- Việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để góp phần kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các chuyên gia đều nhấn mạnh việc kích thích người nước ngoài và cả Việt kiều mua nhà tại VN là điều tốt và nên làm nhanh.
Bà Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu Đoàn ĐBQH Hà Nội:
Tôi ủng hộ việc cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.Trong khi rất nhiều nước trên thế giới cho phép người nước ngoài mua nhà và đất, Việt Nam cũng nên cởi mở chính sách này. Pháp luật hiện chỉ cho phép người nước ngoài mua căn hộ nên cần được khuyến khích. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề của thị trường BĐS, giúp phục hồi và phát triển, mà còn góp phần tích cực gia tăng nguồn lực.
Còn về vấn đề lo ngại ảnh hưởng tới xã hội, tôi nghĩ người nước ngoài tới sinh sống, sẽ phải tuân theo quy định luật pháp của nước sở tại. Tôi cho rằng nước ta đang trong quá trình hội nhập, sống cùng người nước ngoài, người Việt Nam sẽ biết chia sẻ và học hỏi được được nhiều điều. Theo tôi, chúng ta cần chuẩn bị kỹ các quy định và tăng cường công tác quản lý thì không phải lo lắng quá về vấn đề này.
Ông Mai Hữu Tín, Đại biểu Đoàn ĐBQH Bình Dương:
Việc này rất tốt cho thị trường BĐS và cho cả nền kinh tế VN. Chúng ta không có lý do gì để lo lắng về việc sở hữu BĐS của người nước ngoài. Rất nhiều quốc gia khác đã cho phép việc này rất thành công, điển hình là Singapore. Ngoại trừ những khu vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh như biên giới, hải đảo... thì chúng ta nên, và cần, mở cửa cho người nước ngoài sở hữu BĐS ở các khu vực còn lại, kể cả đất ở, nhà riêng lẻ, nhà phố hay chung cư.
Việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để góp phần kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam |
Luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn luật sư TP Hà Nội:
Đó là những đề nghị hợp lý, cần thiết. Không có lý gì mà cứ khư khư cấm đoán việc này, cũng như từ việc cấm đến mở cho Việt kiều mua nhà đất, hay xa hơn là việc mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại nhiều lợi ích hơn hẳn tác hại. Bất động sản là loại tài sản không di dời được và luôn chịu sự quản lý chặt chẽ về quy hoạch, mục đích sử dụng,... nên ai sở hữu không quan trọng, mà vấn đề là làm sao để phát huy được tốt nhất hiệu quả, lợi ích mà nó mang lại cho nền kinh tế xã hội.
Về cơ bản, không có gì đáng ngại về rủi ro quản lý. Ngược lại, nó sẽ góp phần làm cho việc quản lý càng phải công khai, minh bạch và hiệu quả hơn. Về khía cạnh an ninh, quốc phòng, thì cho nước ngoài mua nhà đất cũng không khác nhiều với việc cho thuê nhà đất dài hạn. Tất nhiên, cũng cần có thêm các chính sách quản lý phù hợp đối với các trường hợp này.
Ông Cheong Ho Kuan, chuyên gia từ Malaysia:
Người nước ngoài dường như không quan tâm tới việc mua bất động sản tại Việt Nam vì họ lo lắng về tài sản của mình khi về nước. Hiện tại các quy định về pháp luật cho người nước ngoài mua nhà vẫn chưa rõ ràng, đó là lý do cản trở họ mua nhà tại Việt Nam, trừ trường hợp họ kết hôn với người Việt. Tôi cho rằng, khi luật sửa đổi được thông qua, số lượng người mua nhà tại Việt Nam sẽ tăng, phần nào tác động tích cực tới thị trường nhà đất.
Các chuyên gia đều nhấn mạnh việc kích thích người nước ngoài và cả Việt kiều mua nhà tại VN là điều tốt và nên làm nhanh. |
Ông Leon Cheneval, Chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam:
Nới lỏng các chính sách để người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là một giải pháp tốt cho thị trường bất động sản hiện nay.Việc Bộ Xây dựng đang có chủ trương trình Quốc hội cải tiến chính sách cho người nước ngoài mua nhà và cho đó là một quan điểm hết sức đúng đắn.
Việt Nam nên cải tiến chính sách theo hướng không chỉ giới hạn ở người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam mới được mua nhà, mà cần mở rộng ra với những người nước ngoài có nhu cầu và hướng họ vào phân khúc nhà giá cao.
Ông Robert Trần, doanh nhân Việt Kiều:
Các nước châu Á như Thái Lan và Singapore có cả chính sách khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại nước họ bởi đây là chính sách tăng dòng ngoại tệ đáng kể và tạo điều kiện để người nước ngoài làm ăn đầu tư lâu dài ở nước họ.
Những quốc gia tôi đang phụ trách trong vai trò điều hành của tập đoàn tại các thị trường Mỹ, châu Á và khu vực Thái Bình Dương, chưa thấy nước nào có chính sách hạn chế hoặc bàn thảo nhiều về vấn đề này như VN. Thái Lan và Singapore khuyến khích, Mỹ và Nhật rất cởi mở, quan trọng là người mua phải chứng minh nguồn tiền sạch, tiền của mình.
Duy Quang