- Với số lãi 406 tỷ đồng, đại gia lớn nhất của ngành xăng dầu Việt Nam đang kêu lãi ít và không dám chắc, quý IV có giữ được đà lợi nhuận hay không.
Công bố hôm 14/11, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, kinh doanh xăng dầu trong nước đạt 406 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ngoài ra, kinh doanh xăng dầu tại Singapore và Lào cũng gặt hái thêm 24 tỷ đồng.
Cùng với kết quả kinh doanh các ngành khác như hoá dầu, gas, vận tải, tài chính, Petrolimex có tổng doanh thu hợp nhất 9 tháng đạt 158.578 tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch, vượt 9% so với cùng kỳ.
Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.418 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch và bằng 90% so với cùng kỳ, sau thuế đã đạt 1.150 tỷ đồng.
Đối với riêng kinh doanh xăng dầu, trung bình 9 tháng qua, Petrolimex lãi khoảng 67 đồng/lít,kg.
Trước đó, thống kê 6 tháng đầu năm, mỗi lít xăng dầu của Petrolimex lãi 63 đồng và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 4,6%.
Dù vậy, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho rằng, kinh doanh xăng dầu vẫn khó khăn. Năm 2014, báo cáo trước các nhà đầu tư, Petrolimex đã cam kết phấn đấu con số 1.000 tỷ đồng lãi xăng dầu, nhưng đã qua 9 tháng, số lãi chỉ 406 tỷ đồng cho thấy tỷ lệ hoàn thành còn chưa đến 41%.
Theo ông Năm, nếu thị trường xăng dầu thế giới giảm đều đều thì không sao, nhưng khi thị trường rơi sâu đột ngột như mấy ngày gần đây thì doanh nghiệp sẽ gặp khó.
Tại thời điểm chuyển giao cơ chế kinh doanh xăng dầu từ Nghị định 84 sang Nghị định 83, với cách tính mới theo chu kỳ 15 ngày cuối cùng, nếu giá xăng dầu giảm sâu sẽ dẫn tới giá cơ sở thấp, giá bán lẻ cũng sẽ thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải dự trữ mặt hàng đủ trong 30 ngày với một mức giá cao hơn.
Cập nhật của Bộ Công Thương cho thấy, trong 2 ngày gần đây, giá xăng thành phẩm A92 trên thị trường Singapore đã xuống dưới ngưỡng 90 USD/thùng, giao dịch ở mức 89,05 USD/thùng. Đặc biệt, ngày 11/11, chỉ sau một phiên giao dịch, giá xăng A92 đã giảm đột ngột tới 2,51 USD/thùng.
Trong khi đó, giá bình quân 30 ngày ở lần điều chỉnh giá hôm 7/11 là mức 98 USD/thùng.
Tuy nhiên, Nghị định 83 và Thông tư liên tịch của Bộ Công Thương- Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp xăng dầu được nâng chi phí định mức kinh doanh lên tới 1.050 đồng/lít đối với xăng, 950 đồng/lít, đối với dầu diezen và dầu hoả và 500 đồng/lít đối với madut.
Ông Năm khẳng định, các mức chi phí mới này đều thấp hơn so với đề nghị của doanh nghiệp.
Việc tăng điều chỉnh này chỉ giải quyết hệ quả trước đây, hầu hết các DN đều phải trả chi phí kinh doanh nhiều hơn mức mà Liên Bộ cho phép tính. Cho nên, mức chi phí kinh doanh tăng lên không góp phần tăng lãi cho doanh nghiệp mà chỉ bù đắp được một phần chi phí thực tế phải bỏ ra.
Thậm chí, doanh nghiệp sẽ phải dùng khoản lợi nhuận định mức để bù đắp thêm vào mà không phải hưởng hết con số 300 đồng/lít.
Cho đến nay, với lý do là công ty đại chúng, Petrolimex là đơn vị duy nhất có công bố công khai thông tin về lãi xăng dầu và kết quả kinh doanh nói chung.
Theo chỉ thị 11 của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác cũng sẽ phải minh bạch, công khai hoạt động kinh doanh tương như, như SaigonPetro, PVOil... nhưng hiện, chưa có thêm đơn vị nào thực hiện.
Phạm Huyền