Bộ Công thương đã chỉ đạo ngiên cứu phương án tăng giá điện. Trước đó đã từng có đề xuất điều chỉnh giá điện tăng tới 9,5%. Nếu Bộ Công Thương "gật đầu", đây sẽ là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Song, trong bối cảnh lạm phát chỉ dưới 3%, việc tăng giá điện vào thời điểm này là một lựa chọn khôn ngoan.
Tăng giá tự động
Giả sử với phương án điều chỉnh giá điện trong thời gian tới với tỷ lệ tăng tới 9,5% so với giá bình quân hiện nay. Xét về giá trị tuyệt đối, giá điện bình quân mới dự kiến sẽ là 1.652,19 đồng/kWh, tăng thêm 146,34 đồng/kWh so với hiện nay.
Kể từ khi giá điện bắt đầu lộ trình thị trường hoá năm 2007, đến nay, giá điện đã trải qua 9 lần tăng giá. Trong đó, 4 lần tăng liên tiếp trong 2 năm qua đều chỉ ở mức 5% mỗi lần tăng. Mức tăng cao vọt gây bất ngờ lớn nhất là tăng tới 15,28% vào ngày 15/3/2011, tương đương mức chênh lệch 162 đồng/kWh.
Do đó, với tỷ lệ từ 9-10% cho bước tăng thứ 10 này, đây sẽ là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua và là mức tăng mạnh thứ 2 trong vòng 7 năm.
9 thời điểm điều chỉnh tăng giá bán điện của EVN |
Tuy nhiên, đợt tăng giá điện lần này không gây ngạc nhiên cho người tiêu dùng, bởi đó là sự đã định, nằm trong lộ trình và khung giá đã được Thủ tướng ban hành.
Tín hiệu đầu tiên là chỉ đạo của Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ tháng 11 mới đây khi yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính trình phương án điều chỉnh giá điện ngay trong tháng 12. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu các bên liên quan nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện để Bộ xin ý kiến Thủ tướng.
Kể từ lần tăng giá điện gần nhất - 1/8/2013 - đến nay đã 16 tháng, EVN giờ chỉ cần Bộ Công Thương gật đầu đồng ý là xong.
Dự kiến, kế hoạch này sẽ mang lại cho tập đoàn khoản doanh thu 700 tỷ đồng, dùng để trang trải cho các khoản chi phí phát sinh về môi trường, tiếp nhận lưới điện nông thôn, bù lỗ tỷ giá...
Cần sửa lộ trình tăng giá điện
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là vì sao giá điện phải tăng trong năm nay, khi EVN đã có lãi?
Trong ba năm gần đây, Bộ Công Thương thường tổ chức họp báo công bố công khai giá thành điện vào cuối năm. Nhưng năm 2014 đã gần hết, vẫn chưa thấy có cuộc họp nào tương tự. Mặc dù, Bộ trưởng Bộ này đã có chỉ thị 11 yêu cầu minh bạch, công khai điện, xăng dầu từ tháng 7 nhưng suốt nửa năm qua, EVN cũng chưa một lần chủ động triển khai kế hoạch này.
Quyết định 69 của Thủ tướng đã nêu rõ các nguyên tắc việc điều chỉnh giá điện gắn kèm với sự biến động của các thông số đầu vào cơ bản. Đó là tỷ giá, giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện huy động thực tế và giá mua giao dịch trên thị trường phát điện cạnh tranh.
Thực tế 2014 cho thấy, EVN đã gặp nhiều thuận lợi với các yếu tố đầu vào trên. Đầu tiên là việc giá dầu sụt giảm tới 30%, thấp hơn nhiều so với năm 2013 giúp chi phí sản xuất điện từ dầu chắc chắn thấp hơn nhiều so với căn cứ tính giá điện hiện nay.
Giá than bán cho điện đã theo thị trường, đồng nghĩa với xu hướng giảm chứ không tăng.
Thuỷ điện gặp nhiều thuận lợi với giá thành thấp chỉ bằng một nửa so với giá bán điện bình quân. Cũng nhờ đó, giá điện EVN mua được theo giao dịch trên thị trường phát điện cạnh tranh cũng xuống thấp.
Từ năm 2012, EVN đã bắt đầu có lãi trở lại, với mức trên 4.400 tỷ đồng từ kinh doanh điện. Năm 2013, EVN kế hoạch cũng có lãi.
Song, từ đầu năm đến nay, nhiều nguồn tin cho biết, tập đoàn này gánh một số khoản chi đầu vào tăng đáng kể. Đó là do tác động của lộ trình thị trường hoá giá khí cho điện. Kể từ 1/1/2015, giá khí ngoài bao tiêu bán cho điện sẽ phải tăng bằng 100% giá thị trường, khiến đầu vào giá điện năm 2015 đội chi phí lên gần 5.000- 6000 tỷ đồng, làm giá thành điện tăng thêm 20-46 đồng/kWh so với giá bình quân hiện hành và giá điện tăng 1,33-3,06%.
Thêm vào đó, giá than bán cho điện năm nay cũng tăng từ 4-10% khiến ngành điện đội chi phí thêm khoảng 1.500-1.800 tỷ đồng. Ngoài ra, tăng thuế tài nguyên nước từ 2-4% tăng chi phí đầu vào khoảng 1.500 tỷ đồng. Tăng tỷ giá 1% từ 19/6 cũng khiến khoản nợ nước ngoài khoảng 8 tỷ USD của EVN sẽ đội lên nhanh chóng.
TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ, việc tăng giá điện đúng về mặt pháp lý, khi Chính phủ đã có kế hoạch định sẵn. Tuy nhiên, nếu như diễn biến thực tế không đúng như dự báo của lộ trình này thì Chính phủ cũng cần phải điều chỉnh lại.
Ông nói thêm: "EVN cần có giải trình trước toàn dân. Bởi hiện nay, có nhiều điểm nghịch lý dễ nhận ra như lúc đầu, dự kiến khung giá điện theo hướng tăng lên, giá dầu năm đó ở mức nào, đến nay đã giảm 30% rồi thì quy hoạch giá điện này sẽ phải cập nhật lại cho phù hợp".
"Nếu không quản lý chặt chẽ sát thực tế thì chính lộ trình tăng giá này của Chính phủ này sẽ giúp cho doanh nghiệp biến thành khoản lợi nhuận mà Nhà nước không nắm bắt được", ông Phong lưu ý.
Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, nếu giá điện tăng 10%, mức tác động tới chỉ số giá tiêu dùng chỉ vào khoảng 0,3%. Trong bối cảnh lạm phát chỉ dưới 3% thì việc tăng giá điện cuối năm nay là một lựa chọn khôn ngoan của EVN và Bộ Công Thương.
Trong 2 năm qua, một loạt các văn bản pháp lý về cơ chế giá điện đã báo hiệu trước việc tăng giá điện là tất yếu. Trong đó, Quyết định 2165 ngày 11/11/2013 của Thủ tướng đã đưa ra một khung giá điện chỉ có tăng, không giảm, cho phép tới năm 2015, giá điện bình quân được kịch trần 1.835 đồng/kWh, tăng 21,6% so với hiện nay. Kế đến là Quyết định 69 ngày 19/11/2013 của Thủ tướng cũng mở đường cho EVN quyền tăng giá điện trong phạm vi 7%. Nếu mức tăng giá từ 7-10%, EVN chỉ cần Bộ Công Thương thông qua và chỉ khi tăng giá quá 10%, vấn đề này mới cần đến thẩm quyền của Thủ tướng phê duyệt.
Thời gian tối thiểu giữa 2 lần tăng giá điện là 6 tháng. |
Phạm Huyền