- Báo cáo "Tổng quan môi trường thuế Việt Nam 2014" của Công ty Vietnam Report cho biết mức thu thuế, phí của Việt Nam vẫn cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực.

Thu nhập trung bình, nộp thuế cao

Cụ thể vào năm 2007, tỷ lệ thu thuế, phí của Việt Nam nằm ở mức 26,2% cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực như Thái Lan 16,1%, Philippine 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaisia 14,3%...

Từ năm 2009, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho DN, tiến hành giảm thuế GTGT và một số loại phí, giúp cho tỷ lệ thu thuế, phí nói chung giảm khoảng 1%.

Tuy nhiên sau đó thuế phí lại tăng cao vào năm 2010.

Đến giai đoạn 2011-2013, khi hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường của Chính phủ được đưa ra, trong đó có chính sách thuế, tỷ lệ thuế mới có sự giảm đáng kể, còn 21,4% vào năm 2013.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực vẫn cao bởi huy động từ thuế, phí của các nước gần như ổn định, mức từ 10%-16%.

{keywords}

Mức thu thuế, phí của Việt Nam vẫn cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực.

Với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức trung bình so với khu vực, nhưng tỷ lệ thu thuế phí cao hơn hẳn, rõ ràng người dân đang phải chịu gánh nặng thuế phí rất cao.

Không những thế, với chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế, đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu tỷ lệ thuế, phí/GDP cao gấp từ 1,4 -3 lần so với các nước trong khu vực.

Với các DN, qua khảo sát, lấy ý kiến khoảng 300 DN về thuế thu nhập DN, có đến 70% cho biết vẫn còn cao. Mặc dù thuế TNDN đã được giảm từ 25% xuống còn 22% và được đánh giá là thay đổi tích cực nhất về thuế trong thời gian qua, nhưng các DN cho biết thuế thu nhập DN cao vẫn là quan ngại lớn nhất với họ. Đây dường như chưa phải là mức thuế suất hài lòng với các DN, đặc biệt trong tình hình kinh tế "đi ngang" như hiện nay.

Thay vì giảm nhỏ giọt, một số ý kiến đề xuất thuế TNDN cần giảm ngay xuống 20% để hỗ trợ DN. Trong lúc khó khăn vẫn còn rất lớn thì việc giảm thuế suất, thuế thu nhập DN sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, đẩy mạnh đầu tư phát triển. Đây sẽ là một bước tiến có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng DN. Thuế giảm mạnh hơn, DN sẽ có thêm niềm tin và thu giữ lại một khoản thu nhập để tái đầu tư, phát triển.

Một siêu thị tại Hà Nội, diện tích kinh doanh chỉ 750m2, nhưng mỗi năm tổng số thuế phải đóng lên tới 12 tỷ đồng. Trong khi mức chiết khấu trong DN phân phối bán lẻ không cao, cộng thêm tới 70% DN phải đi vay vốn ngân hàng để hoạt động, thuế cao thì DN nào trụ nổi.

Bản báo cáo cũng cho biết, có hơn 86% số DN được hỏi kỳ vọng các mức thuế suất sẽ được tiếp tục điều chỉnh giảm trong thời gian tới để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn của DN. Theo các DN, thuế suất thấp, sẽ dẫn đến thúc đẩy sản xuất tăng lên. Cắt giảm thuế sẽ tạo động cơ cho các DN sản xuất nhiều hơn, từ đó giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn và thu ngân sách cũng tăng lên.

Thủ tục còn phiền phức

Khi được hỏi về tác động của cải cách thủ tục hành chính thuế tới DN trong thời gian qua, hơn 67% DN nhận định, các thủ tục hành chính thuế đang được điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế.

{keywords}

Vẫn còn gần 1/3 số DN chưa thực sự hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thời gian qua

Tuy nhiên, vẫn còn gần 1/3 số DN chưa thực sự hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thời gian qua, thậm chí 11,6% số DN còn cho rằng, những cải cách này đang khiến việc kê khai và nộp thuế trở nên khó khăn hơn, bản Báo cáo viết.

Bản báo cáo thống kê, có đến 14,5% DN cho rằng “cản trở rất nhiều” là việc Thông tư, văn bản hướng dẫn chưa chi tiết và 81,1% mong muốn các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa hơn nữa.

Theo các chuyên gia, con số trên chỉ ra rằng, công cuộc cải cách hành chính thuế sẽ còn cả một chặng dài phía trước, đòi hỏi cơ quan thuế triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hiện thực hoá mục tiêu tạo thêm nhiều thuận lợi cho người nộp thuế, tránh tình trạng cán bộ thuế gây nhũng nhiễu, hách dịch với người nộp thuế...

Năm nay, trong Báo cáo Môi trường kinh doanh, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng xếp mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 149/189 nền kinh tế trên thế giới, tụt 4 bậc so với năm 2013 và “đội sổ” so với các nước trong khu vực. WB tính toán, năm 2014, bình quân một DN tại Việt Nam mất tới 537 giờ để làm thủ tục hành chính thuế. Xếp hạng này được coi là ở mức “quá tệ” so với thời gian nộp thuế trung bình của các nước trong khu vực như Indonesia là 259 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philippines là 193 giờ, Malaysia là 133 giờ, Brunei là 96 giờ, Singapore là 82 giờ.

Trên thực tế, hệ thống chính sách và quy trình quản lý thuế vẫn gây ra những khó khăn cho DN. Đó là việc ban hành chính sách còn thiếu sự thống nhất, rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan Thuế và người nộp thuế. Một số văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật thuế ban hành chậm, dẫn đến khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện.

Cùng với đó là sự hạch sách của cán bộ thuế cũng khiến DN bị ách tắc trong sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, đã có nhiều DN còn hồ nghi về việc nhiều chính sách được ban hành, nhưng có khi thực thi không đầy đủ, thậm chí vi phạm quyền lợi DN.

Trần Thủy