- Kiến nghị mới đây của DN Trung Quốc về việc cho phép mở rộng phạm vi giao dịch đồng Nhân dân tệ (NDT) đã gây nên nhiều lo ngại trong giới kinh doanh và các chuyên gia.

Đề xuất ‘sốc’

Trong văn bản tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp tháng 11 của VCCI gửi Thủ tướng vào giữa tháng 12/2014 có đề xuất của Hiệp hội DN Trung Quốc tại Việt Nam (VN), Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (TQ) cho phép mở rộng phạm vi giao dịch đồng Nhân dân tệ (NDT).

Lãnh đạo VCCI bước đầu xác nhận thông tin nay và cho biết việc tập hợp và báo cáo các đề xuất của cộng đồng DN lên các cấp là việc làm thường xuyên. Mọi DN đều có quyền đề xuất và VCCI là đầu mối tập hợp báo cáo.

Theo đề xuất của các DN Trung Quốc, nhu cầu giao dịch thanh toán bằng NDT tại VN khá lớn và đang tăng lên rõ rệt. Tuy phương thức lưu thông NDT chưa được pháp luật Việt Nam quy định, nhưng đa số giao dịch thanh toán bằng đồng tiền Trung Quốc vẫn đang được thực hiện ở VN thông qua con đường không chính ngạch.

Nội dung kiến nghị phân tích, tại thị trường biên mậu Việt - Trung cuối năm 2013, ước tính kim ngạch thanh toán bằng NDT đã đạt khoảng 15 tỷ USD. Nếu thị trường thanh toán NDT từ biên giới được mở rộng đưa vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể quản lý giám sát nguồn vốn này một cách có hiệu quả. Đồng thời, có thể tăng cường đóng góp trong việc thu thuế cũng như công tác phòng, chống rửa tiền.

{keywords}

Kiến nghị mới đây của DN Trung Quốc về việc cho phép mở rộng phạm vi giao dịch đồng Nhân dân tệ đã gây nên nhiều lo ngại trong giới kinh doanh và các chuyên gia.

Bên cạnh đó, kiến nghị cũng cho biết: "Hiện tại đã có ngân hàng của Việt Nam thực hiện nghiệp vụ đổi Nhân dân tệ CNY - VNĐ nhưng chưa có ngân hàng TQ được thực hiện nghiệp vụ này. Nếu đồng tiền thanh toán thương mại từ đồng USD... được thay thế bằng NDT thì đây chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán mà không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu".

Vì thế, đề xuât của DN Trung Quốc mong muốn Chính phủ VN đồng ý cho Ngân hàng Công Thương TQ thực hiện hợp tác về nghiệp vụ NDT với ngân hàng thương mại Việt Nam..

Đối mặt nhiều rủi ro

Ngay sau khi có thông tin này đã có nhiều ý kiến lên tiếng cho rằng cần hết sức thận trọng vì tiền ẩn nhiều rủi ro cho cả nền kinh tế. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, việc cho thanh toán nhân dân tệ trực tiếp ở VN cần phải kiên quyết nói không.

Trao đổi trên báo chí, Nguyên Thống đốc Ngân hàng NN - TS Cao Sỹ Kiêm - cho rằng, việc sử dụng đồng NDT trong quan hệ thanh toán song phương VN - TQ cần được xem xét dưới nhiều góc độ, một là độ tin cậy và sức mạnh của đồng NDT và hai là sức đề kháng của kinh tế VN.

{keywords}
Thống kê về tình hình nhập siêu Trung Quốc từ năm 2000-2012

"Chỉ có thể chấp nhận thanh toán bằng đồng NDT nếu nó an toàn hơn so với dùng đồng USD và nó đã được coi là ngoại tệ được tự do chuyển đổi" - ông Kiêm lưu ý.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo lắng hơn, là tương quan nền kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đang diễn ra bất bình đẳng, nếu chấp nhận cho đồng NDT được giao dịch trực tiếp, chúng ta sẽ nhận phần thiệt về mình.

Điều này là dễ hiều vì cán cân thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc với tỷ lệ nhập siêu luôn trong tình trạng lo ngại. Số liệu của Bộ Công Thương thống kê đến tháng 11/2014 cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN với hơn 30% tổng kim ngạch XNK. Nhập khẩu từ Trung Quốc cao hơn 3 lần so với xuất khẩu từ VN.

Trong khi đó, từ ngày 1/1/2015, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - TQ sẽ còn khiến cho tình trạng nhập siêu trầm trọng hơn khi có tới 3.691 dòng thuế nhập khẩu từ TQ cắt giảm về 0%, nâng số dòng thuế bằng 0% lên mức 84,11% tổng biểu thuế.

Hơn nữa, hiện NDT chưa phải là đồng thanh toán quốc tế, đây cũng không phải đồng tiền dự trữ. Nếu sử dụng NDT, chúng ta phải phụ thuộc rất lớn vào đối tác. Vì thế, giám đốc một ngân hàng thương mại có mở L/C cho các DN trong nước giao thương với TQ cũng cho biết, làm ăn với TQ thường thông qua ngoại tệ thứ 3 là quy đổi sang USD, giao dịch bằng NDT chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các đồng tiền khác và chắc chắn không DN nào mặn mà với điều này.

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho biết, trước đây TQ từng có đề nghị tương tự nhưng Bộ Công thương đã thẳng thừng từ chối.

Theo ông Phong, nếu chấp nhận việc thanh toán bằng NDT, kinh tế VN sẽ đối mặt 2 hệ lụy. Thứ nhất, cho đến nay, NDT chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế. Vì vậy, nắm giữ tiền này, DN sẽ chịu nhiều rủi ro. Nhưng điều ông lo ngại hơn là hiện nay VN đang nhập siêu rất lớn từ thị trường này. Nếu chỉ thanh toán bằng NDT, ở vị thế yếu hơn trong cán cân thương mại sẽ dẫn đến việc DN nội địa buộc phải vay của TQ. “Như vậy, chúng ta không những lệ thuộc vào hàng hóa mà còn về mặt tài chính”, ông nói.

Trao đổi trên Thanh niên, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Trung tâm nghiên cứu chính sách và kinh tế (VEPR), khẳng định trên một đất nước chỉ giao dịch bằng một đồng tiền của chính đất nước đó. Không thể có chuyện, bán cái nhà 1 triệu NDT ở VN. Điều này là không được phép. "Trước đây có tình trạng đô la hóa, vàng hóa. Trong 2 - 3 năm qua, NHNN đã nỗ lực loại bỏ vàng, USD ra khỏi phương tiện thanh toán, thu hẹp phạm vi cấp tín dụng bằng đồng USD. Cho nên, đề nghị này của Hiệp hội DN TQ lại càng không thể chấp nhận".

Cảnh báo về vấn đề này, nhiều chuyên gia đều nhấn mạnh, hiện Việt Nam vẫn đang trong tình trạng nhập siêu rất lớn từ TQ nên càng phải cẩn trọng trong việc sử dụng NDT. Nếu việc thanh toán trực tiếp như kiến nghị, đồng nghĩa với việc NDT sẽ thay thế đồng USD trong thanh toán giao dịch của VN. Khi đó, VND buộc phải phụ thuộc vào đồng NDT. Về lâu dài, điều này sẽ không tốt cho nền kinh tế.

PV