Mười “bia” một mình dọn ra ở trong ngôi nhà hoang. Mọi người ai có tò mò có hỏi thì Mười “bia” trả lời qua quýt rằng ra đây ngủ để trông dưa hấu.
Mười “bia” một mình dọn ra ở trong ngôi nhà hoang. Mọi người ai có tò mò có hỏi thì Mười “bia” trả lời qua quýt rằng ra đây ngủ để trông dưa hấu. Đúng 1 tháng, Mười “bia” ra nhà hoang ở thì gã trúng số thật. Đó là số của nhà đài Đồng Tháp, gã mua 30 tờ thì 10 tờ trúng, mỗi tờ được 50 triệu đồng.
3 lần lên voi
Xóm chợ Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) như mảnh đất có duyên được ăn “lộc trời”, bởi ở cái xóm nhỏ này trong vòng 20 năm trở lại đây có đến gần 15 người trúng số độc đắc. Đại gia Tâm “cà phê”, ông Ba “nô” và Mười “bia” là 3 người đầu tiên trúng độc đắc ở xóm chợ, nhưng có lẽ đặc biệt nhất là trường hợp của ông Trần Văn Mười (50 tuổi).
Căn nhà mà đại gia Mười “bia” đã cầm cố để chơi xổ số. |
Ba con người khác nhau, nhưng có cuộc đời và số phận lại rất giống nhau. Đều là nông dân nghèo khó, trong lúc túng quẫn nhất thì có được một khối tiền như từ trên trời rơi xuống. Có số tiền lớn trong tay, họ cũng học làm kinh tế theo kiểu khác người, tập tành ăn chơi cho ra dáng đại gia và cuối cùng đều có chung một cái kết bi ai và bất hạnh.
Đại gia Ba “nô” phải chết bất đắc kỳ tử, Tâm “cà phê” vỡ nợ đến nỗi phải bỏ xứ mà đi còn Mười “bia” cũng mạt vận, quay về với cái máng lợn xưa cũ.
Hoàn cảnh của Mười “bia” trước khi trúng số ai cũng rõ, gã có ngôi nhà rách nát ven sông và bấu víu vào 2 công đất để sinh nhai. Chuyện trúng số của Mười “bia” cũng bắt đầu từ người hàng xóm là Thạch Cảnh Tâm, tức Tâm “cà phê”. Năm 1991, Tâm bất ngờ đổi đời khi trúng liền 42 tờ vé số, điều này khiến Mười “bia” cũng nuôi ước vọng làm giàu từ những con số may rủi.
Gã bảo với vợ: “Bà nhìn nhà thằng Tâm xem, hai vợ chồng đến tấc đất cắm dùi không có, phải nương nhờ trong ngôi nhà hoang vậy mà chỉ sau một đêm nó có trong tay hơn 2 tỷ đồng. Giờ thì ăn sung mặc sướng, đi ô tô, có nhà đẹp lại còn thành lập cả Cty. Nó trúng được thì mình cũng trúng được”.
Từ đó, ngày nào gã cũng mua số với hy vọng sẽ được hưởng “lộc trời”. Khi đó, mỗi tờ vé số mới có giá 2 nghìn đồng rồi lên đến 5 nghìn đồng nhưng ngày nào Mười “bia” cũng mua tới mấy chục tờ. Nhiều khi gã còn nhịn ăn để dành tiền chơi số, ấp ủ mộng làm giàu.
Sau mỗi lần ném tiền vào vé số, Mười “bia” lại thấp thỏm đợi chờ từng ngày và “lộc trời” đã tìm đến gã thật, không những thế Mười “bia” còn “số đỏ” tới ba lần. Theo lời kể của ông Trần Văn Trai, anh ruột của đại gia chân đất này thì Mười “bia” chưa lần nào được “ăn” giải độc đắc.
Chuyện trúng số của gã khá ly kỳ và trùng hợp đến khó lý giải. Ông Trai kể rằng, sau khi Tâm “cà phê” trúng số, ông Mười “bia” đầu tư mua số liên tục trong vòng ba tháng nhưng vận may chưa tới. Mười vừa sốt ruột và xót của nhưng nhìn nhà người hàng xóm nghèo hèn, khánh kiệt không bằng mình giờ được sống trong cảnh giàu sang phú quý nên gã càng khao khát.
