Ngày 20/11/2014, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín vừa đồng ý chủ trương nghiên cứu đầu tư xây dựng và nâng cấp một số tuyến đường huyết mạch kết nối khu vực Tân Cảng Sài Gòn vào trung tâm thành phố để phát triển hạ tầng giao thông và giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nặng trong nhiều năm qua.
Cùng với đó, dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm thuộc dự án thành phần cầu đường Bình Triệu 2, giai đoạn 2. Sau nhiều năm dự án không được triển khai, đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, Ngô Tất Tố là các tuyến đường nằm trong danh sách những điểm ngập nước nặng tại TP HCM. Đặc biệt, đoạn từ cầu Thủ Thiêm đến gần cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên bị ngập khi trời mưa hoặc triều cường do đường bị sụt lún gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Việc TP HCM đồng ý cho nâng cấp những tuyến đường này là một giải pháp khắc phục tình trạng trên nhằm cải thiện cuộc sống của người dân. Được biết, Vingroup đã đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng mới, nâng cấp một số tuyến đường bị ngập tại TP HCM và đã được chấp thuận chủ trương xem xét nội dung đề xuất đầu tư các dự án này dưới hình thức BT. Riêng tuyến đường Ung Văn Khiêm mở rộng sẽ rút ngắn thời gian giao thông cách giữa Tân Cảng, trung tâm TP HCM với sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong quá trình đầu tư, xây dựng các công trình giao thông ở TP HCM vừa qua, nhiều dự án rơi vào tình cảnh xếp hàng chờ vốn. Bởi vậy, việc thực hiện nhiều tuyến đường dưới hình thức xây dựng & chuyển giao (BT) sẽ là một giải pháp cho hàng loạt dự án, mang lại lợi ích cho đời sống người dân, tránh tình trạng “đắp chiếu” kéo dài nhiều năm qua. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, trong đó tập trung kêu gọi các tập đoàn tham gia chung vai gánh vác với Nhà nước là một giải pháp khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Thành phố hiện thực hiện khá tốt việc giảm đầu tư bằng vốn ngân sách, đồng thời tăng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Theo số liệu mới nhất từ Sở kế hoạch Đầu tư TP HCM, vừa qua, Thành phố đã xây dựng một danh mục lên đến 26 dự án trong lĩnh vực giao thông đầu tư theo hình thức BT, BOT hoặc BOT kết hợp BT với tổng mức đầu tư ước tính trên 92.000 tỷ đồng.
PV