Khách hàng xưa nay vốn rất ngại đi mua sắm vào mùng 1 hàng tháng vì sợ bị các bà chủ khó tính "đốt vía" tống tiễn khi vào xem mà không mua cho họ thứ gì.
Ở Hà Nội nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung, thái độ phục vụ của những người làm dịch vụ thường không được mềm mỏng, nhã nhặn bằng khu vực miền Trung và Nam Bộ. Ngoài những ấm ức ở những quán "bún mắng, cháo chửi", khách hàng còn gặp không ít phiền toái ở các cửa hàng quần áo, giày dép nếu xem đồ, thử đồ nhiều mà không mua được thứ gì.
"Thượng đế" sẽ rất dễ gặp rắc rối với chủ cửa hàng khi đi mua sắm vào sáng mùng 1 hàng tháng (Ảnh minh họa) |
Sáng mùng 1 (âm lịch), không khó để bắt gặp hình ảnh những chị bán hàng tay cầm mẩu giấy đang cháy đỏ rực vung lên vung xuống, chém qua chém lại để "đốt vía", "chém vía" những kẻ đã bước chân vào cửa hàng mà không đem lại được vận may gì cho họ, "ám quẻ" họ làm ăn xui xẻo cả tháng.
Người viết từng được chứng kiến cảnh một chị chủ cửa hàng quần áo tại khu chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, HN) mặt hằm hằm tức giận cầm mầu giấy khua lên khua xuống vài vòng quanh gian hàng, rồi cúi xuống phẩy qua phẩy lại dưới... háng mấy lần đầy vẻ khinh bỉ và tức giận, miệng lầm bầm gì đó người ngoài nghe không rõ.
Vậy mà chỉ vài giây sau, chị đã phủi vội những tàn giấy cháy vương trên tay, mê mải quay sang phía một khách mua hàng đến sau đon đả: "Vào xem hàng đi em gái, sắm đồ đi chơi Noel đi, nhiều hàng khuyến mại lắm đó".
Nếu chỉ nghe được lời chào mời ngon ngọt với vẻ mặt tơi tả niềm nở tạm thời này, chắc không ai hiểu tại sao vị khách này vừa chợt dừng xe ở cửa, chưa kịp ngắm đồ xấu đẹp ra sao đã "sởn da gà" lùi xe ra luôn, mắt nhìn chăm chăm vào đám tàn giấy đang cháy dở nơi góc tường với vẻ mặt ái ngại xen chút lo lắng. Có lẽ vì "thượng đế' sợ đã vào đến tận cửa mà quay xe đi ngay giữa sáng mùng 1 cũng là một cái "tội" với chị bán hàng khó tính, đáng bị đốt vía lắm.
Thật ngược đời là đôi khi, chính "thượng đế" lại phải nơm nớp lo sợ trước những bà chủ cửa hàng khó tính (Ảnh minh họa) |
Trăm người bán, vạn người mua, khách hàng không thiếu gì những địa chỉ mua sắm dễ chịu hơn để chọn đồ. Họ sẵn sàng từ bỏ ngay những cửa hàng đã để lại ấn tượng xấu về thái độ phục vụ, bất kể đồ ở đó có đẹp đến đâu.
Chị Vân Anh (32 tuổi, nhân viên ngân hàng) quả quyết khi vừa dắt xe ra khỏi một cửa hàng quần áo trên đường Cầu Giấy (Hà Nội): "Chắc chắn sẽ không có lần thứ hai tôi đặt chân đến cửa hàng này. Bán hàng là nghề "làm dâu trăm họ" mà sao khách thử đồ xong không mua một cái là họ đổi giọng đuổi khách ngay được".
Anh Thái (23 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học FPT, HN) cũng từng rơi vào một cảnh trớ trêu không kém, anh chia sẻ: "Gần đến ngày bảo vệ khóa luận, tôi đi tìm mua gấp một bộ vest để mặc mà không hề để ý hôm đó đúng là mùng 1 âm lịch. Sau khi thử vài lần, tôi thấy không ưng lắm nên định sang cửa hàng bên cạnh xem tiếp.
Ai ngờ anh chủ cửa hàng sau một hồi "tán" hết nước bọt mà tôi không mua, liền giở trò cầm tay tôi giữ lại, nói bằng giọng "giang hồ": "Chú phải hiểu chú là người mở hàng đầu tiên cho anh sáng mùng 1, chú xem bao nhiêu bộ chẳng lẽ lại không ưng được bộ nào. Chú mà cứ thế đi, anh "dông" cả tháng không làm ăn gì được thì chú có chịu trách nhiệm nổi không?".