Mỗi chiều căng mắt hồi hộp dò số là Mười “bia” lại thở dài hụt hẫng khi những con số vàng đã không đến. Đôi mắt gã không rời ngôi nhà hoang nơi che mưa che nắng cho cả gia đình Tâm “cà phê” trước khi trúng số.
Bên cạnh đó là mái nhà tranh của Mười, giờ Tâm lên phố ở còn gia đình gã vẫn bám lấy mảnh đất này, càng nghĩ Mười lại càng thấy nghẹn đắng cổ. Tự dưng trong đầu gã lại có những ý nghĩ mơ hồ: “Hay tại vì vợ chồng chúng nó sống trong ngôi nhà hoang ấy nên mới trúng được độc đắc”.
Ông Trai kể, không biết người em ruột mình đã toan tính điều gì, nhưng từ sau buổi chiều hôm ấy, Mười “bia” một mình dọn ra ở trong ngôi nhà hoang. Mọi người ai tò mò hỏi thì Mười “bia” trả lời qua quýt rằng ra đây ngủ để trông dưa hấu.
Ông Trai kể lại, một tháng sau ngày Mười “bia” dọn ra ở ngôi nhà hoang, gã trúng số thật. Đó là số của nhà đài Đồng Tháp, gã mua 30 tờ thì 10 tờ trúng, mỗi tờ được 50 triệu đồng. Vào đầu thập niên 90 thì giá trị của số tiền lĩnh thưởng ấy lớn tới mức nhiều người chẳng bao giờ dám nghĩ tới.
Lúc Mười “bia” trúng số thì mọi người mới biết lý do của gã ra nhà hoang ở chẳng phải trông dưa mà mục đích chính là “cầu” may. Chuyện hai người dân nghèo bỗng dưng phất lên khi ở ngôi nhà hoang khiến cho dư luận lúc ấy bàn tán, nửa tin, nửa ngờ.
Người mê tín tin rằng ngôi nhà này mang lại may mắn thật sự, chỉ cần ai ở trong đó và mua xổ số thì đều sẽ có cơ hội đổi đời như Tâm “cà phê” hay như ông Mười “bia”. Nhiều người có nhà cửa đàng hoàng cũng dọn ra nhà hoang ngủ lấy may nên đã xảy ra chuyện tranh giành, xô xát.
Trong số ấy có cả Mười “bia”, hơn ai hết, gã tin rằng mình trúng số là vì ngôi nhà ấy. Dù đã trúng 10 vé nhưng Mười “bia” vẫn cầu ước tới những tờ độc đắc. Cảnh lộn xộn chỉ dừng lại khi chủ mảnh đất có ngôi nhà hoang cũng bỏ nhà mặt phố xuống ở.
Ông Trai bảo, sau này Mười “bia” cho rằng, mình là người có số may mắn chứ chẳng phải nguyên do ăn được “lộc trời” vì ngôi nhà. Bởi, 2 năm tiếp theo gã lại thêm 2 lần trúng số.
Trượt dốc không phanh
Trúng số, Mười “bia” bán hết ruộng, gã cười hả hê, đời mình sẽ chẳng phải quay về bám đít con trâu, sẽ thoát hẳn cái kiếp bần hàn, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Có tiền, Mười mở đại lý bia, nước giải khát đầu bến sông Vàm Cỏ Đông. Hỗn danh đại gia Mười “bia” lắm tiền nhiều của bắt nguồn từ đó.
Theo ông Trai, Mười “bia” chết cũng chỉ bởi con gà tức nhau tiếng gáy. Lúc Tâm trúng số, đã bỏ tiền kinh doanh quán cà phê, rồi thành lập HTX vận tải ở huyện Bến Lức, được mọi người gọi là đại gia Tâm “cà phê”.
Trở thành đại gia, Mười “bia” cũng quyết tâm làm ăn lớn cho bằng anh bằng em nên gã đã bỏ một nửa số tiền thưởng mở đại lý bia. Gã còn mua xuồng ghe, chở bia đi phân phối cho các đại lý nhỏ ở các huyện khác trong tỉnh.
