Nhung nai không bán được, người nuôi nai lấy nhung chỉ để thái ra ngâm rượu uống chơi, hoặc đi biếu, cho, nai giống cũng sụt còn 7-8 triệu/con, ngang giá bò thịt.
Không nơi tiêu thụ, không cơ hội, không được ai hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi..., là thực trạng chung với hàng trăm hộ nuôi nai lấy nhung ở xã Cư Êbur - TP. Buôn Ma Thuột.
“Bỏ thương, vương tội”
Ông Bùi Đức Trường ở thôn 2 tâm sự như vậy khi nói về câu chuyện nuôi nai lấy nhung ở đây. Ông Trường cho biết vào thời điểm cận kề dịp Noel như mọi năm, “xứ nai” này thường nhộn nhịp hẳn lên, kẻ mua người bán sôi động hẳn. Còn năm nay trầm lắng chưa từng thấy, hầu hết các hộ nuôi nai đã cắt lứa nhung cuối năm nhưng không bán được vì không có người mua.
Như gia đình ông chẳng hạn, gần 2,5 kg nhung nai vừa thu được cũng để thái ra ngâm rượu uống chơi, hoặc biếu tặng người thân và bạn bè. “Vậy giá cả bao nhiêu mà thê thảm vậy?” - Tôi đưa câu hỏi.
Ông Trường nói rằng: “Hơn 4 triệu đồng/kg nhung, vậy mà rất khó bán. Nhà nào may mắn gặp người mua để làm quà biếu thì mới có cơ hội, còn không cũng ngâm rượu như tui thôi. Nai giống cũng không khá hơn gì, mấy năm trước giá một con (từ 6-7 tháng tuổi) là 18-20 triệu đồng, nay rớt xuống 7-8 triệu đồng”.
Hộ ông Trần Đình Thái Hòa, anh Hoàng Quốc Hiệp ở thôn 3 cũng trong hoàn cảnh tương tự, sản phẩm làm ra không thấy ai hỏi mua để kiếm chút tiền tái đầu tư cho sản xuất.
Ông Trần Trọng Khánh (xã Cư Êbur) vẫn cố duy trì đàn nai của mình. |
Trong thời điểm này, đi khắp cả vùng Cư Êbur, từ thôn 2, thôn 3 vòng lên thôn 7 và 8... ở đâu cũng thấy biển treo trước nhà “Tại đây có bán nhung nai”, song tuyệt nhiên không thấy bảng đề “Tại đây thu mua nhung nai”. Hỏi ông Trần Trọng Khánh-Thôn trưởng thôn 2 mới biết, với sản phẩm nhung nai ở đây, “cung đã vượt cầu” quá mức.
Ông Khánh cho biết thôn 2 có gần 600 hộ, trong đó có hơn 70% hộ nuôi nai. Hộ nuôi ít thì 1-2 con, hộ nhiều thì 8-9 con và người ta sống với nghề này hơn 30 năm nay chỉ vì một lẽ “cha truyền, con nối”.
Theo ông Khánh, cũng có một thời (những năm 1980-1990), thương hiệu nhung nai Châu Sơn (địa danh cũ) được nhiều người biết đến và cộng đồng người Nghệ An, Hà Tĩnh sống ở Cư Êbur đã từng tự hào và sống được với nghề này.
Bây giờ thì không như trước, thời buổi cạnh tranh và hội nhập, nếu không quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường bên ngoài được thì nhung nai Cư Êbur cứ luẩn quẩn rồi lụi dần - ông Khánh tâm tình.
Dù khó khăn vậy, nhưng hầu hết ngưởi dân ở các thôn trên vẫn không bỏ nghề, bởi đây được coi như nghề truyền thống và luôn gắn bó với họ trong mỗi bước thăng trầm. Thậm chí ông Khánh còn nói: “Con nai được coi như tài sản có giá trị tiêu biểu, đặc trưng trong cuộc sống của bà con xứ Nghệ - Tĩnh di cư vào vùng quê mới này từ những năm 1954-1955 của thế kỷ trước.
Nhà nào cũng phải nuôi, dù ít nhiều để khỏi mất nghề và hơn thế khi dựng vợ, gả chồng cho con cái thì con nai là “của hồi môn” không thể không có của mọi gia đình. Vì thế nuôi nai ở Cư Êbur không chỉ là để mưu sinh, mà còn là nhận thức, thái độ trân trọng di sản của ông bà để lại, dù ở đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Tuy nhiên, nhiều hộ ở đây tha thiết rằng: nếu có sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan, ban ngành hữu trách để thương hiệu “Nhung nai Cư Êbur” có chỗ đứng trên thị trường và người sản xuất tìm được đầu ra ổn định thì đời sống của họ sẽ khá giả hơn.
Còn như hiện tại, ai cũng than rằng họ đang tự “bơi” một mình, nên không chắc có thể gắn bó với nghề nuôi nai lâu dài nữa hay không (!?)
Khắc khoải chờ tìm lối ra
Bí thư Đảng ủy xã Cư Êbur - Đinh Văn Lương chia sẻ: đến nay nghề nuôi nai lấy nhung của bà con vẫn chưa thấy lối ra, nhất là thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp và mất dần. Trước đây, việc tiêu thụ được doanh nghiệp Hoàng Quyến (đứng chân trên địa bàn xã) đảm nhận, nhờ vậy người nuôi nai không lo lắng lắm về chuyện đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên gần hai năm nay, doanh nghiệp trên bỗng dưng không thu mua nhung nai nữa, hình như thị trường của Hoàng Quyến (chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh) đã bão hòa. Cũng theo ông Lương, thị trường ở đó không bão hòa thì đầu ra cho nhung nai Cư Êbur trước sau cũng gặp khó khăn do không có cơ sở chế biến nào trong tỉnh đứng ra đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, mua nhung nai chủ yếu để ngâm rượu như Hoàng Quyến thì chẳng được là bao và chắc chắn không thể trụ nổi với duy nhất mỗi mặt hàng như thế.
Theo ông Lương và nhiều người có tâm huyết thì chỉ có cách liên kết với doanh nghiệp nào đó, trong cũng như ngoài tỉnh và tổ chức thật bài bản, khoa học các công đoạn từ chọn giống, kỹ thuật nuôi cho đến thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm theo hướng phân cấp, đa dạng… hợp với nhu cầu của người tiêu dùng thì mới giải quyết rốt ráo được vấn đề cho đàn nai lấy nhung, cũng như nhân giống hơn 2.400 con nai ở Cư Êbur.
Song, để làm được việc đó đòi hỏi sự đầu tư thực chất và đồng bộ của nhiều cấp, ngành… còn để người nông dân tự “bơi” thì không thể…
Hiện tại, chính quyền xã đang nỗ lực vận động, khuyến khích người nuôi nai cố gắng duy trì đàn nai hiện có để một khi cơ hội đến, hay nói đúng hơn là mong ước trên được quan tâm thì họ sẵn sàng hợp tác và ủng hộ.
(Theo báo Đăknông)