- Không chỉ ăn cắp cà phê, kẻ trộm giờ táo tợn không tha từ buồng chuối, quả cam đến những bông hoa chưa kịp nở. Chính quyền vẫn chưa có biện pháp giải quyết nên người dân đang hoang mang, đuối sức chống trộm.

Trộm không tha các loại nông sản

Những ngày cuối tháng 11, lẽ ra gia đình ông Phạm Thế Hậu (Kinh Môn, Hải Dương) vui mừng thu hoạch mùa cam siêu phẩm đầu tiên, bón bằng đỗ tương, ngô mà VietNamNet từng phản ánh, thì ngược lại. Nhiều ngày nay, gia đình ông hết sức buồn phiền. Hơn 30 gốc cam ngọt, giống cam Vinh, chuẩn bị thu hoạch thì đã bị trộm lấy sạch. Theo dự tính, mỗi gốc cam cho hơn 10 kg quả nay không còn quả nào. Mót vườn sau vụ trộm còn đúng hơn 10 quả non và xanh.

Ông Hậu chia sẻ: “Nhà tôi từ nay đến tết chỉ trông vào mỗi vườn cam lại bị trộm vặt sạch. Của cũng tiếc nhưng công còn tiếc hơn. Trồng cam hơn 2 năm, giờ mới là mùa thu hoạch thì không được hưởng. Ngoài công chăm sóc, vun trồng, gia đình chúng tôi còn ngâm hàng tạ ngô, đậu tương làm nước tưới cho quả thơm ngon. Nước còn chưa tưới hết mà quả trên cây đã không còn. Rồi còn bị bẻ cành. Sáng ra thăm vườn tôi rụng rời chân tay. Cả tuần nay, hai vợ chồng tôi không thiết tha làm vườn nữa”.

{keywords}
Vườn cam nhà ông Phạm Thế Hậu (Kinh Môn, Hải Dương) sai trĩu quả trước khi bị trộm vặt sạch.

Sau chuyện quả cam, những buồng chuối của người dân cũng bị trộm cắp sờ tới. Gia đình ông Nguyễn Minh Châu huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai có gần 100 gốc chuối sứ. Tháng 11/2013, trừ mọi chi phí đầu tư, ông cũng thu lời gần 3 triệu đồng. Khi đó, giá chuối sứ chỉ ở mức 4.000 đồng/kg.

Vụ chuối năm nay được ông đầu tư chăm sóc tốt, hứa hẹn cho năng suất chuối cao. Điều khiến ông vui mừng hơn cả là giá chuối năm nay tăng lên 6.000-7.000 đồng/kg, như vậy ông sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Thế nhưng, gần đây do bận công việc, một phần do chuối chưa được già, chưa kịp thu hoạch nên đã bị bọn trộm chặt mất hơn một nửa.

Không chỉ có cam, cá, cà phê với giá trị cao bị ăn trộm - chuyện gần như thường ngày ở vùng Đắk Lắk, đến con cá đang bơi trong ao cũng bị trộm.

Giám đốc một công ty đầu tư cá tầm ở Vĩnh Phúc kể: “Năm 2013, trại cá của chúng tôi nhiều lần bị bọn trộm đột nhập. Dù chúng tôi đã trang bị hai lớp hàng rào dây thép gai cùng lực lượng bảo vệ chuyên trách nhưng bọn trộm vẫn hết sức liều lĩnh trèo vào để ăn trộm. Tuy giá trị tài sản mà chúng bán ra thị trường không lớn nhưng đối với chúng tôi, thiệt hại lại rất lớn. Bởi, số cá bị mất cắp là những con bố mẹ, có con nặng trên 10 kg, chúng tôi đã nuôi chúng 8 năm nay. Để có được một con cá như thế là bao công sức, tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà đầu tư và các kỹ sư ngày đêm chăm sóc”.

Gian nan bảo vệ thành quả

“Xây chòi canh rồi hai vợ chồng già chúng tôi ra vườn để trông quả vậy” - ông Phạm Thế Hậu buồn bã nói. Ông nói thêm, nông dân chỉ có nông sản để bán đi kiếm tiền trang trải. Giờ cây đã trồng ra, đến lúc cho thu hoạch không thể lại đốn đi thay thế cây khác. Báo xã chuyện mấy chục cân cam không ai giải quyết nên mình đành tự lo cho mình.

{keywords}
Thất thểu bên vườn cà phê bị trộm vặt trụi (ảnh KTNT)

Về chuyện trộm chuối, người dân xã Bàu Hàm 1, huyện Trảng Bom và xã Quang Trung huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã phải viết đơn gửi cơ quan chức năng. Họ miêu tả: “Nó rất manh động và có tổ chức. Nó chặt rất nhiều, xuyên cái rẫy của chúng tôi. Nó chặt một lượt phải mất ba chục quầy của chúng tôi, nếu quầy chuối lớn phải trên 10kg, mỗi kg 6.000 đồng, 30 chục quầy cũng phải mất hơn 1,5 triệu thời điểm vừa rồi. Người dân chúng tôi rất bức xúc về vấn đề này”.

Trong khi đó, ở Tây Nguyên năm nào trên địa bàn xã cũng xảy ra nạn trộm cà phê. Có hộ bị trộm tới 6 lần trong một tháng. Nhiều vụ kẻ trộm chặt cả cành nên nhà vườn mất nhiều năm mới khắc phục được.

Anh Trương Văn Trung, chủ trại cà phê ở Gia Lai, cho biết: “Để chống nạn trộm cà phê hiện nay, vườn nào cũng nuôi vài con chó bẹc giê Đức, giá một con khoảng 4-5 triệu đồng, hoặc phải bắc thêm đèn, thuê thêm người bảo vệ, tốn kém vô cùng. Thế nhưng gần đây bọn trộm táo tợn hơn, chúng trộm chó trước trộm cà phê sau”.

Để ngăn chặn nạn hái trộm cà phê, một số địa phương ở Đắk Lắk còn xây dựng mô hình tự quản bảo vệ vườn cây. Tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, có 19 tổ dân phòng bảo vệ cà phê ở 19 thôn, buôn, mỗi tổ từ 10-20 thành viên. UBND xã đã hỗ trợ chi phí mua sắm trang phục, công cụ; các hộ có cà phê đóng góp từ 200.000-300.000 đồng/ha để trả thù lao cho tổ hoạt động.

Vào vụ thu hoạch, các tổ dân phòng này thay phiên tuần tra 24/24 giờ ở các vườn cà phê. Tổ dân phòng nếu để xảy ra mất trộm cà phê sẽ phải đền tiền tương đương số lượng cà phê bị mất cắp. Nhờ vậy, xã có tổng diện tích cà phê hơn 4.000 ha nhưng 3 năm gần đây nạn mất trộm tại vườn cây rất ít xảy ra.

Thái Thịnh