Lương tối thiểu tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng kể từ ngày 1-5 vừa qua không có nhiều ý nghĩa đối với đời sống cán bộ công chức, viên chức… bởi thực tế chẳng mấy ai sống được nhờ lương.

TIN BÀI KHÁC


Từ năm 1993 đến nay, chính sách tiền lương ở nước ta đã từng bước đổi mới theo hướng thị trường, tách dần tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh với khu vực hành chính Nhà nước và khu vực sự nghiệp cung cấp dịch vụ công; tiền lương và thu nhập của người làm công ăn lương có xu hướng tăng dần.

Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm hằng năm giải quyết được hơn 1,6 triệu việc làm mới cho người lao động, giảm tỉ lệ lao động thất nghiệp ở thành thị từ 6,42% (năm 2000) xuống còn khoảng 4,6% (năm 2010); thu nhập thực tế bình quân đầu người 10 năm qua tăng khoảng 2,3 lần... Tuy nhiên, về tổng thể, còn rất nhiều nghịch lý trong tiền lương và thu nhập.

Không phản ánh đúng sức lao động

Lương là giá của sức lao động và phản ánh trình độ, kết quả của lao động trên thực tế. Tuy nhiên, tiền lương trong khu vực Nhà nước có tính cào bằng cao và không khuyến khích người lao động học tập, nâng cao trình độ và nâng cao trách nhiệm công vụ của mình.

Trên thực tế, dù có thêm mấy bằng đại học, thạc sĩ và cả tiến sĩ đi chăng nữa thì mức lương danh nghĩa mà người lao động nhận được vẫn vậy, nếu không có những thay đổi về chức vụ, quyền hạn. Tiền lương của cán bộ công chức, viên chức rất thấp, chưa bảo đảm và khuyến khích họ sống chủ yếu bằng tiền lương; các mức lương theo hệ số tiền lương gắn quá chặt với tiền lương tối thiểu chung…

Một lớp học tại TPHCM. Qua rất nhiều đợt tăng lương tối thiểu, đến nay, đại bộ phận giáo viên vẫn chưa sống được bằng tiền lương.

Bởi vậy, để được tăng lương, việc trông cậy vào năng lực và phấn đấu cá nhân đôi khi không thực tế bằng những cú “lúc lắc” trong việc chuyển việc, chuyển cơ quan, đề bạt và xin - cho trong thi tuyển chuyên viên chính cùng đủ thứ chức vụ khác.

Đã xảy ra nghịch lý không hiếm người càng say mê công việc thì càng ít có cơ hội tăng lương; lao động chính có thu nhập thấp hơn lao động phụ; lương thấp nhưng không dễ đòi tăng lương; thu nhập khi về hưu cao hơn đương chức; lương thực tế thấp dần trong khi biên chế ngày càng tăng; thu nhập ngoài lương từ biếu xén, xin - cho, ăn chia, tạo sân sau..., nhất là ở các ngành và vị trí gắn với quyền lực của “con dấu và chữ ký”, đang có xu hướng gia tăng, song hành với tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền.

Tăng không kịp giá

Mức tăng lương danh nghĩa luôn khó bù mức giảm sút thu nhập thực tế và mức lương tối thiểu tăng liên tục, trong khi mức khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ nguyên.

Vậy nên, mỗi khi tăng lương, dù được hoan nghênh từ phía người nhận lương nhưng thực tế, giá cả và các nhu cầu chi tiêu tối thiểu khác thường tăng nhanh hơn mức tăng lương danh nghĩa, khiến thu nhập thực tế của người nhận lương có khi còn bị giảm hơn trước. Đặc biệt, có khi lương chỉ tăng cho vài bộ phận người làm công ăn lương nhưng hệ quả tiêu cực bởi giá tăng “đuổi và chặn trước” tăng lương lại trút lên toàn bộ lao động và người tiêu dùng khác trong xã hội.

Lương chính thấp hơn thu nhập phụ

Hiện tượng lương chính danh nghĩa thấp, trong khi người nhận lương vẫn đủ tiền xây nhà, mua xe hay cho con du học nước ngoài là điều rất dễ thấy ở Việt Nam, trong khi thuế thu nhập cá nhân vẫn chủ yếu là “đánh vào” những lao động làm công ăn lương ba cọc ba đồng!

Hiện tượng thu nhập phụ (từ các khoản bổng, lộc, đặc quyền, đặc lợi và nhũng nhiễu…) trở thành nguồn sống chính của một bộ phận người ăn lương đang làm méo mó các quan hệ tiền lương - tài chính và các quan hệ xã hội, cũng là nhân tố gây ra những tiêu cực và bức xúc xã hội.

Ngoài ra, còn phổ biến tình trạng doanh nghiệp (DN) lỗ nhưng lương và thu nhập của cán bộ vẫn cao, vốn không khó tìm trong khu vực kinh tế Nhà nước, nhất là những ngành, DN có tính độc quyền cao.

Ngay cả những ngành năng lượng đang kêu rát họng về các khoản lỗ và nợ khổng lồ thì lương, thưởng của cán bộ tại đó vẫn là niềm mơ ước đối với những ngành khác. Thậm chí, một hãng hàng không liên doanh với nước ngoài có tiếng dù bị lỗ nặng vẫn trả lương “khủng” cho giám đốc điều hành và ban lãnh đạo.

