Sân bay Toulouse không phải là vụ việc hiếm hoi. Từ năm 2012, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng tốc đầu tư rất mạnh vào thị trường Pháp và thực hiện hàng loạt các vụ thâu tóm hoặc liên doanh.
“Cảng Piraeus” của người Pháp
Sau nhiều tháng do dự, hôm 4-12, chính phủ Pháp đã tuyên bố bán 49,99% cổ phần nhà nước tại sân bay Toulouse-Blagnac cho Symbiose, quỹ đầu tư liên doanh Trung Quốc-Canada. Giá trị của thương vụ là 308 triệu euro. Vụ việc gây tranh cãi lớn tại nước Pháp, không phải ở giá trị kinh tế mà ở tính biểu tượng. Sân bay Toulouse là sân bay lớn thứ tư của nước Pháp, nằm ở thành phố được coi là thủ đô hàng không của châu Âu, nơi có hai tập đoàn sản xuất máy bay tầm cỡ thế giới của Pháp là Airbus và ATR. Bản thân các nhà máy của hai tập đoàn này nằm ngay sát đường băng sân bay Toulouse.
Tờ Les Echos chuyên về kinh tế gọi đây là “cảng Piraeus” của người Pháp, so sánh với việc Trung Quốc mua cảng Piraeus lớn nhất của Hy Lạp năm 2012.
Với Chính phủ Pháp, lời biện hộ rất đơn giản. “Đây đơn thuần chỉ là việc mở rộng vốn. Sân bay Toulouse vẫn của người Pháp, chúng tôi vẫn nắm giữ 50,01% cổ phần và vẫn có quyền quyết định”- Bộ trưởng kinh tế Pháp, Emmanuel Macron phân tích. Lý do, cũng lại rất đơn giản, là tiền. “Các nhà đầu tư Trung Quốc trả đến 308 triệu euro, vượt trên cả mức kỳ vọng của chúng tôi” - ông Macron nói.
Sân bay Toulouse, Pháp. |
Trên thực tế, sân bay Toulouse không phải là vụ việc hiếm hoi. Từ năm 2012, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng tốc đầu tư rất mạnh vào thị trường Pháp và thực hiện hàng loạt các vụ thâu tóm hoặc liên doanh. Hãng ô tô Đông Phong mua cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của PSA Peugeot, tập đoàn Fosun thì đang có tham vọng thâu tóm Club Med... Hiện tại, 125 công ty Trung Quốc đang kinh doanh trên đất Pháp với tổng vốn đầu tư khoảng 10,6 tỉ đô la Mỹ. Con số này khiêm tốn nhưng lại gây chú ý bởi chỉ tính từ 2012 đến nay, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu đã tăng 336%.
Đến cuối năm 2011, lần đầu tiên trong lịch sử đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc sang châu Âu - 11 tỉ euro, đã vượt qua đầu tư từ châu Âu vào Trung Quốc - 7 tỉ euro.
Cơ hội hay đe dọa?
Điều mà người Pháp, cũng như nhiều người dân châu Âu đang thắc mắc, là nên coi đầu tư của Trung Quốc là một cơ hội hay là một mối đe dọa? Với các chính phủ đang ngập trong thâm hụt ngân sách, đó rõ ràng là cơ hội. Như nước Pháp, tăng trưởng gần như bằng 0 và thất nghiệp tăng liên tiếp trong hơn ba năm qua, đầu tư của Trung Quốc là một tin tốt lành. Tương tự, tiền của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng được hoan nghênh ở Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Ý. Ở tầm cao hơn, châu Âu cũng đang đàm phán về sự tham gia của Trung Quốc vào kế hoạch đầu tư trị giá 300 tỉ euro mà tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker đang muốn triển khai.
Tuy nhiên, những nghi ngại luôn xuất hiện bên cạnh các nhà đầu tư Trung Quốc, chủ yếu là lo bị thôn tính hay bị đánh cắp thương hiệu và công nghệ. Điều này đặc biệt đáng ngại với các doanh nghiệp nhỏ và vừa châu Âu. Tại Pháp, nhiều công ty sản xuất thực phẩm (sữa, pho mát), rượu vang của Pháp bị nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm và các sản phẩm “made in France” được xuất trở lại Trung Quốc với chất lượng rất khó kiểm chứng. Đã từng có vụ bê bối một nhà đầu tư Trung Quốc mua một thương hiệu rượu vang Pháp nhưng rồi đóng nước nho Chile vào chai rồi bán về Trung Quốc với các mác “vang Pháp”. Những vụ việc như thế tạo ra không ít những hoài nghi với các nhà đầu tư Trung Quốc.
Những lo lắng tiếp theo đến từ chuyện an ninh kinh tế. Năm 2012, Thượng viện Pháp từng ra một báo cáo đề nghị cấm nhập các sản phẩm điện tử, truyền thông của hai tập đoàn lớn của Trung Quốc là Huawei và ZTE do nghi ngại bị cài thiết bị gián điệp. Trên tất cả, là nỗi sợ về việc bị trở nên lệ thuộc và đánh mất chủ quyền.
Đứng trước nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với hơn 4.000 tỉ đô la Mỹ dự trữ ngoại tệ đang tham vọng mở rộng tầm chinh phục ra khắp thế giới, một châu Âu suy yếu thực sự có rất nhiều điều đáng phải lo ngại.
(Theo TBKSG)