Ít ai nghĩ người phụ nữ đẹp mặn mà ấy điều hành một tập đoàn quản lý 10 khu công
nghiệp (KCN). Chị được vinh danh là “bà đỡ” của các KCN, "bông hồng vàng" trên
chính trường Việt Nam.
“Bóng hồng” chuyên “săn” dự án KCN
Trên thương trường, rất nhiều người đã trầm trồ, thán phục và gọi Nguyễn Thị
Nguyệt Hường là người phụ nữ chuyên “trị” những KCN khó. Đơn giản là vì rất
nhiều KCN trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, bị hoang hoá… sau khi “qua tay”
của chị dễ dàng được lấp kín bởi các dự án đầu tư nước ngoài chỉ trong một thời
gian ngắn.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam |
Nam Sách là KCN đầu tiên mà chị Hường không chỉ đóng vai trò đầu tư mà còn kiêm luôn “bà đỡ” cho các doanh nghiệp nước ngoài trong việc hỗ trợ pháp lý, thủ tục khi đầu tư vào Việt Nam. Trong 4 năm (2002-2006), từ chỗ cỏ mọc hoang tàn, KCN Nam Sách đã được phủ kín 90% diện tích với các dự án, tổng số vốn đầu tư gần 100 triệu USD.
KCN Phúc Điền (Hải Dương) nhiều năm liền trong cảnh “hoang vắng”qua tay chị cũng trở nên khởi sắc và nhanh chóng được lấp đầy chỉ trong vòng có một năm.
Vào năm 2008, khi Hà Tây đang trong tình trạng nhiều năm liền đội sổ trong Bảng xếp hạng cạnh tranh cấp tỉnh do VCCI và Dự án Tăng cường Khả năng Cạnh tranh (VNCI) của Mỹ công bố thì chị đã giúp kéo về dự án đầu tư công nghệ cao của Nhật với tổng số vốn lên tới 300 triệu USD cho KCN Phùng Xá.
Hiện tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) do chị Hường dẫn dắt đang quản lý 10 khu công nghiệp trong đó có 8 khu công nghiệp do chính VID đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút được các dự án quy mô lớn lấp đầy KCN. Trong hơn 10 năm qua, VID đã thu hút được 2,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tạo công ăn việc làm cho hơn 4 vạn lao động tại các khu công nghiệp đã đi vào vận hành, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương đặt KCN, góp phần giúp nguồn thu ngân sách địa phương ổn định, bền vững.
“Trường đại học lớn”- Quốc hội
Năm 1999, Nguyễn Thị Nguyệt Hường được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội. Đến năm 2007, chị được bầu làm đại biểu quốc hội khoá 12.
“Người đàn bà đẹp chuyên “săn” dự án” cho biết, chị không thể nào quên lần đầu tiên phát biểu trên quốc hội về một luật thuế. “Cũng hơi run và có cảm giác lạ lắm” là lời chị chia sẻ lại. Bởi vậy, sau đó chị còn hỏi lại anh chị em - những đại biểu quốc hội kì cựu khác mình nói như thế nào, còn gì chưa được.
Chị Hường trong một hoạt động vì cộng đồng |
Vừa qua, chị Hường đã vinh dự nhận được bằng khen của TP Hà Nội trao tặng cho đại biểu HĐND TP có đóng góp xuất sắc trong hoạt động đại biểu nhiệm kì 2004-2011. Trên cơ sở đánh giá những kết quả hoạt động tại quốc hội khoá 12, chị tiếp tục được tín nhiệm đề cử làm ứng cử viên đại biểu quốc hội khoá 13.
Trong những ngày này, thu xếp công việc cá nhân bận rộn, chị Hường không muốn bỏ qua bất cứ một buổi tiếp xúc cử tri nào bởi có tiếp xúc mới hiểu được cử tri, mới lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của họ để biểu đạt tới quốc hội. Có những cử tri nhiệt tình còn viết thư gửi tới tận nhà, góp ý đề đạt nguyện vọng.
“Nếu được cử tri tín nhiệm và tái trúng cử, tôi sẽ thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe cử tri; góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp đặc biệt là những luật về kinh tế để tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, an toàn và bình đẳng; thực hiện tốt hơn vai trò giám sát; dành sự quan tâm cho bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong lĩnh vực của mình, tôi sẽ tiếp tục làm tốt vai trò đầu tư và thu hút đầu tư cho đất nước tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tăng cơ hội để người lao động được đào tạo cơ bản, đồng thời tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách các địa phương”, chị Nguyệt Hường chia sẻ.
Nếu có thời gian rảnh sẽ dành để yêu con
Tâm sự với phóng viên, chị Hường chia sẻ, đã mang cái nghiệp vào thân thì phải cố gắng mà làm cho tốt. May mắn là chị sống với gia đình chồng, nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ bố mẹ, chồng và các con. Hiểu và thông cảm cho sự bận rộn của bố mẹ, hai con chị rất tự lập và biết trân trọng từng phút giây gia đình ở bên nhau.
Khi được hỏi, nếu có một khoảng thời gian rảnh rỗi, chị muốn làm gì, chị Hường cho biết, chị nghĩ tới con đầu tiên. Chị sẽ ở cạnh con như một người bạn để đưa con đi chơi, mua đồ chơi, cùng con đọc sách, tập hát…
Để “giỏi việc nước” mà vẫn “đảm việc nhà”, bí quyết của chị Hường là quản lý quỹ thời gian. Cùng với đó, đào tạo một đội ngũ vững về nghiệp vụ, thực hiện việc ủy quyền và phân cấp để hệ thống vẫn chạy trơn tru khi chị vắng mặt. Như vậy, bản thân chị sẽ vừa tập trung thực hiện chiến lược của cả tập đoàn, vừa có thể tham gia chính trường mà vẫn chu đáo việc nhà.
- Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sinh ngày 9/4/1970 tại Nam Định, - 1984-1987: Đoạt giải nhất, nhì kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, huy chương vàng kỳ thi Olympic tiếng Nga. - 1987-1992: Được cử sang Nga học tại Đại học Tổng hợp Matxcova. - 1996-1999: Về nước làm cán bộ kinh doanh rồi trở thành Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Thắng - 1999-2002: Mở công ty xuất khẩu và sản xuất giày da. Trở thành đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội từ 1999. - 2006: Trở thành Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam. Chị là 1 trong 3 nữ doanh nhân được bầu chọn giải Bông hồng vàng năm 2006. - 2007: Trở thành đại biểu Quốc hội khóa XII ở tuổi 37 cùng 25 doanh nhân khác. - 2011: Đảm nhiệm thêm chức vụ Phó Chủ tịch Thứ nhất HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) |
- Huyền My