Hưng cùng các cộng sự thu hồi nợ theo cách tìm hiểu, điều tra kĩ về khả năng tài chính rồi dùng những lý lẽ vững chắc để thuyết phục người vay xác định hướng chi trả món nợ.

Trên thực tế, nghề thu hồi nợ đã trở thành một nghề được pháp luật công nhận với Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/6/2007 về Kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Và anh Mai Đăng Hưng cũng là Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh.

Hiện Hưng Thịnh cùng các công ty đòi nợ thuê hợp pháp khác đang hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Phòng PC64 thuộc Công an TP.HCM.

Thu hồi nợ bằng “lý”

Anh Mai Đăng Hưng cùng các cộng sự vượt chặng đường dài từ TP. HCM ngược lên huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng để tìm gặp bà Thành, người đang ôm số nợ 485 triệu đồng của bà Vân trong suốt 5 năm qua.

Qua hàng xóm của bà Thành, anh Hưng được biết: “Họ đang sở hữu một lô đất lớn tại Vũng Sình, có vườn cà phê và nuôi gà công nghiệp…” 

{keywords}

Đây là cơ sở giúp anh Hưng đánh giá khả năng chi trả của bà Thành và chuẩn bị trước mọi kế hoạch làm việc. Anh Mai Đăng Hưng cho biết, tìm hiểu và điều tra kỹ càng về nhân thân, gia đình, các mối quan hệ làm ăn, đối tác kinh doanh và khả năng tài chính của người vay nợ là bước vô cùng quan trọng nhất để thu hồi được nợ.

Vướng mắc lớn nhất chính là khi bà Thành khẳng định đã dùng miếng đất hơn 400m2 do cha chuyển nhượng để gán nợ cho bà Vân. Tuy nhiên, anh Hưng đã chỉ rõ cho bà Thành thấy giấy tờ chỉ chứng minh rằng bà chỉ viết giấy “cho” ông Quyết - em trai bà Thành và cũng là chồng cũ của chủ nợ, không có ký nhận của bà Vân.

Yếu thế, bà Thành lại xin khất nợ lần nữa. Đến lúc này, anh Hưng nhanh chóng chuyển qua những lời lẽ hợp tình hợp lý khiến con nợ vốn có kinh nghiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản này phải bị thuyết phục: “Giấy tờ ghi nợ, bản thống kê tổng số nợ và lãi có chữ ký của chị chúng tôi đều nắm hết ở đây, tài sản hiện tại của gia đình chị chúng tôi cũng đã điều tra kỹ, nếu đưa vụ án này ra tòa chị nghĩ rằng phần bất lợi sẽ thuộc về ai? 

Chưa kể, mảnh đất hơn 400m2 chị để lại cho anh Quyết chưa được Nhà nước cấp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, lại đang trong thời gian tranh chấp tại cơ quan chức năng. Thân chủ của chúng tôi chỉ cần trả tiền, còn miếng đất đợi tranh chấp xong gia đình có thể tự giải quyết với nhau, chị kéo dài không chỉ làm mất thời gian hai bên mà lại còn khiến mình thêm mệt mỏi, nợ cuối cùng cũng phải trả”.

Cả đoàn ra về khi đã nắm chắc phần thắng trong tay. Và đúng như dự đoán, chỉ mấy tiếng sau khi chúng tôi về tới Sài Gòn giám đốc Mai Đăng Hưng đã nhận được cuộc điện thoại của bà Thành thông báo sẽ trả trước số tiền lãi 85 triệu đồng trong vòng 3 ngày tới, số nợ gốc sẽ thanh toán ngay sau vụ cà phê này.

Đi thu hồi nợ bị hăm dọa ngược

Theo anh Hưng, công việc của anh cũng gặp không ít lần tác nghiệp “gay cấn”. Có lần cả đội đến một công ty để thu hồi nợ, ngay khi vừa bước vào xưởng thì ngay lập tức bị bảo vệ cùng nhân viên công ty dồn lại, đóng kín các cửa sau đó vác mã tấu ra dọa, có tên còn tự đập chai vào đầu đến chạy máu rồi thách thức.

Hay có lần đi đòi nợ “đại gia”, chủ nhà còn dọa dẫm báo công an. Tuy nhiên, trước khi đến Công ty Hưng Thịnh đã thông báo làm việc đến cho cơ quan chức năng sở tại.

“Đó chỉ là hai trong số những gian nan, nguy hiểm của nghề đòi nợ thuê mà không phải ai cũng biết. Có những tình huống nếu người bình thường gặp phải có lẽ sẽ thất kinh cả đời thì những người làm công tác đòi nợ luôn phải đối phó hàng ngày, đó cũng là lý do tại sao mức hoa hồng công ty nhận được sau mỗi hợp đồng thành công là từ 15 - 30%, cũng có khi lên tới 50%”, anh Hưng cho hay.

Để nghề thu hồi nợ không còn chịu tai tiếng

Hình ảnh người vay nợ phải nhận vòng hoa tang, quan tài mỗi sáng hay nhận tới tấp nào xú uế, nào chất thải công nghiệp và chất hóa học tấp thẳng vào nhà đã hình thành những định kiến không hay về nghề thu hồi nợ thuê, kéo theo đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các công ty thực hiện thu hồi nợ đúng pháp luật.

Ngay từ năm 2007, Chính phủ ban hành đã ban hành Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Nghị định xác định rõ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đại diện cho chủ nợ bằng các biện pháp thích hợp để thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác định rõ các khoản nợ, thông báo việc đòi nợ và đề nghị khách nợ cung cấp thông tin, phối hợp hỗ trợ hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp, phù hợp với luật pháp để khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Đồng thời doanh nghiệp đòi nợ cũng đại diện cho chủ nợ nhận tài sản do khách nợ hoặc tổ chức, cá nhân khác liên quan giao để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ theo ủy quyền của chủ nợ.

Được Nhà nước tạo điều kiện, pháp luật bảo trợ, đòi nợ thuê đang được hình thành như một ngành nghề mới và cũng là cơ hội cho những người am hiểu luật pháp có công việc. Đồng thời, một hệ thống pháp lý chi tiết và chặt chẽ hơn nữa sẽ là điều kiện tốt nhất để ngành đòi nợ thuê có thể khai tác nguồn nhân lực trình độ nghiệp vụ cao, để tương lai, đòi nợ không còn là nghề bị nhắc đến cùng hai từ “nhạy cảm”.

Nguyễn Hằng