Một thời gian sau, Mười còn mở các chi nhánh ở Gò Công và Chợ Gạo (Tiền Giang). Nhưng vì không có kỹ năng kinh doanh nên trong 6 năm, đại lý bia của Mười đã đóng cửa. Lý do mà Mười làm ăn thua lỗ chính là vì gã đã dùng cả vốn và lãi để chơi xổ số.
Ông Trai kể lại cuộc đời của “đại gia” Mười “bia”. |
Mười “bia” 3 lần may mắn, lần nào gã cũng trúng 10 vé với tiền thưởng là 500 triệu đồng. Là người dân nghèo nhưng khi đổi đời, Mười “bia” đã không biết quý và trân trọng giá trị của đồng tiền, gã không lo làm ăn mà thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt, chơi bời, bài bạc.
Ăn tiêu phung phí nên bao tiền lĩnh thưởng cứ thế vơi dần. Nhưng điều đặc biệt, mỗi lần tiêu hết tiền thì Mười “bia” lại được thần tài gõ cửa, đó là lý do mà mỗi ngày gã bỏ ra hàng triệu đồng để mua vé số.
Mười “bia” cho rằng cứ ăn, cứ chơi hết mình, nếu hết tiền thì lại trúng số tiếp. Và Mười “bia” cũng mạt vận vì tư tưởng ấy, bởi thần may mắn đến với gã không quá 3 lần.
Ông Trai cho biết, mỗi ngày có bao nhiêu tiền trong túi, gã đều đầu tư hết vào mua vé số. Có lúc mua tới mấy trăm tờ, không có tiền thì Mười “bia” đi vay lãi, đến ngôi nhà đang ở mà Mười cũng cầm cố để chơi. Gã luôn hy vọng, một ngày cuộc sống sung sướng sẽ quay về, nhưng từ đó đến giờ vận may đã không mỉm cười với ông ta thêm 1 lần nào nữa.
Chán nản, Mười “bia” sinh thói bê tha rượu chè. Mỗi khi có hơi men là gã lại chửi đổng, kiếm chuyện gây hấn với mọi người.
Khi gã vô duyên với xổ số thì bà Thắm, vợ Mười “bia” lại trúng luôn một tờ độc đặc. Một buổi sáng, bà Thắm đi thể dục trong khu di tích đang trong quá trình quy hoạch xây dựng thì có người bán vé số mời mua, bà mua giúp cho người ta 1 tờ của đài Sóc Trăng và đó là tấm vé độc đắc 1,5 tỷ đồng. Biết tính ăn tiêu hoang phí của chồng nên ngay khi lĩnh được số tiền thưởng, bà đã chuộc lại ngôi nhà, trả hết nợ.
Số tiền còn lại bà cho người khác vay lãi đen nhưng không đòi lại được. Vợ làm mất trắng số tiền lớn, Mười “bia” quay sang chửi bới, đánh đập, gã còn ghi ngờ vợ giấu số tiền ấy để ăn tiêu một mình.
Cay cú, Mười “bia” một lần nữa “vác” nhà đi cắm, lấy tiền ăn chơi trả thù đời và vợ.
“Hai vợ chồng chú ấy cũng xảy ra mâu thuẫn. Đã mấy lần hai người đâm đơn ra tòa để ly hôn, nhưng vì con cái can ngăn, sợ hàng xóm chê cười nên thôi. Nhưng hai vợ chồng không còn quan tâm tới nhau nữa, cơm nhà ai người ấy thổi”, ông Trai, nói về đoạn kết của gia đình người em ruột.
“Gia đình tôi có 10 người anh em, chú Mười là út. Ngoài chú Mười, tôi còn hai người nữa đều trúng xổ số. Nếu Mười chỉ trúng giải đặc biệt thì hai đứa kia đều được độc đắc, nhưng cũng hết cả rồi, đứa mất nhà, người thì hạnh phúc gia đình tan vỡ. Đời người ta “lên voi mấy hồi”, quả không sai tẹo nào”, ông Trai tâm sự về những người em mình được hưởng “lộc trời”.
(Theo Pháp luật Xã hội)