Chia sẻ về vấn đề nợ xấu, "đại gia" Đặng Thành Tâm đã thừa nhận như vậy, đồng thời cho biết thêm, doanh nghiệp của ông chưa thật sự vượt qua khó khăn mà chỉ bước đầu hồi phục.

"Nếu nói doanh nghiệp của tôi đã thật sự vượt qua khó khăn là nói phét. Chúng tôi chỉ mới bước đầu phục hồi thôi", ông Đặng Thành Tâm thẳng thắn chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Đặng Thành Tâm cho biết thêm, ít nhất doanh nghiệp của ông còn nhìn thấy đường đi, và dòng tiền từ năm ngoái đến năm nay doanh nghiệp có, "rồi ngân hàng nhìn vào hợp đồng của chúng tôi ký cũng yên tâm hơn".

"Nhưng không có nghĩa các hợp đồng đó chứng minh hết nợ của chúng tôi, mặc dù vậy, chứng minh 30% thì cũng yên tâm hơn là không chứng minh được xu nào", ông Tâm giãi bày.

Theo ông Đặng Thành Tâm, doanh nghiệp cần xây dựng phương án, lộ trình trả nợ như thế nào cho khả thi nhất, hay nói cách khác là phải tái cấu trúc nợ.

"Để giảm sức ép cho doanh nghiệp, tôi kiến nghị khi ngân hàng khoanh nợ thì nên giảm hoặc cắt lãi bởi nhiều doanh nghiệp chỉ có khả năng trả nổi được vốn gốc, không có khả năng trả lãi", ông Tâm cho hay.

Theo ông Tâm, để tránh nghi ngờ lợi ích nhóm, ngân hàng chỉ cần khoanh nợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi lực lượng này đem lại lợi ích xã hội rất nhiều.

{keywords}
Ông Đặng Thành Tâm: Nếu nói doanh nghiệp của tôi đã thực sự vượt qua khó khăn là nói phét.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, Ngân hàng Nhà nước ra các Thông tư tái cấu trúc nợ từ 3 - 5 năm, nếu dự án có khả thi thì cho vay.

Do đó, doanh nghiệp phải cố gắng khôi phục lại sản xuất, chứng minh với ngân hàng phương án trả nợ, thuyết phục ngân hàng tái cấu trúc nợ, xây dựng lại lộ trình từ 3 - 5 năm thì tự khắc khoản nợ đó tuy lớn nhưng 3 - 5 năm sau sẽ đỡ hơn, đó là kinh nghiệm của tôi", ông Đặng Thành Tâm chia sẻ.

Nói đến nợ xấu, theo ông Tâm, có 2 loại: một là nợ xấu có thể trả được, hai là không thể trả được kể cả bán tài sản thế chấp.

"Bởi tài sản đó đã mất giá trị rồi, ví dụ tài sản bị hổng mất giá, ngay cả bất động sản cũng thay đổi giá theo thời gian", ông Tâm dẫn chứng.

Chính vì vậy, ông Tâm cho rằng, Chính phủ cần chuẩn bị phương án xử lý khoản nợ không thể trả đó. Đây là điều chúng ta phải chấp nhận vì nợ xấu một phần là lỗi doanh nghiệp, phần còn lại cũng do lỗi chính sách.

"Cứ cho là lỗi doanh nghiệp 90% đi, nhưng có doanh nghiệp nào dự trù được lãi suất lên hai mấy phần trăm đâu.

Nếu lãi suất không ổn định, vay xong cũng chết. Ngay cả trường hợp của tôi, hồi xưa phương án kinh doanh chỉ dự trù lãi suất cao nhất chỉ 13 - 14%, tự dưng lên gần gấp đôi thì chẳng có doanh nghiệp nào chịu nổi”, ông Tâm phân trần.

Ông Tâm nhắc lại, khi thị trường bất động sản bị đóng băng, ngân hàng cấm không cho vay bất động sản là vô lý, vi phạm nguyên tắc bình đẳng.

"Chính vì cấm mấy năm không cho vay nên bất động sản 'chết queo', đến bây giờ chúng ta lại 'hà hơi tiếp sức', gói 30.000 tỷ không hấp thụ được là vậy", ông Đặng Thành Tâm nhận định.

Để tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, theo ông Đặng Thành Tâm, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện cam kết chỉ hạ lãi suất chứ không tăng, trong thời gian qua đã hạ rồi nhưng cần phải hạ nữa.

"Và tôi nhấn mạnh rằng phải làm sao để dòng tín dụng đến được doanh nghiệp với lãi suất phù hợp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là lực lượng cốt lõi của nền kinh tế, họ chỉ cần vài tỷ là phát triển được rồi", ông Đặng Thành Tâm nhấn mạnh.

(Theo Bizlive)