Cuộc khai quật chữa cháy ngôi mộ đá khổng lồ ở Đồng Mùi đã phát hiện nhiều vật quý, trong đó có 12 bông hoa vàng ròng.

Tin phát hiện ngôi mộ đá khổng lồ, cực kỳ kiên cô, không thể phá nổi từ Đồng Mùi (Dũng Phong, Cao Phong, Hòa Bình) lan ra, gây xôn xao dư luận. Đám mộ tặc tìm đến đòi phá ngôi mộ này săn tìm của quý.

Khi đó, khu vực này là đất hoang mới khai quật, chưa được chính quyền địa phương xác nhận bằng giấy tờ gì, nên gia đình anh Bùi Văn Tuấn, dù là chủ khu đất, nhưng không ngăn cản được họ.

Vả lại, đám mộ tặc này đều là những tên đầu gấu, sẵn sàng dùng dao kiếm, nên chúng có làm gì, cũng không ai dám can ngăn. Đám mộ tặc đã dùng máy móc, thậm chí nhồi mìn, cho nổ tung những phiến đá để vào trong hầm mộ.

{keywords}

Dấu tích ngôi mộ có 12 bông hoa vàng nằm dưới vườn nhà anh Tuấn

Các nhà khảo cổ dưới Hà Nội nghe tin, lập tức tìm lên xóm Đồng Mùi. Anh Bùi Văn Tuấn vẫn nhớ, trong đoàn khảo cổ có ông Ngọc, ông Hiền, là cán bộ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có cái máy ảnh của Đức, cứ vừa đào bới vừa hí hoáy chụp ảnh.

Đầu năm 1980, các nhà khảo cổ dựng rạp ngay mảnh vườn của gia đình anh Tuấn để khai quật chữa cháy ngôi mộ khổng lồ, mà bọn mộ tặc đã đào phá tan hoang, nổ mìn vỡ nham nhở. Người dân xóm Đồng Mùi được trả công để tham gia đào bới cùng các nhà khảo cổ.

Mặc dù bọn mộ tặc đã phá tan hoang ngôi mộ, song vẫn thu được rất nhiều hiện vật.

Anh Bùi Văn Tuấn kể: “Hồi đó, tin đồn các nhà khảo cổ phát hiện kho báu lan ra, người dân khắp nơi kéo đến, nên chính quyền phải huy động lực lượng công an rất đông để bảo vệ.

Vì ngôi mộ nằm trong đất nhà tôi, nên tôi được chứng kiến từ đầu đến cuối. Có rất nhiều cổ vật thu được từ mộ, gồm các đồ gốm sứ, đồ đồng, tiền cổ, những chiếc be bát giác, rồi trống đồng cũng thu được rất nhiều.

Tuy nhiên, thứ quý nhất 12 bông hoa đúc bằng vàng ròng. Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh những bông hoa vàng ấy, mỗi bông có 4 cánh. Mấy ông nhà khảo cổ rửa xong, vàng sáng lấp lánh, nhìn đẹp lắm”.

{keywords}

Người dân thôn Đồng Mùi lấy đá trong mộ về làm hàng rào

Bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng Hòa Bình cũng xác nhận rằng, trong cuộc khai quật chữa cháy ngôi mộ đá khổng lồ ở Đồng Mùi vào năm 1980, đã phát hiện nhiều vật quý, trong đó có 12 bông hoa bằng vàng ròng.

Cũng theo bà Thi, ngôi mộ này có niên đại khoảng thế kỷ 15-16. Chủ nhân ngôi mộ không rõ, nhưng với những hiện vật tìm được, thì chắc chắn là người có vị trí xã hội cao thời đó.

Chúng tôi đã vào Bảo tàng Hòa Bình và được chiêm ngưỡng vô số cổ vật tuyệt đẹp, giá trị, khai quật từ những ngôi mộ đá cổ, song không thấy trưng bày những bông hoa vàng khai quật được ở ngôi mộ đá thôn Đồng Mùi. Theo bà Thi, những hiện vật đó quá quý, nên được cất giữ cẩn thận, chứ chưa trưng bày.

Thông tin các nhà khảo cổ đào được 12 bông hoa vàng ròng trong mộ đá ở xóm Đồng Mùi lan ra, bọn mộ tặc kéo đến Đồng Mùi càng đông hơn, phá tan cả thánh địa mộ đá Mường Thàng.

Trong cuộc đào phá nghĩa địa mộ đá săn lùng kho báu này, cuộc đào bới ngôi mộ được cho là của tiểu thư đài các bên Tàu gây chấn động trong giới đào đồ cổ.

{keywords}

Dấu tích một ngôi mộ đá trong vườn nhà dân

Theo chỉ dẫn của người dân, tôi tìm gặp ông Bùi Văn Vệ, ở xóm Ấp Bệ, là người trực tiếp phá mộ. Ông Vệ năm nay 70 tuổi, vẫn rất minh mẫn. Nhắc lại chuyện đào trộm ngôi mộ đá khổng lồ ở xóm Đồng Mùi, ông vẫn còn sợ hãi.

Theo lời ông Vệ, ngày đó, khu vực ngôi mộ khổng lồ còn sót lại ở xóm Đồng Mùi, gọi là khu Ma Lươn.

Thời điểm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tình trạng đào phá mồ mả ở Đồng Mùi diễn ra rất khốc liệt. Các nhóm săn lùng của cải trong mộ đá từ Kim Bôi (Hòa Bình), từ miền tây Thanh Hóa ồ ạt kéo về, đào xới khắp các quả đồi ở Dũng Phong.

