- Việc mở rộng đối tượng được vay, kéo dài thời gian vay kỳ vọng sẽ tạo đà bứt phá cho gói 30.000 tỷ đồng cũng như kích cầu thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà giá rẻ.

Nới lỏng điều kiện, hỗ trợ tối đa

Sau nhiều lần điều chỉnh, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đã phần nào phát huy được hiệu quả nhất định. Theo báo cáo của 5 ngân hàng thương mại được giao thực hiện, tính đến 15/10, tổng số vốn đã cam kết cho vay là 7.944 tỷ đồng, đạt 26,5% tổng nguồn vốn, tổng dư nợ đã giải ngân là 3.583 tỷ đồng.

Với việc điều chỉnh nới rộng đối tượng vay, loại hình sản phẩm bất động sản không bị khống chế về giá và diện tích mà lấy theo tổng giá trị hợp đồng. Cứ căn hộ giá dưới 1,05 tỷ đồng là được vay vốn từ gói 30.000 tỷ.

Bên cạnh nhà xã hội, những dự án nhà ở thương mại giá rẻ cũng nằm trong đối tượng được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ. Hàng loạt dự án được hưởng lợi như Thăng Long Victory, một số tòa chung cư HH1, HH2, HH3, HH4 khu vực Linh Đàm; Chung cư thương mại Đặng Xá 2, nhà xã hội Đặng Xá,...

{keywords}

Đại diện một số chủ dự án hiện nay còn hỗ trợ tối đa các thủ tục liên quan đến việc vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ cho khách hàng. Chẳng hạn, Viglacera lập ban tư vấn hỗ trợ thủ tục pháp lý, tạo điều kiện tối đa cho khách có nhu cầu vay vốn ưu đãi.

Tại TP.HCM, hai dự án của Sacomreal và Nam Long đang tiến hành xúc tiến với các ngân hàng thương mại để khách có thể vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng. Chủ dự án HQC Plaza cho rằng việc triển khai bán căn hộ của dự án này khá tốt, đến thời điểm hiện tại bán được 1.130/1.735 căn. Có 22 khách hàng được giải ngân trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ.

Bên cạnh đó đối tượng được vay vốn cũng mở rộng hơn.

Nhóm thứ nhất là khách hàng cá nhân mua nhà ở thương mại tại dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá).

Nhóm thứ hai là khách hàng cá nhân tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch và đang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà.

Nhóm thứ ba là hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật để bán, cho thuê, cho thuê mua.

{keywords}

Tính đến 15/10, tổng số vốn đã cam kết cho vay từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ là 7.944 tỷ đồng.

Rào cản thủ tục hành chính

Đánh giá về gói tín dụng ưu đãi, ông Vũ Văn Phấn, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho rằng, mặc dù tốc độ cho vay gói tín dụng nhà ở những tháng đầu chậm nhưng gần đây, việc giải ngân đã nhanh hơn. Gói tín dụng này có quy mô không lớn nhưng đã tác động tích cực tới thị trường BĐS trong thời gian qua.

TS Trần Kim Chung, Viện quản lý kinh tế TW, nhận xét, gói tín dụng 30.000 tỷ - một trong những chính sách đã có thể tác động đột phá lên thị trường BĐS nếu được giải ngân đúng tốc độ mong muốn. Nhưng rõ ràng là thị trường BĐS không được cung cấp nguồn tiền cần thiết một cách kịp thời.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh diện tích căn hộ cũng không được thông qua. Chỉ số ít dự án được điều chỉnh còn phần đông không được triển khai. Lý do chủ yếu được chính quyền địa phương đưa ra là việc điều chỉnh diện tích căn hộ có thể phá vỡ quy hoạch, làm tăng sức ép dân số dù trên thực tế tại các quận mới thành lập, việc này có thể thực hiện được.

Có thể thấy, cùng với những động thái mới từ chính sách cũng như sự quan tâm đến khách hàng của các chủ dự án đã tạo nên sức mạnh mới cho gói 30.000 tỷ. Theo một số chủ đầu tư, nhờ đó, việc giải ngân gói tín dụng này sẽ bứt phá trong thời điểm cuối năm 2014 và những năm tới.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, nhận định, vấn đề chủ yếu là thủ tục hành chính. Hiện Nghị quyết 61 đã rất mở để người dân có thể tiếp cận dễ dàng và tăng khả năng trả nợ khoản vay như: tăng thời hạn vay từ 10 lên 15 năm, giảm lãi suất cho vay từ 6%/năm xuống còn 5%/năm; mở rộng các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay gói 30.000 tỷ.

Duy Anh