Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm ngày Phòng, chống hàng giả, hàng nhái (29-11) diễn ra ngày 28-11 ở Hà Nội.

Phó Thủ tướng cho rằng khi chúng ta gia nhập kinh tế thị trường sẽ có mặt trái là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Hàng nhái, hàng giả không chỉ ở Việt Nam mà xảy ra toàn cầu, song ở nước ta mức độ trầm trọng hơn, phổ biến trên diện rộng. Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp không bảo vệ được sản phẩm trong nước để người tiêu dùng sử dụng hàng giả, hàng nhái là có lỗi lớn, ảnh hưởng uy tín quốc gia, làm sức cạnh tranh giảm. “Nhìn chung quy mô hàng giả không giảm, tồn tại kéo dài, chưa tạo làn sóng lên án mạnh mẽ hàng nhái, hàng giả trong người dân. Điều này làm cho người dân lo sợ, hoang mang, làm cho hình ảnh đầu tư của Việt Nam xấu đi trong giới kinh doanh” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, sở dĩ hàng giả vẫn diễn ra phổ biến là do các cơ quan quản lý chưa nghiêm, quy định pháp luật còn nhiều kẽ hở; trách nhiệm quản lý kém, một số cơ quan chức năng làm lơ, tiếp tay cho hàng giả, buôn lậu; khi phát hiện thì xử lý không nghiêm. Buôn lậu, gian lận thương mại đi liền với tham nhũng tiêu cực, một vài cán bộ bao che cho đường dây trốn thuế. Bên cạnh đó, một số người kinh doanh chưa có ý thức loại trừ hàng giả, doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất đa dạng mặt hàng đi kèm với giá cả hợp lý dẫn đến người tiêu dùng tìm đến hàng giá rẻ, không bảo đảm chất lượng.

Từ đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng muốn chống hàng giả, hàng nhái phải dựa vào hệ thống chính trị, phân trách nhiệm rõ ràng và có những người dám làm việc này. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân, trang bị kiến thức cho người dân để nhận biết hàng giả, tuyên truyền người kinh doanh không bao che, tiếp tay, sử dụng hàng nhái.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm về hàng giả tràn lan trên địa bàn. Các cơ quan quản lý cần được trang bị phương tiện để kiểm tra, phát hiện hàng giả, tránh tình trạng kiểm tra bằng miệng như bộ trưởng Công Thương phản ánh. Sử dụng biện pháp mua tin, cung cấp tin về hàng giả, hàng lậu; xử lý cán bộ làm ngơ, né trách nhiệm, bao che, tiếp tay buôn lậu. Đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước với giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng để hạn chế hàng giả.

Trước đó tại phiên trả lời chất vấn ngày 17-11, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay có nhiều nơi cán bộ quản lý thị trường phải dùng miệng thử phân bón.

(Theo PLO)