Biết ông Vệ là người từng tham gia đào phá nhiều ngôi mộ ở Đồng Mùi, nên một nhóm mộ tặc đã rủ ông phá ngôi mộ khổng lồ cuối cùng ở khu Ma Lươn.

Hồi đó là năm 1986, nhóm mộ tặc do ông Lương và Thọ, là những “chuyên gia” đào mộ đá săn lùng đồ cổ, đã đến xóm Ấp Bệ gặp ông Vệ gạ gẫm phá mộ để tìm vật quý.

Khi đó, chỉ còn ngôi mộ mà cư dân vẫn gọi là mộ công chúa. Theo lời đồn, vào thời Hậu Lê, xứ Mường Thàng có một vị tướng, đánh giặc giỏi, nên được vua ban đất ở khu Đồng Mùi. Ông này về đây mở đất, mở chợ, nên giàu có nhất vùng.

Vợ của ông tên là Trúc Nguyệt, là con gái của một vị tướng bên Tàu. Bà này xinh đẹp, con nhà quyền quý, nên có những ứng xử bề trên với chồng. Bà ta thường xuyên có hành động lỗ mãng với chồng.

Một lần, khi chồng đang ngủ, bà này dùng chân đạp để gọi chồng dậy. Vị tướng người Mường cáu giận, đã cầm thanh kiếm định gõ sống lưỡi kiếm vào đầu để cảnh cáo. Thế nhưng, vị tướng này đã gõ nhầm thành… lưỡi kiếm, nên bà này chết ngay tức khắc.

Vị tướng người Mường ân hận, biên thư sang Trung Quốc, kể rõ ngọn ngành. Bố vợ đã biên thư lại, nói rõ rằng, đã gả con gái, thì gái phải theo chồng, nên phải tự lo việc chôn cất. Ân hận vì đã vô tình giết vợ, vị tướng người Mường đã dựng ngôi mộ đá rất to, giữa một thửa ruộng ngàn mét.

{keywords}

Ông Vệ kể chuyện đào phá mộ tiểu thư người Tàu

Ngôi mộ này rộng tới cả sào bắc bắc bộ, được quây bởi những phiến đá khổng lồ, cao vài mét. Trung tâm phần mộ cũng rộng vài chục mét vuông, được kè bởi những phiến đá lớn.

Rất nhiều phiến đá như cái sập, nặng vài tấn được xếp chồng lên nhau, nên nhiều nhóm mộ tặc không phá nổi.

Nhóm mộ tặc này bảo rằng, đã đào được rất nhiều đồ cổ, châu báu trong mộ đá ở Đống Thếch (Kim Bôi, Hòa Bình) và Quan Sơn (Thanh Hóa), nên chắc chắn rằng, trong ngôi mộ khổng lồ của tiểu thư đài các này sẽ có nhiều đồ cổ.

Thế là, nhóm đào mồ cuốc mả gồm chục người không kể ngày đêm, đào phá ngôi mộ. Khối lượng việc nhiều quá, nên ông Vệ rủ thêm ông Tươm, ông Săng, ông Bắc và ông Tuấn, đều là người trong khu vực.

Nhóm mộ tặc này đã phá được những phiến đá xếp trên hầm mộ và lấy được rất nhiều cổ vật quý hiếm. Theo ông Vệ, dù ông không tham gia từ đầu đến cuối, nhưng cổ vật ông thấy được thì khá nhiều, gồm đôi lộc bình rất đẹp, 6 cái trống đồng, con nghê sứ, còn đồ gốm, đồ sứ, đồ sắt, đồ đồng thì nhiều không kể xiết. Vàng bạc thì ông Vệ không rõ có hay không.

Ngày cuối cùng của cuộc phá mộ, thì phát lộ quan tài. Quan tài vẫn nguyên vẹn, bằng gỗ lim. Bên trong quan tài vẫn còn đầu lâu và xương cốt.

Theo anh Bùi Văn Tuấn, nhà ở gần ngôi mộ này, thì khi nhóm đào mộ bật quan tài ra, đã thu được vô số trang sức, toàn là vàng, bạc, ngọc ngà, xếp đầy cả mấy thùng gỗ dùng để gánh nước. Sau khi lấy hết của cải, nhóm ngày này đã đổ đất lấp lại.

Theo ông Vệ, ông chỉ tham gia phá mộ gia đoạn đầu, nên không rõ số báu vật lấy được trong mộ, nhưng chắc chắn một điều, là phải rất nhiều. Bởi lẽ, sau vụ đó, những người tham gia đào ngôi mộ của quan bà ấy, đều trở nên khá giả. Có người xây được nhà mới khang trang, người mua trâu, mua bò.

Tuy nhiên, theo ông Vệ, tất cả những người tham gia phá ngôi mộ ấy đều có kết cục không tốt đẹp. Một ông mang con nghê sứ đi bán thì bị công an bắt, thu hồi.

Vụ tóm con nghê đó gây chấn động giới khảo cổ một thời, bởi con nghê đó quá đẹp, quá giá trị. Những gia đình mua trâu, bò, thì trâu bò toàn bị điên, tự dưng lăn ra chết. Có ông, còn bị chính con trâu mua được từ tiền bán đồ cổ húc chết.

Ông Vệ không kể, nhưng theo người dân trong vùng, một người con trai của ông Vệ cũng bị ông an bắt và xử lý vì tội đào trộm mộ và buôn bán đồ cổ.

(Theo VTC)