Sau 2 lần giảm sâu giá xăng dầu gần đây, nhiều doanh nghiệp vận tải ô tô vẫn chưa giảm cước. Trường hợp cần thiết, các tỉnh có thể thanh tra về giá và thuế đối với các doanh nghiệp này.

Trong thông cáo phát đi chiều 1/12, Bộ Tài chính cho hay, ngay trong tháng 11, đã có tới 2 lần giảm sâu giá xăng dầu nhưng nhiều doanh nghiệp không kê khai giảm cước vận tải.

Tổng cộng 2 lần hạ giá xăng dầu đã cho kết quả, xăng giảm tới 2.090 đồng/lít, dầu diezen giảm tới 1.110 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí xăng dầu chiếm tới 40% -60% giá thành cước nên nếu xăng dầu giảm, các doanh nghiệp hoàn toàn đủ điều kiện để giảm giá cước theo.

{keywords} 

Bộ Tài chính cũng cho biết, kể từ ngày 1/12/2014, Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT (thay thế Thông tư liên tịch số 129/2010) hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có hiệu lực thi hành. Theo đó, khi tăng giá cước trong phạm vi 3% trở lên, các doanh nghiêp phải kê khai giá. Nếu giảm cước 3%, doanh nghiệp cần thông báo cho cơ quan quản lý.

Bộ Tài chính yêu cầu các Sở Tài chính, phối hợp với Sở Giao thông vận tải cần tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá cước vận tải, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải ô tô kịp thời tính toán lại giá thành cước để điều chỉnh phù hợp với giá xăng dầu.

Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính chỉ đạo  Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá và thuế ở doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, dưới sức ép kiểm tra của Bộ Tài chính và Bộ giao thông vận tải, nhiều doanh nghiệp taxi và vận tải hành khách đã giảm từ 2-33%, trong đó, giảm mạnh nhất là doanh nghiệp taxi ở Đà Nẵng. Mức trung bình giảm giá cước là từ 8-11%.

Phạm Huyền