Tôi chỉ còn biết ngậm ngùi cố đấm ăn xôi mua lấy một bộ tàm tạm rồi về phải sửa lại còn hơn để anh ta nổi nóng hơn, và rút kinh nghiệm đừng dại gì đi mua hàng ngày mùng 1 hàng tháng".
Có thể vì cho rằng "vạn người mua" vẫn còn nhiều lắm, vắng cô thì chợ vẫn đông nên các chủ cửa hàng không mấy mặn mà với những vị khách mà họ cho là "ám quẻ" họ ngay từ sáng sớm mùng 1. Tuy nhiên, nếu những người mua đều được chứng kiến cảnh đốt vía, chém vía loạn xạ thì hẳn là vạn người kia cũng phải vơi đi phân nửa.
Tuy nhiên, những người bán hàng cũng có muôn vàn lý do cho hành động này của mình. Chị Thu Giang (40 tuổi, chủ một shop đồ nữ trên đường Hồ Tùng Mậu, HN) giải thích: "Đồng ý rằng bán hàng là phải lựa mà chiều khách, nhưng có nhiều lúc gặp những khách hàng khó chịu không thể tả nổi cũng rất ức chế.
Có chị ăn mặc rõ sang trọng, mặt đánh phấn dày cộp, bước vào xem hàng với thái độ hách dịch ra vẻ "có tiền muốn gì cũng được". Chị ta chọn đến 5, 6 chiếc váy cao cấp nhất cửa hàng thử ra thử vào, cái nào cũng chụp lại ảnh "tự sướng" vì nhìn hầu hết đều vừa vặn và rất đẹp. Sau gần một tiếng ngắm ngắm thử thử, cô nàng mới hỏi giá rồi chê đắt, nhất định chỉ trả nửa giá. Tôi chắc đến 99% người đó chỉ muốn lợi dụng để chụp ảnh khoe mẽ chứ không hề có ý định mua bán gì."
Bán hàng là nghề "làm dâu trăm họ", người bán cũng phải chịu nhiều áp lực và rất dễ nổi giận nếu gặp phải những khách hàng quá khó tính và phiền phức (Ảnh minh họa) |
Đa phần những người làm công việc kinh doanh, buôn bán đều khá cẩn thận trong những tín ngưỡng, lễ nghi truyền thống. Họ tin rằng có kiêng có lành, trước khi bắt đầu bán hàng phải chọn lựa kỹ lưỡng từ hướng mở cửa hàng, người đứng tên "động thổ" xây dựng đến xem ngày giờ khai trương... sao cho "hợp ý trời" nhất thì làm ăn, buôn bán mới dễ phất.
Nếu chỉ dừng lại ở những tín ngưỡng thông thường như vậy thì có thể xem đó chỉ là sự cẩn thận, cầu mong vận may và tài lộc không có gì là xấu. Nhưng tiếc là không ít người đã quá mê tín dị đoan, tin vào cái "vía" của khách hàng hơn cả kỹ năng bán hàng và đầu óc kinh doanh của mình. Họ đổ hết tội lỗi của sự ế ẩm hẩm hiu lên đầu những vị khách "mở hàng" đầu tháng. Hành động "đốt vía thượng đế" chính là hệ quả đáng buồn của sự kém văn minh này.
Tình trạng này thường xảy ra ở những cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, hoặc các khu chợ dành cho người thu nhập vừa và thấp. Tuy nhiên, dù là "thượng đế" giàu hay "thượng đế" nghèo thì người mua cũng đã bỏ tiền ra để đem lại nguồn lợi cho các chủ cửa hàng, vậy mà lại bị xua đuổi như những tà ma cô hồn vất vưởng. Kỳ thực, chỉ cần một lần bị đối xử như vậy, hẳn là không "thượng đế" nào quên được cảm giác ấm ức, bực bội.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tín đồ thời trang không mấy mặn mà với những khu chợ bình dân lụp xụp, nhốn nháo. Họ sẵn sàng bỏ một số tiền lớn hơn để mua một sản phẩm tương tự ở những địa chỉ mua sắm văn minh như siêu thị, các khu mua sắm sang trọng, có những nhân viên bán hàng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
(Theo Dân Việt)