Khách quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển muốn vào nội địa du lịch theo tour phải xin thị thực nhập cảnh. Với chính sách này, các tàu du lịch nước ngoài hoàn toàn có thể hủy chuyến đến Việt Nam và chọn các điểm khác hấp dẫn hơn.

Việt Nam không mến khách?

Quy định mới trong Luật Nhập cảnh Xuất cảnh, Quá cảnh và Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 quy định, khách quốc tế đến bằng tàu biển muốn vào nội địa du lịch theo tour của công ty trong nước phải xin thị thực nhập cảnh, không phải là xin giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam như trước.

Với quy định mới, du khách phải tốn thời gian làm thủ tục xin visa và tốn phí nhiều hơn 9 lần, từ 5 USD lên 45 USD/người.

Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Hữu Bắc, Giám đốc Trung tâm Lữ hành Quốc tế TST Travel cho biết, hiện có nhiều chính sách như tăng giá vé đến các điểm tham quan, tăng lệ phí làm visa, quá trình xin thị thực nhập cảnh đối với khách quốc tế đến bằng tàu biển trở nên phức tạp hơn trước đây tạo ấn tượng không tốt về nước chủ nhà Việt Nam, theo đó khó có được thái độ trọng thị từ khách du lịch. 

“Thời gian vừa qua chúng ta đã chi tiền để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, từ các vấn đề như ẩm thực, di tích danh thắng, sự thân thiện, mến khách… song những chính sách liên quan đến việc cấp thị thực, thủ tục nhập cảnh lại gây tác dụng ngược”, ông Bắc nhấn mạnh. 

Theo đó, ông Bắc cảnh báo rằng, Việt Nam có thể thu được lượng phí nhất định nhưng sẽ mất nhiều hơn. Chẳng hạn, hình ảnh du lịch Việt Nam và tiền lệ xấu là những thủ tục rườm rà gây phiền toái cho du khách sẽ ảnh hưởng đến quyết định giới thiệu về du lịch Việt Nam, chắc chắn những du khách đã đến sẽ không quay lại Việt Nam lần thứ 2. 

Ngoài ra, ông Bắc cũng cho biết, việc thay đổi những quy định trên nên có sự thống nhất lại, nhất là với du khách tàu biển nên thông báo sớm trước ít nhất 3 tháng để các công ty du lịch ứng phó sẵn sàng trước sự thay đổi cơ chế, quy phạm. 

“Không thể đánh đó doanh nghiệp bằng cách đưa ra những quy định chỉ được báo trước trong khoảng thời gian ngắn”, ông Bắc nói. 

Đưa ra so sánh với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, ông Nguyễn Hữu Bắc cho rằng, bất cập lớn nhất của xuất nhập cảnh Việt Nam là trong khi nói rất nhiều về việc người Việt thân thiện, Việt Nam sở hữu ngành công nghiệp không khói… nhưng việc đưa du khách nước ngoài vào Việt Nam hiện đang bị ràng buộc bởi quá nhiều văn bản và chồng chéo, thiết nhất quán giữa các ban ngành.

{keywords}
 Tháng 11/2014 Hạ Long đã đón một tàu du lịch 5 sao L Austral chở khách từ Pháp, Anh, Hy Lạp tham quan Hải Phòng, Hà Nội

“Việc đưa khách nước ngoài vào Việt Nam đang bị ràng buộc bởi rất nhiều các văn bản, các ban ngành liên quan từ Xuất nhập cảnh, Biên phòng, thanh tra của Tổng cục Du lịch, ngành Giao thông vận tải… và từ đó dẫn đến nhiều mối quan hệ ràng buộc, nhiều mức phải chi trả không chính thức đối với doanh nghiệp và khách hàng phải là người chịu cuối cùng”, ông Bắc phân tích. 

Phải đơn giản hóa thủ tục

Một thực tế là lượng khách tàu biển đến với Việt Nam không phải hàng ngày, hàng tuần mà chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 8-12 và kết thúc vào khoảng tháng 3 năm sau. Tuy nhiên mỗi lần đến đều có lượng khách đến rất lớn, có thể 27.000 người, ít nhất trên 10.000 người ở một số tàu tại Quảng Ninh. 

Ở Việt Nam chỉ có một số điểm lớn đón khách như Hạ Long (Quảng Ninh), Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. HCM…

Đại diện một công ty du lịch có trụ sở tại TP. HCM cho biết, với lượng khách lớn đến từ tàu biển những thủ tục, nguyên tắc cấp thị thực như hiện nay tốn rất nhiều thời gian của khách du lịch. 

“Tàu chỉ dừng lại ở Việt Nam 2 ngày để cho khách thăm quan, du lịch nhưng việc cấp thị thực, visa có thể sẽ mất 1 ngày như vậy khách chỉ có một ngày để du lịch là điều không thực tế. Để tháo gỡ tồn tại  này nên tìm cách đơn giản hóa thủ tục, làm càng nhanh càng tốt”, vị này đề xuất. 

Một doanh nghiệp khác cho rằng, chính nguyên nhân thủ tục rườm rà và tốn nhiều thời gian trong khi phải đảm bảo hành trình tốt nhất cho khách du lịch, công ty phải tận dụng mối quan hệ với cơ quan chức năng để được giải quyết thủ tục một cách nhanh hơn cho khách hàng. 

(Theo Bizlive)