Người về hưu lo mất nguồn sống

Ủy  ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 tổ chức trong 2 ngày 10 và 11-3-2011 đã có cảnh báo đáng quan ngại rằng trạng thái mất cân đối quỹ lương hưu trí của Việt Nam có xu hướng gia tăng nhanh. Chẳng hạn, năm 2009, tổng chi của Quỹ Hưu trí - Tử tuất chiếm 74% tổng thu năm 2009 thì năm 2010 đã chiếm tới 81%, tức tăng 7 điểm phần trăm chỉ trong một năm (năm 2010, kết dư của Quỹ BHXH bắt buộc là 127.000 tỉ đồng, trong đó Quỹ Hưu trí - Tử tuất có 112.000 tỉ đồng).

Đáng chú ý, tỉ lệ người nhận lương hưu đang tăng nhanh trên tổng số người đóng BHXH: Năm 1996 chỉ có 1 người nhận lương hưu trong số 217 người đóng BHXH (tỉ lệ 0,46%), đến năm 2000 tỉ lệ này tăng lên mức 1/34 (2,94%) và nay chỉ còn 1/10,7 (9,45%). Với đà này, đến năm 2023, số thu bằng số chi và đến năm 2037, khả năng mất cân đối thu chi của quỹ này là hiện thực nếu không có những giải pháp phòng xa hữu hiệu.

Những người về hưu đúng chế độ sẽ e ngại không được nhận lương hưu  từng tháng nếu tình huống xấu nhất có thể xảy ra; đồng thời, ngay cả những người lao động nhận lương hưu “một cục” cũng sẽ đối diện với nguy cơ không còn nguồn sống nếu tuổi già đến và không còn nguồn thu nhập nào khác ngoài lương hưu đã nhận.

Như vậy, lương hưu - nguồn thu nhập chính của người lao động - mà không bền vững sẽ dễ tạo ra nguy cơ phát triển thiếu cân bằng.

Bốn định hướng chính sách tiền lương

Một là, phải thực sự coi chính sách lao động - tiền lương không chỉ là dạng chính sách an sinh xã hội, mà cần là một bộ phận hợp thành, có vai trò quan trọng và ngày càng tích cực, năng động nhất trong tổng thể chính sách kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, cần gắn kết chính sách lao động - tiền lương với kế hoạch tổng thể về tái cấu trúc kinh tế theo hướng hiện đại và phát triển bền vững... Nhà nước cần chủ động hơn trong phối hợp với các tổ chức Công đoàn và hiệp hội nghề nghiệp - xã hội quy định mức tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động theo thay đổi chung của thị trường, theo kết quả lao động…

Hai là,thống nhất cơ chế tiền lương trong các loại hình DN; mở rộng quyền tự chủ của DN. Các DN phải đăng ký quỹ lương với Nhà nước và công khai tổng quỹ lương với người lao động; khuyến khích hình thành cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận và tự định đoạt về tiền lương, thống nhất định mức lao động, đơn giá tiền lương, thang, bảng lương, làm thêm giờ, tiền thưởng, phụ cấp, tiền ăn trong việc xếp lương, trả lương cho người lao động phù hợp với điều kiện của DN; xây dựng định mức và đơn giá tiền lương, thang, bảng lương, quy chế trả lương… theo sự hướng dẫn của Nhà nước, được ghi vào hợp đồng lao động cá nhân, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương của DN; từng bước thực hiện chính sách tiền lương cao để bảo đảm người lao động có tích lũy từ tiền lương và mở rộng cơ hội cho họ mua cổ phần trong DN.

Ba là,chính sách tiền lương khu vực Nhà nước phải bảo đảm tiền tệ hóa đầy đủ tiền lương và lương là thu nhập chính, đáp ứng mức sống của cán bộ, công chức ở mức trên trung bình của xã hội, sớm nghiên cứu xây dựng và thực hiện trả lương theo vị trí, chức danh, công việc và hiệu quả công tác, khắc phục tính cào bằng của việc gắn hệ số lương với mức lương tối thiểu chung. Có cơ chế đặc thù trả lương đặc biệt và tôn vinh xứng đáng cho các nhân tài và lao động giỏi.

Bốn là,đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công thực hiện hạch toán thu - chi trong cung cấp dịch vụ công, tự chủ tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tuyển dụng lao động theo chế độ hợp đồng làm việc và trả lương cho người lao động phụ thuộc vào năng suất, chất lượng cung cấp dịch vụ theo vị trí làm việc và yêu cầu chuẩn chung của Nhà nước.
Nhà nước quy định các khoản thu phí, lệ phí trên cơ sở từng bước tính đúng, tính đủ phù hợp với từng loại dịch vụ và loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ; quy định cơ chế ủy quyền, đặt hàng và hỗ trợ (nếu cần) cho các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công phát triển lành mạnh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và tạo nguồn trả lương cho người lao động. Đồng thời, Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số khi sử dụng dịch vụ…



(Theo Người lao động)