-  Năm 2014, SBIC lỗ 2.188 tỷ đồng, nếu loại trừ nguồn thu từ thu nhập khác (từ tái cơ cấu, thanh lý, bán tài sản) thì số lỗ dự kiến năm 2014 là 4.090 tỷ đồng - ông Vũ Anh Tuấn - Tổng giám đốc SBIC cho biết.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (SBIC, trước là Vinashin) sáng 16/1, ông Vũ Anh Tuấn cho biết, 2014 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn và thách thức đối với SBIC. Tuy thị trường vận tải quốc tế và trong nước đã có dấu hiệu phục hồi nhưng tổng công ty vẫn chưa tiếp cận được các hợp đồng đóng tàu xuất khẩu có giá trị lớn và các hợp đồng đóng tàu vận tải trong nước.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014, toàn SBIC bàn giao 76 tàu với giá trị đạt hơn 200 triệu USD, trong đó có 33 tàu xuất khẩu và 43 tàu trong nước. Giá trị sản xuất ước đạt 5.719 tỷ đồng, doanh thu và thu nhập khác ước đạt 7.642 tỷ đồng, trong đó đóng tàu đạt 3.780 tỷ đồng.

{keywords}
Năm 2014 dù kết quả kinh doanh của SBIC có khả quan nhưng vẫn lỗ 2.188 tỷ đồng. (Ảnh: Nhịp cầu đầu tư).

Tổng giám đốc SBIC cho biết, năm 2014, tổng công ty lỗ 2.188 tỷ đồng, nếu loại trừ nguồn thu từ thu nhập khác (từ tái cơ cấu, thanh lý, bán tài sản) thì số lỗ dự kiến năm 2014 là 4.090 tỷ đồng. SBIC đang nợ lương ước khoảng 147 tỷ đồng; nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 130 tỷ đồng.

Trong đó, 8 đơn vị thành viên giữ lại (Phà Rừng, Hạ Long, Bạch Đằng, Sông Cấm, Thịnh Long, Cam Ranh, Shipmarin, Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn) vẫn lỗ 1.452 tỷ đồng.

Tổng công ty đã hoàn thành tái cơ cấu 42 đơn vị, đến thời điểm này đã tái cơ cấu giảm đầu mối được 100 đơn vị; rút vốn thương hiệu 61 doanh nghiệp, chuyển giao 73 doanh nghiệp sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC),  rà soát triển khai thủ tục phá sản 11 doanh nghiệp, giải thể 13 đơn vị...

Về việc tái cơ cấu tài chính, SBIC đã thực hiện xong tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài (135 triệu USD), nợ trong nước giai đoạn 1 (16.613 tỷ đồng cả gốc và lãi) và hiện đang tiếp tục tập trung cơ cấu các khoản nợ trong nước giai đoạn 2 khoảng 4.680 tỷ đồng bằng cách hoán đổi nợ qua đề án phát hành trái phiếu.

Các khoản trái phiếu quốc tế vay lại Bộ Tài chính, nợ nhà thầu cung cấp cũng đã và đang được SBIC xây dựng các phương án báo cáo các bộ ngành và Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, nếu được tách bạch tất cả những khoản nợ từ trước thì rõ ràng năm 2014, tổng công ty đã hoạt động có hiệu quả. “Bức tranh của SBIC  đã có nhiều điểm sáng hơn, điều này khẳng định hướng đi đúng trong sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương...”, ông Thăng nhận xét.

Bộ trưởng chỉ đạo, năm 2015, SBIC cần tiếp tục tập trung vào mục tiêu hiệu quả là chính, không chạy theo sản lượng, không chạy theo doanh thu... “Tổng công ty thực hiện đúng lộ trình tái cơ cấu để đến năm 2024, khi bắt đầu thời gian trả nợ thì SBIC có đủ khả năng thanh toán”, ông chỉ đạo.

Vũ Điệp